(Báo Quảng Ngãi)- Một số người buộc miệng bảo: “Không biết chị ấy làm vì cái gì mà lo cho người dưng như người thân ruột thịt?”. Nhiều người xa lánh bệnh nhân HIV vì sợ lây nhiễm, còn chị thì lúc nào cũng ở bên cạnh để động viên, giúp họ giành giật sự sống.
TIN LIÊN QUAN |
---|
“Vì một lẽ rất đơn giản, đó là tình người”, chị là Trịnh Thị Duyên (47 tuổi), cán bộ chuyên trách chương trình HIV, Trung tâm Y tế huyện Mộ Đức thản nhiên trả lời. Đã 12 năm chị Duyên làm công việc tư vấn, giúp đỡ những người mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV.
Câu chuyện của tình người
Tôi đã nhiều lần đi cùng chị Duyên đến thăm bệnh nhân HIV. Cái tình, cái nghĩa mà chị đối đãi với bệnh nhân HIV thật hiếm có ai làm được. Giữa chị và những người nhiễm HIV không có một khoảng cách. Mỗi lần gặp nhau là tay bắt mặt mừng, thủ thỉ với nhau câu chuyện trong cuộc sống của chính những bệnh nhân HIV. “Chị là một nhà tâm lý học thì đúng hơn”, tôi nói vui. Chị Duyên đáp: “Sự kỳ thị của xã hội đối với bệnh nhân HIV còn quá nặng nề, mình phải thấu hiểu để giúp họ tự tin bước tiếp trong cuộc đời”.
“Để được gì cho mình”, câu hỏi mà nhiều người đặt ra ấy chưa một lần chị Duyên nghĩ đến. Chị vẫn thường bảo, những bệnh nhân HIV như những người chết đi sống lại, họ có gì đâu ngoài tấm thân tàn mà ngay cả họ cũng chán ghét, muốn vứt bỏ sự sống của chính mình. Nghĩ vậy, chị càng thương, càng tôn trọng những người không may nhiễm căn bệnh thế kỷ, để rồi từ đó giúp họ hiểu được giá trị của sự sống.
Chị Trịnh Thị Duyên (bên phải) thăm hỏi, động viên một bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. |
“Không có cô Duyên thì con nhỏ đã xanh cỏ từ lâu rồi”, cụ H (80 tuổi) nhìn con gái với ánh mắt hiền từ, rồi quay sang nói với tôi. Con ông H tuổi ngoài 30, quê xã Đức Hiệp, bệnh đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Ngày chị T trở về Quảng Ngãi sau một thời gian điều trị bệnh ở TP.HCM là cái ngày mà chị nghĩ rằng đã là dấu chấm hết của cuộc đời.
Vứt bỏ hết mọi thứ ở thành phố phồn hoa, chị T trở về quê với tấm thân tàn, cứ nghĩ về để chờ... chết. “May mắn làm sao khi hôm ấy tôi đánh liều tìm đến Trung tâm Y tế huyện Mộ Đức và gặp chị Duyên”, chị T bộc bạch. Nhìn người phụ nữ tiều tụy đứng ngoài cửa, ấp úng không dám mở lời, chị Duyên hiểu chuyện và kể từ đó vừa là bạn, là chị và như thể người mẹ hiền lúc nào cũng có mặt khi chị T cần. Đến nay, sau 3 tháng điều trị bằng thuốc ARV, chị T tăng hơn 6kg. Cụ H nói nhỏ: “Người dân quê mình chưa hiểu, nên xa lánh người nhiễm HIV, bởi vậy mình hãy cứ im lặng mà sống con à. Con còn có ba, có cô Duyên, không lo lắng gì hết”.
Tình người trong những lúc khốn khó thật đáng quý. Suốt 12 năm gắn bó với nghề, điều khiến chị Duyên thấm thía và bảo rằng không chỉ có cho đi, mà chị còn học được rất nhiều từ chính bệnh nhân HIV, đó là nghị lực, là ý chí vượt qua nỗi đau và cách đối nhân xử thế ở đời. Chị vẫn thường kể cho các con nghe về câu chuyện của những bệnh nhân HIV, đó là câu chuyện về cuộc sống ở đời, về tình người cao quý và cũng là bài học để chị giáo dục các con.
“Ray rứt khi không giúp được người bệnh”
Lần này gặp tôi, chị Duyên có vẻ kém vui. Nguyên nhân là bởi từ đầu năm đến giờ ở huyện Mộ Đức có đến 6 bệnh nhân HIV nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân tích lũy đến nay lên 84 người. Tính đến nay, trên địa bàn huyện đã có 31 bệnh nhân tử vong. Chị Duyên đượm buồn khi nhắc đến những bệnh nhân đã tử vong, trong số đó chị nhớ nhiều nhất là Nguyễn Thị Nữ (30 tuổi), quê xã Đức Phong. Lúc còn sống, Nữ gọi chị Duyên là mẹ, bởi lẽ chị như người sinh ra Nữ lần thứ hai kể từ ngày Nữ phát hiện mình mắc căn bệnh thế kỷ. Nữ bị chính cha đẻ của mình ruồng bỏ khi hay tin con bị nhiễm HIV, chính chị Duyên là người luôn ở bên cạnh an ủi, động viên.
