Mở vòng tay yêu thương cho trẻ bị nhiễm HIV

02:05, 24/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là mong mỏi xuất phát từ tâm can của những người thân thuộc của những đứa trẻ bị nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh.

Những ước mơ tưởng chừng quá đỗi bình thường với con trẻ, như được đến trường, được sống hạnh phúc bên ba mẹ, được nô đùa, vô tư cùng bạn bè... lại là điều quá xa vời đối với những đứa trẻ không may bị nhiễm HIV!

TIN LIÊN QUAN


Leo lắt trước gió

Con đường nhỏ dẫn vào nhà em T ở cuối thôn Long Bình, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) dài hun hút, hiu quạnh như chính cuộc đời của em. Dù năm nay đã lên 9 tuổi, nhưng T chẳng khác nào đứa trẻ đang học mầm non. Em chỉ nặng khoảng 15kg, thân hình gầy rộc như cây thiếu nước nhiều ngày. Nói về đứa con trai của mình, vợ chồng anh L, chị H đều không cầm được nước mắt và cả sự ân hận đối với bản thân. Do việc làm ở nông thôn ngày càng khó khăn, nên anh L vào TP.Hồ Chí Minh làm ăn, quen biết, rồi đi đến hôn nhân với chị H.

Dù đã 9 tuổi, nhưng bé T, ở huyện Nghĩa Hành khá gầy yếu, bởi em phải chịu đựng nỗi đau bệnh tật do HIV gây ra.
Dù đã 9 tuổi, nhưng bé T, ở huyện Nghĩa Hành khá gầy yếu, bởi em phải chịu đựng nỗi đau bệnh tật do HIV gây ra.


Trong một lần sa ngã, anh L đã "dính" HIV và lây cho vợ. Đau đớn hơn cả là, niềm vui của đôi vợ chồng trẻ vừa chớm đã vụt tắt, khi biết đứa con ngây thơ của mình vừa sinh ra đã bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Kể từ ngày ấy, cuộc sống của gia đình anh L gặp muôn vàn khó khăn không chỉ trong mưu sinh, mà còn cả trong đời sống tinh thần. Ngày gia đình dắt díu về quê nương tựa, anh chị đã phải đón nhận những lời cay nghiệt của người đời.

"Ngày đó, tôi xin con vào học mầm non để vợ chồng có thời gian đi làm thuê kiếm tiền lo thuốc cho bản thân và con, nhưng các cô đều lắc đầu với lý do: Nhận cháu T vào học thì được, nhưng số đông phụ huynh của trường không đủ tự tin để cho con học chung. Nghe vậy, tôi không hề oán trách các cô, mà cảm thấy có lỗi quá lớn đối với con mình", anh L kể lại trong nỗi đau xé lòng. Vì lẽ đó mà tuổi thơ của T là những ngày rong ruổi theo bố mẹ khắp các miền quê để kiếm sống. Đến khi T đủ tuổi vào lớp 1, anh L mới cùng vợ con quay về quê xin cho con đi học, dù biết rằng con đường tương lai phía trước không còn dài.

Hoàn cảnh của em N (11 tuổi) ở xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) cũng đầy xót xa. Ba mẹ N đã qua đời vì căn bệnh HIV/AIDS. Nhiều năm qua, N chỉ biết nương tựa vào bà ngoại đã gần 80 tuổi. Một già, một trẻ, họ chẳng khác gì hai ngọn đèn dầu đang leo lắt trước gió. Bà ngoại N sụt sùi lo lắng cho tương lai của đứa cháu tội nghiệp: “Tôi thì gần đất xa trời. Nó thì côi cút, lại mang căn bệnh thế kỷ, nên không biết rồi đây tương lai nó sẽ ra sao nữa!”. Dù cố kiềm lòng, nhưng nước mắt tôi cứ tuôn trào khi nghe những lời than thân, trách phận của bà ngoại N.

Với em T (sinh năm 2002) ở xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh) thì đáng thương hơn, vì không được học hành, đến trường như những đứa trẻ cùng chung số phận. Dường như biết mình mang căn bệnh thế kỷ, nên T rất dè dặt khi tiếp xúc với người lạ. T cho biết, em phải nghỉ học từ năm lớp 3, do không chịu nỗi những kỳ thị cay nghiệt của người đời. Tuổi thơ em sớm mồ côi mẹ và mất luôn cả anh trai đều do căn bệnh HIV/AIDS. Mấy năm qua, T sống cùng cha. Dù đã 15 tuổi, nhưng em chỉ biết quanh quẩn ở nhà, không bạn bè, không có sự chia sẻ, ngoài người cha.
 

"Mỗi chúng ta hãy mở rộng tấm lòng để các cháu không may mang căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS có được một bờ vai để nương tựa”.
           Ba của một trẻ em bị nhiễm HIV.

Cho các em một bờ vai

Những năm qua, ông B, ba của T, ở xã Tịnh Bình đã phải dầm mưa dãi nắng làm nghề phụ hồ nuôi con. Ông không chỉ là điểm tựa, mà còn là người mẹ, người bạn của con mỗi ngày.

