(Baoquangngai.vn)- Ánh mắt lấp lánh niềm vui, nở nụ cười thật tươi, giọng nói ngọng ngịu mời chúng tôi vào ngôi nhà tình thương mới được xây là người phụ nữ gầy gò, bước đi xiêu vẹo, tóc tai bù xù. Đó là chị Nguyễn Thị Hoa, ở thôn Năng Đông, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa).
Sống ở gầm cầu 20 năm
Mở đầu câu chuyện bằng những lời kể không đầu không đuôi. “Em không nhớ sống ở gầm cầu sông Vệ bao nhiêu năm? Mẹ nói là 20 năm, năm nay em 53 tuổi, nói sao biết vậy, sống ở xó chợ, không biết chữ, biết đâu mà tính?”- chị Hoa phân bua.
Ở quê thời ấy khốn khó, Hoa đến chợ sông Vệ quét rác chợ kiếm sống qua ngày và dựng lều sống ở gầm cầu. Tại đây, Hoa chung sống với một người đàn ông được vài năm rồi hai người bỏ nhau, Hoa đến với người đàn ông tên Long chung sống với nhau không giá thú cho đến bây giờ.
Thời gian thấm thoát trôi nhanh, cuộc đời Hoa trôi theo một cái mạch chửa và đẻ. Trong trí nhớ mơ hồ, lúc nhớ lúc quên, Hoa ngồi bứt đầu, bứt tóc cũng không nhớ chính xác mình có mấy đứa con?
Mọi người sống ở chợ sông Vệ thì bảo cứ một năm, hai năm cái bụng của Hoa lại lùm lùm. Hoa có tới 9 đứa con, 5 đứa đã mất và cho người ta khi vừa mới sinh ra, nay còn lại 4 đứa.
Và đã hơn 20 năm, Hoa sống ở gầm cầu. Cứ thêm một đứa trẻ ra đời, túp lều tạm được che bằng tấm bạt lại phủ thêm một tấm nữa để lũ trẻ có chỗ nằm. Mùa đông, 6 con người co ro trong chiếc chăn mỏng đen xì, khổ nhất là những ngày mưa lũ, nước sông Vệ dâng cao.
Đại gia đình nhiều không của chị Hoa. |
Hà, đứa con gái đầu đã 18 tuổi, nhưng dáng người nhỏ thó như nữ sinh lớp 6 vẫn còn rùng mình, rơi nước mắt nhớ lại cái lần suýt chết vì ngủ quên, nửa đêm nước lũ dâng cao cuốn cả Hà và đứa em trai tên Phước trôi cả mấy chục mét ra sông. Rất may có đội cứu hộ kịp thời cứu mạng sống hai em. Đó là trận lũ lịch sử năm 2013.
Đại gia đình nhiều không
Kết quả của tình yêu ấy là những phận đời bất hạnh. Lũ trẻ lớn lên nheo nhóc, đói cơm ăn, thiếu áo mặc, không có nhà cửa, không họ hàng thân thích, không hộ khẩu, không giấy khai sinh, không chứng minh thư và không biết chữ.
Nghề của anh Long là chạy xe ôm, chị Hoa quét rác chợ và nhặt ve chai. Dù rất cố gắng nhưng đau ốm triền miên. Số tiền hai vợ chống kiếm được không thể nuôi nổi đại gia đình 6 miệng ăn.
Mười bốn tuổi đã lăn lộn kiếm tiền, Phước mồm mép lanh lợi khoe: “Ngày nào cũng 4 giờ chiều, con đạp xe ra các quán nhậu ở khu đê bao sông Trà bán kẹo đến 9 giờ đêm lại đạp xe về, kiếm được 70.000 - 80.000 đồng. Không biết chữ, nhưng tiền con biết hết, số điện thoại cũng biết đọc luôn, cũng nhờ đi xin, đếm tiền riết rồi quen”.
Tuổi teen, ngại ngùng, không thể đi xin được nữa, Hà chạy ngược chạy xuôi để kiếm việc làm. Nhưng một đứa trẻ không có bất cứ một giấy tờ tùy thân nào, lại không biết chữ không dễ tìm được việc làm, dù đó là lao động chân tay.
Sau hơn 20 năm sống ở gầm cầu, chị Hoa đã được chính quyền địa phương xây dựng nhà tình thương. |
“Một mình con đạp xe từ 12 giờ trưa đến chiều tối qua hơn 10 cửa hàng, quán ăn, ai cũng từ chối. Họ bảo con còn nhỏ quá lại không có giấy tờ tùy thân nên không dám nhận. Con năn nỉ, khóc lóc kể hoàn cảnh, mẹ con đang nằm ở bệnh viện, gia đình sống ở gầm cầu, may đâu cô chủ một quán ăn nhận con vào rửa chén. Năm đó con mới 15 tuổi”- Hà bồi hồi nhớ lại.
Ngôi nhà ước mơ
Hơn 20 năm sống dưới gầm cầu sông Vệ, Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Câu lạc bộ Tennis TP. Hồ Chí Minh đã hỗ trợ số tiền 30 triệu đồng cộng với ngân sách địa phương và các nhà hảo tâm khác tổng cộng là 50 triệu đồng, chính quyền địa phương đã tu sửa lại Nhà văn hóa thôn Năng Đông trở thành ngôi nhà tình thương cho đại gia đình chị Hoa.
Đây là mùa xuân đầu tiên họ được đón tết ấp áp trong ngôi nhà mơ ước thơm mùi vôi mới, thắm đượm tình người. Dẫu bữa cơm ngày tết cũng chỉ vỏn vẹn nồi cơm trắng và chén nước mắm ớt tỏi, nhưng 6 con người ai cũng vui.
“Với gia đình tôi, mùa xuân này thật ý nghĩa. Ở ngôi nhà mới, ăn cơm với nước mắm vẫn ngon. Mong nhất là xã cấp cho vài sào đất để làm lúa kiếm gạo cho mấy đứa nhỏ ăn”- chị Hoa chia sẻ.
Căn nhà trống tênh, tài sản giá trị nhất là chiếc nồi cơm điện và chiếc chăn bông đỏ được tặng. Sờ vào chiếc nồi cơm điện mới toanh, chị Hoa loay hoay mãi không biết cách mở nắp, với chị nó như là một thứ xa xỉ. Dưới chiếc ghế xếp, hai đứa nhỏ, đứa lên 7 tuổi, đứa lên 10 sờ soạn chiếc chăn bông mới luôn miệng khen “Đẹp quá! Đẹp quá!”.
Khóe mắt long lanh, Phước hồn nhiên kể về mơ ước của mình: “Mơ ước của con là được biết chữ, nhìn mấy đứa đến trường con thèm lắm! Ban ngày đến trường, ban tối con đi bán kẹo kiếm tiền về cho mẹ mua cá ăn”.
Bài, ảnh: A.KIỀU