Trong những ngày Nữ còn ở TP.HCM, đều đặn hằng tháng chị Duyên nhận thuốc ARV gửi vào cho Nữ và thường xuyên điện thoại nhắc nhở việc ăn uống, sinh hoạt hằng ngày. Sẽ không thể nói hết bằng lời tình cảm mà chị Duyên dành cho Nữ và ngược lại. Nữ là một trong số ít người mạnh dạn công khai mình nhiễm HIV trước cộng đồng. Dần dà thì người thân trong gia đình và láng giềng cũng hiểu, cảm thông với hoàn cảnh và căn bệnh mà Nữ mắc phải. “Bệnh đã chuyển sang AIDS, nhưng với tinh thần lạc quan, tích cực điều trị bằng thuốc ARV, Nữ đã sống thêm được gần 10 năm. Tuy đã qua đời, nhưng em vẫn là tấm gương, tiếp thêm nghị lực để những bệnh nhân HIV sống lạc quan hơn”, chị Duyên chia sẻ.
Đâu dễ để tiếp cận những bệnh nhân nhiễm HIV. Sự kỳ thị của xã hội đã khiến họ giấu bệnh, sống với nỗi đau chẳng thể tâm sự với bất kỳ ai. Tiếp xúc với nhiều bệnh nhân HIV, nên hơn ai hết chị Duyên thấu hiểu nỗi đau mà họ đang chịu đựng và cả tâm lý bất cần đời khi mới phát hiện bệnh. Bởi vậy, đến nhà một lần, hai lần, rồi ba lần, thậm chí bị chửi thậm tệ, nhưng chị Duyên vẫn mặc kệ, vẫn kiên trì thuyết phục để bệnh nhân tiếp cận cơ sở y tế, sử dụng thuốc kháng virus HIV. Chị đã chứng kiến rất nhiều trường hợp qua đời trong đau đớn, tiếc nuối vì không điều trị bệnh, đến lúc đồng ý điều trị thì đã muộn...
“Chị Trịnh Thị Duyên rất trách nhiệm trong công việc, nhiệt tình giúp đỡ bệnh nhân HIV. Chị Duyên thường xuyên đến nhà động viên, tư vấn để bệnh nhân HIV sử dụng thuốc điều trị hiệu quả và nâng cao kiến thức phòng tránh lây bệnh cho cộng đồng. Chị chính là điểm tựa để bệnh nhân HIV chia sẻ mọi vui, buồn, tiếp thêm động lực để bệnh nhân lạc quan trong cuộc sống”.
|
Lạc quan mà sống
Ở đời, để động viên nhau vượt qua nỗi đau, người ta vẫn thường nói câu: “Ánh sáng ở cuối con đường”. Có người bảo, đó là câu nói nơi chót lưỡi đầu môi. Nhưng, qua câu chuyện của bệnh nhân HIV đã đem đến cho mọi người niềm tin rằng hãy cứ bước tiếp, để tìm thấy ánh sáng ở cuối đường. Chị Duyên kể, mới đây vợ chồng của một cán bộ đương chức phát hiện bệnh khi cả hai đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Họ gần như loạn thần, không tin đó là sự thật, người vợ cho rằng lỗi do chồng không chung thủy và ngược lại. Suốt mấy tháng trời, chị Duyên làm công tác hòa giải, động viên để cả hai tĩnh tâm nhìn nhận lại vấn đề. Và rồi, người chồng đã nhớ chuyện từ cách đây cả chục năm, trong một lần anh đã không làm chủ được mình nên đã quan hệ với một người phụ nữ khác.
Người chồng bị nhiễm trùng cơ hội ở giai đoạn cuối nên phải nhập viện. Người thân sợ bị lây bệnh, nên không một ai ở bên cạnh để chăm sóc anh lúc nằm viện. Thế là chị Duyên lại đi chăm sóc người dưng, chị lo cho anh từ việc uống từng viên thuốc, mua từng miếng tã lót... Mỗi sáng, chị nấu thức ăn mang vào bệnh viện cho anh. Và cũng nhờ chị Duyên làm cầu nối mà niềm vui như vỡ òa khi người vợ đến bệnh viện chăm sóc anh. Vì những lời động viên chân thành của chị Duyên mà vợ chồng anh đã ở bên cạnh nhau lúc khó khăn nhất trong cuộc đời. “Đến nay đã là tháng thứ 4 vợ chồng anh sử dụng thuốc kháng virus HIV, sức khỏe của anh chị đã cải thiện rõ rệt”, chị Duyên phấn khởi nói.
Có người chồng công tác trong ngành y, nên anh thấu hiểu công việc mà chị Duyên đang làm và luôn động viên, giúp đỡ để chị làm trọn tình người như tâm niệm của mình đối với những người mang căn bệnh thế kỷ. Nhìn chị nhiệt tình giúp đỡ người bệnh HIV, tôi thấu hiểu, đó chỉ có thể là một phụ nữ có trái tim nồng ấm tình người!
Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