(Báo Quảng Ngãi)- Từ năm 2016 đến nay, Quảng Ngãi xảy ra 16 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm chết 16 người. Nguyên nhân xảy ra TNLĐ phần lớn do nhận thức của người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động về các quy định an toàn còn hạn chế.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trường hợp của anh Đỗ Tấn Thật, ở xã Bình Thạnh (Bình Sơn) và Hồ Chí Cường (Quảng Nam) là một trong số ít trường hợp thoát chết hy hữu sau vụ TNLĐ xảy ra vào tháng 9.2017. Anh Thật và anh Cường là công nhân của Công ty CP Cơ – Điện- Môi trường LILAMA. Khi hai công nhân này đang xả cặn, làm sạch bên trong thiết bị phản ứng của hệ thống tái chế dầu thuộc dây chuyền tái chế dầu thải tại khu liên hiệp xử lý và tái chế chất thải, thì cặn xỉ bên trong thiết bị phản ứng bắn dính lên người và bốc cháy.
Công nhân vận hành máy của Công ty Giấy Hiệp Thành (CCN Tịnh Ấn Tây, TP.Quảng Ngãi) chưa trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn lao động. |
Trong khi anh Cường bị bỏng toàn thân do quần áo bị cháy hoàn toàn, thì anh Thật may mắn hơn khi chỉ bị bỏng một phần do nhanh trí nhảy vào hồ nước gần đó. Dù thoát chết và được cứu chữa kịp thời, nhưng cuộc sống của anh Thật và anh Cường hiện tại khá bế tắc, do không thể tiếp tục làm việc, hiện sống phụ thuộc vào gia đình.
Không may mắn như trường hợp của anh Thật và anh Cường, vụ TNLĐ giữa năm 2016 ở mỏ đá Hóc Kè, xã Ba Động (Ba Tơ) làm cho anh Nguyễn Ngọc Hoanh là công nhân của Công ty CP Xây dựng giao thông Quảng Ngãi tử vong, khi vận hành máy.
Theo thống kê, từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 10 vụ TNLĐ, trong đó có 3 vụ xảy ra tại nơi làm việc, làm 2 người chết và 2 người bị thương nặng.
Đại diện Sở LĐ-TB&XH cho biết, các con số trên chưa phản ánh đúng về an toàn lao động (ATLĐ) trên địa bàn tỉnh. Nguyên do là nhiều đơn vị, doanh nghiệp chưa quan tâm báo cáo về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), phòng chống cháy nổ. Mặt khác, số vụ tai nạn không gây chết người trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp vẫn chưa được thống kê... Nếu công tác thông tin báo cáo thực hiện nghiêm, thì số vụ TNLĐ có thể sẽ nhiều hơn con số nêu trên.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất ATLĐ. Về phía đơn vị sử dụng NLĐ chưa chú trọng tổ chức huấn luyện cho NLĐ về ATVSLĐ, hoặc làm đối phó, cắt xén thời gian, nội dung; không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phương tiện bảo hộ; không dành kinh phí thoả đáng để cải thiện điều kiện và môi trường làm việc cho NLĐ. Bên cạnh đó, hằng năm chỉ có 15% doanh nghiệp tổ chức khám sức khoẻ định kỳ và đo kiểm môi trường lao động.
Trong khi đó, nhận thức của NLĐ về công tác ATLĐ chưa cao. Qua thanh kiểm tra, ngành chức năng ghi nhận tình trạng NLĐ dù biết mức độ nguy hiểm song vẫn cố tình không tuân thủ các tiêu chuẩn, quy định an toàn; dù được trang bị, nhưng không sử dụng các phương tiện bảo hộ... Trong lao động sản xuất nông - lâm nghiệp, người NLĐ đa phần làm việc dựa vào tập quán, kinh nghiệm, thói quen, nên nguy cơ mất ATLĐ còn cao.
Phó Phòng Việc làm - ATLĐ (Sở LĐ-TB&XH) Nguyễn Minh Tuấn cho biết: Theo phân tích thống kê các nguyên nhân xảy ra TNLĐ từ năm 2016 đến nay, thì nguyên nhân do đơn vị sử dụng NLĐ chiếm trên 31% và nguyên nhân từ NLĐ chiếm 6,5%.
Một nguyên nhân nữa là công tác thanh tra, kiểm tra ATVSLĐ chưa thường xuyên, nên chưa kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những thiếu sót, sai phạm của doanh nghiệp về bảo đảm ATLĐ. Ngoài ra, chế tài của Nhà nước về xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực này chưa đủ mạnh, chủ yếu là nhắc nhở và yêu cầu doanh nghiệp tự khắc phục...
Để thực hiện tốt ATVSLĐ, chủ động ngăn ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất số vụ TNLĐ, các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng NLĐ và NLĐ cần thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về ATVSLĐ. Ngành chức năng cần tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về ATLĐ, nhằm đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho NLĐ.
Bài, ảnh: VŨ YẾN