“Làm cha mẹ không ai mong con mình lâm vào hoàn cảnh bệnh tật như vậy cả. Vì thế, mỗi chúng ta hãy mở rộng tấm lòng để các cháu không may mang căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS có được một bờ vai để nương tựa”, ông B trải lòng. Còn anh L, ba cháu T ở xã Hành Tín Tây thì chia sẻ, bây giờ người đời nhìn căn bệnh HIV có thoáng hơn, song tôi vẫn mong muốn mọi người có tấm lòng bao dung hơn, vì các cháu là nạn nhân của người lớn mà thôi.

Bác sĩ Võ Mẫn- Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh thăm tặng quà cho cháu N, huyện Tư Nghĩa bị nhiễm HIV.
Bác sĩ Võ Mẫn- Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh thăm tặng quà cho cháu N, huyện Tư Nghĩa bị nhiễm HIV.


Căn bệnh HIV/AIDS đã và đang len lỏi trong đời sống xã hội và mỗi năm không ngừng tăng lên. Trong số này có rất nhiều nạn nhân là trẻ em do bị lây nhiễm từ bố mẹ. Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Võ Mẫn chia sẻ: Các em bị nhiễm HIV đều có hoàn cảnh khá đặc biệt, thiếu thốn tình cảm, vì không ít trường hợp các em sinh ra chưa được bao lâu thì bố mẹ mất. Nhiều em không chỉ thiếu thốn tình cảm mà còn có cuộc sống nghèo khó, nên khả năng chống chọi với bệnh tật rất thấp.

Hiện nay, vẫn còn khá nhiều phụ huynh có tâm lý sợ trẻ nhiễm HIV tiếp xúc với con mình sẽ gây lây nhiễm. Vì thế, trẻ nhiễm HIV ít có cơ hội được tiếp xúc, vui chơi như chúng bạn cùng trang lứa. Bác sĩ Võ Mẫn cho biết: “HIV/AIDS không lây qua con đường tiếp xúc thông thường, nên phụ huynh có thể yên tâm khi cho con em của mình học tập chung với những trẻ bị HIV. Nếu chúng ta ngày càng xa lánh, kỳ thị thì sự tổn thương về tinh thần cho những đứa trẻ chẳng may bị nhiễm HIV/AIDS là rất lớn. Hơn bao giờ hết, việc rút ngắn khoảng cách về môi trường học tập, sinh hoạt đối với trẻ nhiễm HIV trong cộng đồng hiện nay là điều cần thiết”.

Để trẻ khỏi lây nhiễm HIV

Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến lây nhiễm HIV là người bị nghi nhiễm HIV không mạnh dạn đến các cơ sở y tế để khám, xét nghiệm và tư vấn điều trị. Khi mang thai, nhiều chị em ngần ngại đi xét nghiệm để can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV. Bác sĩ Mẫn khuyến cáo, khi mang thai nếu phát hiện bị nhiễm HIV, người mẹ nên tới các cơ sở y tế để khám, tư vấn và sử dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm cho con để sau này khỏi phải ân hận, đồng thời không tạo ra gánh nặng cho xã hội.

Chị S, ở TP.Quảng Ngãi là một trong những trường hợp được điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, tâm sự: “Tôi bị nhiễm HIV từ chồng. Khi biết mình bị HIV thì cũng là lúc tôi mang thai. Lúc đó, tôi không muốn sống nữa, nhưng nhờ thực hiện gói dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, nên tôi vô cùng vui mừng khi đứa con chào đời không bị lây nhiễm HIV”.

Năm 2016, toàn tỉnh có 8 trường hợp được điều trị dự phòng HIV từ mẹ sang con và tất cả các em bé sinh ra đều âm tính với HIV. Bên cạnh sự may mắn cho những đứa trẻ có mẹ bị nhiễm HIV, thì mỗi năm vẫn còn 3- 5 trường hợp phát hiện trẻ nhiễm HIV, do sự thiếu hiểu biết của người mẹ khi mang thai bị nhiễm HIV.

Trở lại với câu chuyện của những đứa trẻ không may bị nhiễm HIV, nỗi đau của các em cứ ám ảnh tôi. Giá như những người mẹ được hỗ trợ thông tin, giá như họ được tiếp cận với những dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV ngay từ những ngày đầu mang thai... thì việc lây nhiễm HIV cho đứa con yêu thương của mình sẽ được hạn chế phần nào, để xã hội giảm bớt những nỗi đau không đáng có...

Xét nghiệm HIV miễn phí

Theo thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, trong năm 2016, có hơn 14.600 trường hợp phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV, chiếm 59% phụ nữ mang thai toàn tỉnh. Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ tự nguyện đi xét nghiệm HIV trong thời gian mang thai còn thấp, mặc dù hiện nay việc xét nghiệm tự nguyện HIV đều miễn phí. Cũng theo Trung tâm này, hiện nay, toàn tỉnh có 718 ca nhiễm HIV. Trong đó, đầu năm 2017 đến nay phát hiện 17 ca nhiễm mới. Có 28 trường hợp trẻ em bị HIV, trong đó có 6 trẻ đã chết và 6 trẻ chuyển đi nơi khác sinh sống. Hiện có 13 trẻ bị nhiễm HIV đang điều trị thuốc ARV tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.   


         Bài, ảnh: KIM NGÂN


 


CÁC TIN KHÁC
.