(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 17.7.2017, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng đã ký quyết định thành lập Trung tâm hành chính công (HCC) tỉnh trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh. Quyết định này đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người dân, với sự kỳ vọng rất lớn về sự đổi mới, đột phá trong công tác cải cách TTHC của tỉnh khi Trung tâm HCC đi vào hoạt động.
Quyết tâm của tỉnh
Trong những năm qua, công tác CCHC đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm bằng việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các nội dung từ cải cách thể chế, bộ máy, tài chính công, hiện đại hóa nền hành chính... Tuy nhiên, trước tình hình mới của tỉnh, yêu cầu công tác CCHC cần có những bước tiến nhanh, mang tính đột phá hơn để khai thác và huy động tốt tiềm năng, tiềm lực cho mục tiêu phát triển.
Chính vì vậy, mô hình Trung tâm HCC tỉnh được triển khai, được xem là một trong những bước đột phá, tạo điều kiện tối đa về TTHC của tỉnh cho DN, người dân. Thông qua việc thành lập Trung tâm HCC tỉnh sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của tỉnh, hướng tới một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ người dân tốt hơn.
Trung tâm hành chính công tỉnh sẽ giúp người dân, DN được thuận tiện hơn trong giải quyết TTHC. Trong ảnh: Bộ phận “một cửa” UBND TP.Quảng Ngãi giải quyết thủ tục cho người dân. |
Theo Quyết định của UBND tỉnh, Trung tâm HCC tỉnh là cơ quan hành chính nhà nước có tư cách pháp nhân, có con dấu và được mở tài khoản để giao dịch theo quy định của pháp luật. Trung tâm là đầu mối tập trung có chức năng thực hiện việc công khai, hướng dẫn TTHC; tiếp nhận hồ sơ; đôn đốc, theo dõi việc giải quyết hồ sơ và trả kết quả cho cá nhân, tổ chức theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trên một số lĩnh vực thuộc thẩm quyền xử lý, giải quyết của cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và một số cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đặt tại địa phương.
Mô hình Trung tâm HCC cấp tỉnh lần đầu tiên được khởi xướng và triển khai tại tỉnh Quảng Ninh vào năm 2013. Sau thành công bước đầu của mô hình cấp tỉnh, Quảng Ninh đã tập trung đầu tư tiếp 14 Trung tâm HCC cấp huyện để giải quyết tất cả các bộ TTHC liên quan đến cấp huyện. Sự hiệu quả của mô hình tại Quảng Ninh đã thu hút các địa phương khác đến nghiên cứu và áp dụng như: Bình Dương, Thái Bình, Đà Nẵng, Vũng Tàu... |
CCHC luôn là vấn đề “nóng” bởi dù ít hay nhiều, người dân, DN đều có liên quan với cơ quan nhà nước để hoàn thiện một loại TTHC nào đó. Hiện nay, việc tiếp nhận hồ sơ được thông qua văn thư, sau đó chuyển tới lãnh đạo sở có liên quan phân về các phòng, ban giải quyết và chuyển lại văn thư để trả hồ sơ, dễ dẫn tới tình trạng ách tắc, chậm trễ trong việc thẩm định hồ sơ, chậm trễ trong việc giải quyết. Nếu có Trung tâm HCC tỉnh, tất cả các sở, ban, ngành sẽ cử cán bộ có thẩm quyền tới trung tâm và hồ sơ sẽ được tiếp nhận tại chỗ, thẩm định hồ sơ tại chỗ và phê duyệt tại chỗ.
Trung tâm HCC tỉnh là một mô hình mang nhiều kỳ vọng không chỉ với chính quyền mà cả người dân, DN trong việc tiếp cận một nền hành chính thuận tiện, gần gũi.
Cộng đồng DN cũng đón nhận thông tin trên với nhiều kỳ vọng. Bởi nếu trước đây, DN muốn thực hiện các giao dịch hành chính liên quan thì trước hết phải tìm các sở, ngành đầu mối để được hướng dẫn và bắt đầu giải quyết thủ tục. Từ đây, một số công đoạn chưa liên thông, DN lại phải trực tiếp mang hồ sơ đến cơ quan thẩm quyền để được giải quyết.
Bài, ảnh: HOÀNG ANH