(Báo Quảng Ngãi)- Ngày đất nước toàn thắng, trở về quê hương với cơ thể không còn lành lặn. Nhưng rồi chính tình yêu thương của đồng đội đã giúp họ có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ông từng là lính đặc công, dũng cảm trong kháng chiến chống Mỹ, còn bà là y tá làm nhiệm vụ chăm sóc thương binh nặng. Ngày đất nước toàn thắng, họ đã nên duyên chồng vợ, cùng nhau xây đắp mái ấm gia đình. Đó là câu chuyện của vợ chồng ông Nguyễn Toàn Thắng, ở phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi).
Năm 18 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Toàn Thắng tình nguyện vào bộ đội và được biên chế ở Đại đội 134, Huyện đội Đông Sơn. Sau khi đất nước thống nhất, ông Thắng tham gia thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia. Một lần dẫn tiểu đội trinh sát địa hình, ông bị vướng mìn của địch.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Bí Thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ thăm vợ chồng thương binh Nguyễn Toàn Thắng dịp 27.7.2017. |
Sau một đêm tỉnh dậy, đôi chân không còn, ông được đưa về Trại an dưỡng Bình Định, để dưỡng thương. Vết thương bắt đầu lành lặn, nhưng một vết thương khác đã cứa vào trái tim, đó là người vợ trẻ ở quê nhà đã rời bỏ ông, khi biết chồng là một người tàn phế.
Khi ông mang nỗi đau chồng chất, thì cô y tá Thái Thị Hạt ở vùng đất Tây Sơn (Bình Định) luôn gần gũi chia sẻ, chăm sóc, động viên, giúp ông vượt qua những ngày tháng đau thương. Song do mặc cảm tàn tật, ông từ chối tình yêu của y tá Hạt. Thế nhưng, tình yêu chân thành và sự kiên trì của cô Hạt đã làm lay động trái tim ông, để rồi họ đến với nhau, lần lượt sinh hai người con, rồi về Quảng Ngãi lập nghiệp.
Dù khởi đầu cuộc sống gia đình hết sức khó khăn, nhưng với tình yêu thương, sự tần tảo của mình, bà Hạt đã cùng chồng gầy dựng cuộc sống mới. Không còn đôi chân, ông Thắng dùng hai ghế thay thế để di chuyển. Họ cùng nhau đồng cam, cộng khổ nỗ lực làm kinh tế. Nhờ đó, giúp họ xây dựng được ngôi nhà khang trang và nuôi hai con vào đại học. Đến nay, hai người con trai đã lập gia đình, có việc làm ổn định.
Khi sức khỏe không còn như trước, hai vợ chồng ông Thắng mở quán ăn nhỏ, hằng ngày phụ nhau buôn bán trong niềm hạnh phúc tuổi xế chiều. Bà Hạt còn tích cực tham gia công tác ở địa phương. Với vai trò Trưởng ban Mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ Tổ dân phố Quyết Thắng B, bà Hạt đã đóng góp nhiều công sức cho phong trào ở địa phương. Bây giờ thảnh thơi bên 5 đứa cháu nội, ông Thắng nhìn vợ nở nụ cười mãn nguyện: “Nếu không có bà ấy, không biết đời tôi sẽ thế nào!”.
Còn đối với Đại tá Phan Thanh Nam, thương binh 1/4, hiện là Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, nếu không có sự sẻ chia, động viên giúp đỡ của người vợ, thì chắc ông cũng không thể vượt qua những ngày tháng bệnh tật.
Tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi, với vai trò du kích mật, sau đó đi bộ đội ở Đại đội Quyết chiến, rồi chuyển về công tác ở Đại đội H18. Trong chiến tranh, ông nhiều lần bị thương, nhưng nặng nhất là vết thương ở mắt không thôi hành hạ. Hòa bình, ông về công tác tại Tỉnh đội Quảng Ngãi và kết hôn cùng chị Trần Thị Kim Oanh, một đồng nghiệp của mình.
Họ lần lượt đón hai đứa con chào đời. Hạnh phúc chưa bao lâu, thì vết thương cũ tái phát, khiến mắt trái ông Nam bị mù. Sau đó, con mắt còn lại cũng không còn thấy ánh sáng, khiến cuộc sống của ông bị đảo lộn. Ông chán nản, buồn rầu, vì đang lành lặn trở nên tàn tật. Nhưng với tình yêu thương, chăm sóc của vợ giúp ông dần lấy lại nghị lực sống.
Sau khi nghỉ hưu, ông Nam tích cực tham gia công tác ở Hội Người mù và được tín nhiệm bầu giữ chức chủ tịch. Có hậu phương vững chắc từ vợ, giúp ông có thêm ý chí, đóng góp công sức cho công tác hội.
Không kém cạnh chồng, bà Trần Thị Kim Oanh hiện là Chủ tịch Hội LHPN cơ quan Bộ CHQS tỉnh, vừa cáng đáng vai trò trụ cột gia đình, chăm lo cho hai con học đại học, vừa chăm sóc chồng. Dù vất vả, nhưng đối với công việc chuyên môn, bà Oanh luôn hoàn thành tốt trọng trách được giao, được biểu dương là phụ nữ “hai giỏi” tiêu biểu.
Bài, ảnh: KIM NGÂN