(Báo Quảng Ngãi)-”Hàng tháng “gõ cửa” hơn 1.500 hộ dân trong thôn, để vận động mọi người mang rác ra điểm tập kết và thu phí thu gom rác thải nộp cho công ty môi trường, dù không có thù lao. Đó là tấm lòng tự nguyện “vác tù và hàng tổng” của 4 phụ nữ ở làng biển Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn).
TIN LIÊN QUAN |
---|
Là một làng chài ven biển, Mỹ Tân từng là "điểm nóng” về rác thải, khi cả thôn có đến 5.400 nhân khẩu, nhưng không có nơi thu gom, chôn lấp rác. Nhưng rồi đến năm 2017, nhờ sự đồng thuận từ chính quyền đến người dân, thôn Mỹ Tân đã cơ bản giải quyết xong bài toán rác thải, khi thôn vận động sức dân xây dựng điểm tập kết rác và liên hệ với công ty môi trường đến thu gom.
Bà Bùi Thị Vân (bên trái) tự nguyện đảm nhận công việc đến nhà 188 hộ dân trong khu dân cư để thu phí thu gom rác hằng tháng. |
Song, do đường trong thôn nhỏ hẹp, xe thu gom rác không thể đến tận nhà, nên để 100% hộ dân mang rác ra điểm tập kết tại cầu Xóm Cồn, cầu Xóm Sát và nộp đầy đủ phí, 4 chị em ở 4 khu dân cư trong thôn Mỹ Tân đã tự nguyện nhận nhiệm vụ đi vận động.
Là người nhận trách nhiệm thu tiền rác tại khu dân cư (KDC) số 15, từ tháng 5.2017 đến nay, hằng tháng bà Bùi Thị Vân phải “gõ cửa” 188 hộ. “Tôi có đứa cháu ngoại mới 12 tháng tuổi. Lắm lúc bận quá, không biết gửi cháu cho ai, tôi ẵm cháu đi thu tiền rác luôn. Nhiều nhà thấy thế, vừa cười vừa mắng, bảo sao lại ưng rước cực vào người? Nhưng nhờ vậy, mà mình thấy vui và khỏe hẳn”, bà Vân chia sẻ.
Còn đối với bà Phạm Thị Văn, người phụ trách việc thu tiền rác ở KDC số 14, khi đảm nhận nhiệm vụ này, bà không ngại khó đến từng nhà vận động. Nhưng cái khó nhất đối với bà, là thuyết phục mọi người thay đổi thói quen đã tồn tại từ nhiều năm nay.
“Lúc mới đi thu tiền, buồn nhất là mọi người trả lời rằng: “Tôi không đổ rác sao kêu nộp tiền?”. Rồi nhiều nhà vẫn giữ thói quen đổ rác ra sông như cũ, thay vì đem đến điểm tập kết. Nên mình vừa đi thu tiền, vừa tỉ tê khuyên nhủ theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Đến nay, sau 7 tháng triển khai, toàn KDC đã có 80% hộ gia đình đóng tiền”, bà Văn nói.
Ngoài bà Văn, bà Vân, bà Hồ Thị Diệp, Hồ Thị Điềm ở KDC số 13 và 16 cũng tự nguyện đảm nhận công việc không lương vất vả này. Cả bốn người đều đã ngoài 50 tuổi và đều bận rộn với công việc mưu sinh và chăm lo cho gia đình. Nhưng vì cộng đồng, vì môi trường xanh – sạch – đẹp, họ đã dành thời gian, công sức cho việc chung.
“Cô Vân lớn tuổi, lại bận chăm sóc hai cháu, nhưng vẫn tự nguyện đi thu tiền rác mà không đòi hỏi bất cứ sự trả công nào. Người già mà còn tâm huyết thế, thì người trẻ như mình cũng phải làm siêng đưa rác đến điểm tập kết và đóng tiền đúng hạn”, chị Nguyễn Thị Linh, một người dân trong thôn bày tỏ.
Nhờ tinh thần xung kích của những phụ nữ tuổi ngoài ngũ tuần ấy mà hoạt động thu gom rác thải ở Mỹ Tân duy trì ổn định, ý thức của mọi người về bảo vệ môi trường được nâng lên. Thế mới thấy, vì cộng đồng, vì cái chung thì những đóng góp “tùy theo sức của mình” như những gì mà bốn phụ nữ ở Mỹ Tân đang làm rất đáng trân quý.
Bài, ảnh: Ý THU