Chế độ cho cộng tác viên dân số quá thấp

02:10, 19/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cộng tác viên (CTV) dân số là những người trực tiếp tuyên truyền các chủ trương, chính sách DS-KHHGĐ đến với người dân, nhằm giảm tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên, nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, do chế độ đãi ngộ quá thấp, nên ngày càng ít người muốn tham gia.

TIN LIÊN QUAN


Toàn tỉnh có 2.750 CTV dân số, là lực lượng giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động truyền thông DS-KHHGĐ ở cộng đồng. Tuy nhiên, mức thù lao dành cho công sức CTV bỏ ra lại không tương xứng. Hằng tháng, mỗi CTV  chỉ được hưởng phụ cấp 100 nghìn đồng (từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu y tế - dân số) và 60 nghìn đồng từ ngân sách tỉnh hỗ trợ. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, kinh phí từ Chương trình mục tiêu y tế - dân số chưa được phân bổ, nên phần lớn họ "làm công không lương".

 

CTV dân số ở thôn 2, xã Trà Thủy (Trà Bồng) trong buổi truyền thông dân số ở địa phương.
CTV dân số ở thôn 2, xã Trà Thủy (Trà Bồng) trong buổi truyền thông dân số ở địa phương.

Ông Đặng Văn Ngữ - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết, nguồn kinh phí hoạt động DS-KHHGĐ Trung ương chưa được phân khai về nên chưa thể chi trả, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của đội ngũ làm công tác dân số, trong đó có đội ngũ CTV, nhiều CTV cuộc sống quá khó khăn dẫn đến bỏ việc hoặc tham gia không nhiệt tình. Theo thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, năm 2015 có 208 CTV bỏ việc phải thay mới, trong năm 2016 này cũng có 10% CTV bỏ việc, làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của công tác DS-KHHGĐ của tỉnh.

Là cán bộ chuyên trách dân số thường xuyên gần gũi, tiếp xúc với đội ngũ CTV dân số ở địa bàn các thôn, chị Phạm Thị Dung ở xã Nghĩa Thọ (Tư Nghĩa) quá thấu hiểu sự vất vả của CTV dân số. Họ thực sự là những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Mỗi đợt truyền thông, họ tự bỏ chi phí xăng xe, lặn lội đêm hôm để “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng” tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ.  

Gắn bó với công tác dân số hơn 10 năm qua, bà Đinh Thị Thớt, CTV dân số thôn Tà Lương, xã Sơn Bao (Sơn Hà) trải lòng: Từ đầu năm đến nay, mỗi tháng tôi chỉ nhận 60 nghìn đồng, trong khi địa bàn miền núi đường đi cách trở, đồng bào thường xuyên đi làm rẫy. Khi vận động được phụ nữ thực hiện đình sản, CTV phải tự chở các chị đi nên công việc đồng áng, chăm sóc gia đình, con cái phải gác lại. "Mong Nhà nước tăng mức hỗ trợ để chúng tôi an tâm công tác”, chị Thớt đề nghị.

Bà Lê Thị Phương Thảo - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Đức Phổ cho rằng, mức hỗ trợ CTV dân số hiện nay là quá thấp, các chế độ đãi ngộ khác thì không có. Vì thế, năm 2015, toàn huyện có 53/276 CTV dân số nghỉ việc phải thay mới.

Trong những năm qua, Quảng Ngãi đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng trong công tác DS-KHHGĐ. Tỉ số giới tính khi sinh từng bước được khống chế còn 111nam/100 nữ; số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm còn 2,03 con. Tỉ lệ tăng dân số tự nhiên, sinh con thứ 3 giảm đáng kể. Tuy nhiên, nếu tỉnh không có giải pháp tích cực cho đội ngũ CTV dân số thì khó có thể duy trì và kiểm soát được chất lượng dân số như hiện nay.
    

Bài, ảnh: KIM NGÂN

 


.