Ông Mỹ "dân số"

11:05, 30/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là tên thân mật mà người dân ở xã Bình An (Bình Sơn) vẫn thường gọi ông Nguyễn Thành Mỹ (57 tuổi). Đã hơn 20 năm ông Mỹ gắn bó với công tác dân số ở địa phương, giúp người dân nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, hạn chế tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên, để nuôi dạy con cái tốt hơn.

TIN LIÊN QUAN

Nhắc đến ông Mỹ "dân số", người dân ở Bình An đều rất hài lòng và bảo rằng, nếu không có ông Mỹ thì phong trào dân số ở địa phương khó hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu về dân số.

 Ông Nguyễn Thành Mỹ cùng với cán bộ phụ nữ ở xã bàn bạc cách triển khai, tuyên truyền về công tác dân số cho người dân.
Ông Nguyễn Thành Mỹ cùng với cán bộ phụ nữ ở xã bàn bạc cách triển khai, tuyên truyền về công tác dân số cho người dân.


Trong suốt 20 năm, ông Mỹ luôn cần mẫn với công tác dân số. Không quản ngày đêm, khi nào địa phương cần ông đều tự nguyện tham gia. Ông Mỹ cho biết, năm 1994 ông vừa làm phó trưởng công an xã, vừa đảm nhận vai trò cộng tác viên dân số. Thời gian đó, việc tuyên truyền rất khó khăn, phải "gõ cửa" nói chuyện nhiều lần người dân mới thấu hiểu, nhưng càng khó ông Mỹ càng hăng say. "Người làm công tác dân số phải tận tâm mới giúp các gia đình thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, nhất là chăm sóc sức khỏe sinh sản. Chúng tôi tranh thủ trong từng buổi họp phụ nữ thôn, xã tuyên truyền để chị em hiểu và bảo vệ sức khỏe của mình", ông Mỹ chia sẻ.
 

Ông Nguyễn Thành Mỹ đã từng tham gia làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia và hiện là Phó trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Bình An. Ông luôn là một đảng viên gương mẫu, trải qua nhiều công tác khác nhau, ở bất kỳ cương vị nào, ông cũng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ông đã được trao Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba, bằng khen của Trung ương về những đóng góp cho công tác dân số...

Chủ tịch Hội LHPN xã Bình An Nguyễn Thị Kim Sang cho biết, nhờ sự tận tâm của ông Mỹ mà chị em phụ nữ nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, biết cách nuôi dạy con cái tốt hơn.

Ở xã Bình An có đồng bào Hrê sinh sống, nên việc tuyên truyền về dân số cũng là một thách thức đối với những người làm công tác dân số như ông Mỹ. Ngày trước, mỗi lần lên thôn Thọ An, nơi có người Hrê sinh sống, ông Mỹ phải trèo đèo, lội suối, tuy vất vả, nhưng ông không nản lòng. Ông thường đi tuyên truyền, vận động vào buổi tối để có thể gặp cả vợ chồng.

Lúc đầu, người dân còn ngại, nhưng "mưa dầm thấm lâu", người dân thấy tâm huyết của người đàn ông làm dân số, nên dần thay đổi nhận thức. "Mùa mưa thì vắt rừng, mùa nắng bụi bặm, nhưng mỗi lần mình lên tuyên truyền, bà con chăm chú lắng nghe, vì thế mà mệt mỏi đều tan biến. Giờ đây, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao, nhiều hộ gia đình dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt", ông Mỹ hồ hởi cho biết.

Theo ông Mỹ, người làm dân số phải hết lòng lắng nghe và chia sẻ chân thành với mọi người. Một trong những trường hợp khó nhất là công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ vị thành niên. Ông Mỹ chia sẻ, trẻ vị thành niên có sự thay đổi về tâm sinh lý, nên người lớn phải hiểu mới có thể động viên được các cháu. "Nhiều cháu nghỉ học sớm rồi yêu đương. Tôi thấy vậy nên tìm đến tận nhà để nói chuyện thân tình, về sau khi có điều thắc mắc, các cháu đều tìm đến tôi nhờ cho lời khuyên, nhờ đó phần nào hạn chế việc có thai ngoài ý muốn. Làm dân số mà ngại ngùng, thì không thể gắn bó lâu được.


        Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG

 


.