(Baoquangngai.vn)- Cơn lũ do ảnh hưởng bão số 12 xảy ra trên diện rộng ở Quảng Ngãi, vùng ven sông Trà Bồng (huyện Bình Sơn) hứng chịu tơi bời. Trong khi lũ dâng cao, nhà nhà lo chạy lũ. Lũ rút trở về nhà thì đối diện với quá nhiều khó khăn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hoang tàn sau lũ
Tại thôn An Điềm 1, xã Bình Chương, khi lũ rút, vợ chồng ông Võ Lợi đi tránh lũ đã trở về nhà. Thấy đồ đạc trôi, ngoài vườn cây ngã đổ. Bùn non bám đầy nhà, ông vội sang nhà hàng xóm mượn máy bơm đổ xăng vào bơm nước rửa nhà. Còn vợ ông lo xếp lại đồ đạc.
Ông kể: “Hôm qua nước lên nhanh quá. Vợ chồng đang dọn dẹp đồ đạc lên cao thì mấy anh công an xã vào bảo đi nhanh chứ không còn kịp. Thế là đóng cửa chạy. Bây giờ trở về, nhà bùn non bám đầy, đồ đạc ẩm ướt, giếng nước ngập trong lũ đục ngầu không uống được.
Đưa tay đỡ thùng mì tôm, chai nước uống do lực lượng Công an huyện Bình Sơn tiếp tế, ông cảm động nói : “May quá, nhờ các chú giúp kịp thời”. Còn ở xóm Soi thôn Nam Thuận. Làng sau lũ hoang tàn. Trụ điện ngã đổ, dây điện bị đứt, giếng nước đục ngầu. Đường làng rác rều trôi tấp. Nhiều đoạn phải trèo lên mớ rác rều mà đi.
Đường vào xóm Soi, thôn Nam Thuận, xã Bình Chương (Bình Sơn) nằm bên sông Trà Bồng dây điện ngã đổ, rác rều bám đầy. |
Trưởng xóm Soi Huỳnh Mỹ quần đùi, nón cối vác rựa lội nước, chặt vài đoạn cây ngang trôi tấp trên đường. Anh nói: Nghe đài báo lũ , nhà nhà lo khuân đồ đạc lên cao. Nhưng rồi lũ lên quá nhanh nên nhiều người chỉ còn cách đóng cửa lại chạy lũ. Tui cùng anh em chèo ghe đưa người già và trẻ em lên mấy nhà cao trong xóm. Bây giờ lũ rút, nhà nhà lại lo cào dọn. Không có điện, giếng nước ô nhiễm bữa cơm thường cũng đâm khó khăn.
Chúng tôi ngược đường lên xã Bình Mỹ. Đâu đâu cũng thấy cây cối ngã đổ,nhà dân bùm non bám đầy. Ông Võ Thông, ở xóm 1 Thạch An đưa tay chỉ vết ngấn nước trên nhà cao hơn đầu người, nói : Hôm qua, lũ lên nhanh quá nên vợ chồng tui chỉ còn cách chạy lên nhà cao tránh lũ. Giờ đồ đạc ướt hết, lúa gạo cũng bị ngập nên đành qua chòm xóm mượn thôi.
Chị Võ Thị Lệ Huyền cùng hai con nhỏ mới đầy 14 tháng tuổi những ngày sắp tới sẽ đối diện với nhiều khó khăn. |
Băng qua con đường nhỏ, chúng tôi đến thăm nhà chị Võ Thị Lệ Huyền, người vừa có chồng là Võ Văn Thêm 34 tuổi bị chết vì nước cuốn trôi. Chị khóc: "Ảnh bị bịnh. Thấy nước dâng cao, tui lo dọn dẹp đồ đạc. Ngoảnh lại thấy ảnh đâu mất nên hoảng quá tui kêu lên báo bà con đi tìm đến sáng hôm sau mới tìm được xác ảnh". Anh Thêm chết để lại hai cháu gái Võ Thị Tình và Võ Thị Thương sinh đôi mới 14 tháng tuổi. Cuộc sống của người mẹ trẻ và hai đứa con thơ trên đất đồng bạc màu rồi đây sẽ nhiều khó khăn.
Cần một phương án tổng thể cho vùng ngập lũ
Lũ dâng cao, rồi lũ rút, thiệt hại được cập nhật từng ngày. Theo thống kê của Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Bình Sơn, mưa lũ đã làm 1 người chết, 4 người bị thương, 930 ha lúa mùa và hoa màu bị hư hỏng, 2 tàu cá bị nước cuốn trôi, nhiều công trình giao thông thủy lợi, trường học bị hư hỏng, 3 ngôi nhà bị sập, 48 nhà bị tốc mái.
Trước mắt, huyện đề nghị tỉnh hỗ trợ ngay 1.000 lít hóa chất khử trùng môi trường và 200kg CloraminB để khử trùng giếng nước và 3.000 tấn gạo để giúp dân. Bí thư huyện ủy Bình Sơn Hà Thị Anh Thư cho hay: Bây giờ phải dốc toàn lực để khắc phục hậu quả cơn lũ. Ở huyện, mấy ngày rồi lực lượng công an, huyện đội đã vào cuộc cứu dân.
Xóm Soi thôn Nam Thuận tan hoang sau lũ. |
Tại xã Bình Mỹ, lực lượng công an lo cào bùn non dọn dẹp lớp học cho các cháu. Trung tá Nguyễn Duy Thạnh, nói : “Hôm qua lũ dâng cao anh em công an chia nhau đi phối hợp với các lực lượng ở các xã lo cứu người. Còn bây giờ thì phải cố gắng giúp bà con sớm ổn định cuộc sống”.
Phó trưởng Công an xã Bình Mỹ Phạm Thế Hiển nói: “Hôm lũ dâng cao, chúng tôi bơi thuyền đi cứu những hộ bị bí trên nóc nhà mãi tận khuya. Bây giờ, nước rút thì lo tham gia khắc phục”.
Sự cố gắng của người dân, sự hỗ trợ của chính quyền, các ngành chức năng, rồi năm bữa, nửa tháng, đường làng ở vùng lũ ven sông Trà Bồng cũng sạch sẽ như xưa, những trụ điện ngả đổ rồi cũng sẽ được dựng lại để kéo điện về. Những giếng nước đục ngầu sau lũ rồi cũng sẽ được ngành y tế khử trùng để cho bà con sử dụng.
Tuy vậy, một điều có thể nhận thấy, ở vùng ven sông Trà Bồng hay Trà Khúc, Trà Câu, sông Vệ cứ vài ba năm hoặc năm bảy năm lại xuất hiện một cơn lũ lớn. Cứ từ cơn lũ lớn này đến cơn lũ lớn kế tiếp, nhiều hộ chăm chỉ làm ăn, chắc chiu gom góp chưa kịp mừng vui vì xây dựng nhà mua sắm tiện nghi vật dụng thì lũ lớn lại xuất hiện, làm hư hỏng ngôi nhà, cướp đi gia súc, gia cầm, làm ruộng mía ngả đổ, đám chuối xác xơ… nên lũ lớn lâu rồi đồng nghĩa với tang thương, khốn khó.
Do vậy, rất cần một phương án tổng thể về phát triển kinh tế, phòng tránh lũ một cách chỉn chu hơn cho những vùng ngập lũ bên các dòng sông lớn ở Quảng Ngãi.
Bài, ảnh : Cẩm Thư