(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, tỉnh ta luôn quan tâm trợ giúp người khuyết tật (NKT), giúp họ cơ hội cần thiết để họ vươn lên hòa nhập với cộng đồng và xã hội, ổn định cuộc sống.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chị Bùi Thị Nga, ở thôn Bình Đẳng, xã Tịnh Ấn Đông (TP.Quảng Ngãi) có hai con gái đều bị câm, điếc bẩm sinh dạng nhẹ. Năm 2008, chị Nga cùng nhiều gia đình có con em là NKT được hưởng lợi từ Dự án “Phục hồi chức năng tại cộng đồng cho nạn nhân chất độc da cam” được triển khai thí điểm tại huyện Sơn Tịnh. Đến nay, sau nhiều năm luyện tập PHCN tại gia đình, các con của chị Nga đã có thể nói được các câu đơn giản...
Tăng cường chăm sóc người khuyết tật
Chị Nga xúc động, bày tỏ: Nhờ luyện tập thường xuyên mà các cháu đã có thể tự tin trong giao tiếp hằng ngày. Trước đây, các cháu tự ti lắm, nhưng giờ chúng đã đến trường và học tập như bao trẻ em khác. Gia đình rất vui. Đây là dự án hỗ trợ NKT trong tỉnh, tự tin hòa nhập cuộc sống cộng đồng. Từ năm 2014 đến nay, dự án này được mở rộng triển khai tại các huyện Đức Phổ, Mộ Đức, Nghĩa Hành và Tư Nghĩa với hơn 4.000 NKT được hỗ trợ luyện tập PHCN.
Dạy làm hoa voan cho trẻ khuyết tật tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn. |
Công tác xã hội hóa hoạt động trợ giúp NKT cũng được thực hiện có hiệu quả. Thông qua hoạt động của Hội NKT tỉnh, Hội Chữ thập đỏ, Quỹ Bảo trợ trẻ em... đã có hơn 250 trẻ em bị tim bẩm sinh, tật vận động, sứt môi - hở hàm ếch được phẫu thuật miễn phí. Hơn 256 em bị khuyết tật khiếm thính được khám, hỗ trợ máy trợ thính; hỗ trợ 550 chiếc xe lăn cho NKT vận động và 12.172 lượt trẻ em nghèo được hỗ trợ quà, nhận học bổng... góp phần giúp NKT giải quyết những khó khăn trước mắt trong cuộc sống.
Việc giúp NKT tiếp tục được tỉnh quan tâm triển khai trong giai đoạn 2016-2020. Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai cụ thể hóa, lồng ghép công tác giúp đỡ NKT vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị, địa phương, nhằm đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ đối với NKT.
Toàn tỉnh hiện có trên 50.000 NKT, chiếm khoảng 4% dân số. Trong đó có trên 21.000 NKT do nhiễm chất độc da cam/Dioxin, gần 7.750 trẻ em khuyết tật vận động, mắt, tim bẩm sinh, sứt môi- hở hàm ếch... Đa phần NKT thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, có trình độ học vấn thấp, không thể sống tự lập; chỉ có khoảng trên 15% tự tạo được thu nhập. |
Công tác xác nhận khuyết tật và hoạt động của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật ở cấp xã cũng được chú trọng. Đến nay, toàn tỉnh có gần 27.000 NKT cấp giấy xác định mức độ khuyết tật để hưởng các chế độ trợ cấp hằng tháng và nuôi dưỡng tại cộng đồng. Có 100% NKT thuộc hộ nghèo, NKT đang hưởng chế độ bảo trợ xã hội tại cộng đồng được cấp thẻ BHYT. Các cơ sở y tế thường xuyên khám, chữa bệnh và tư vấn sức khỏe cho NKT...
Tạo cơ hội
Trong những năm qua, tỉnh còn chú trọng triển khai đào tạo nghề, tạo sinh kế cho NKT. Trong thời điểm cuối năm này, “xưởng” sản xuất chổi đót và hoa voan tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn (Nghĩa Hành) đang tất bật chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết. Phó Giám đốc Trung tâm Trần Thị Thu Thủy, cho biết: Đây là mô hình từ các lớp đào tạo nghề cho trẻ khuyết tật của trường. Trẻ khuyết tật sau khi học nghề sẽ tham gia làm ra các sản phẩm và bán ra thị trường, nhằm tạo nguồn thu nhập ổn định cho các em. Trong năm qua, trung tâm đã mở 4 lớp dạy nghề trình độ sơ cấp cho NKT với các ngành: May công nghiệp, chế biến món ăn, tin học văn phòng với sự tham gia của 65 NKT và đã tốt nghiệp, có việc làm.
Hội Người mù tỉnh đã tổ chức quy hoạch nghề, phù hợp với khả năng lao động của người mù. Hội đã mở 17 lớp dạy chữ, dạy nghề, học định hướng di chuyển cho 170 người. Sau đào tạo, Hội đã tổ chức 5 cơ sở sản xuất tập trung để làm chổi, rèm trúc tạo việc làm cho hơn 18 lao động và mở 4 cơ sở xoa bóp cổ truyền, tạo việc làm cho hơn 16 lao động, thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Số người được tạo nghề, không có điều kiện tham gia sản xuất tập trung đã được Hội hướng dẫn làm việc tại nhà bằng các nghề như bó chổi, xoa bóp cổ truyền, chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ và một số nghề khác phù hợp với người mù.
Thực tế, công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của NKT, nhưng có thể nói rằng, những kết quả đạt được đã góp phần nâng cao nhận thức, quan điểm và trách nhiệm của các cấp, ngành trong việc thực hiện chính sách đối với NKT. Qua đó từng bước dỡ bỏ, tạo cơ hội bình đẳng cho NKT tiếp cận các dịch vụ xã hội, hòa nhập với cộng đồng.
Bài, ảnh: VŨ YẾN