(Báo Quảng Ngãi)- Hàng chục nghìn mét khối đất, đá vùi lấp, khiến lưu thông bị tắc nghẽn trong thời gian dài; nhiều mảng tường chống sạt lở bị sạt lở; nhiều đoạn đường bị bung lớp nhựa... Đó là tình trạng hiện nay của tuyến đường Đông Trường Sơn qua địa bàn huyện Sơn Tây.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hư hỏng nghiêm trọng
Đường Đông Trường Sơn là tuyến giao thông huyết mạch kết nối thông thương giữa huyện Sơn Tây với các huyện của hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Không chỉ mang lại diện mạo mới cho vùng đất ngàn cau, tuyến đường này còn có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Từ xã Sơn Dung đi xã Ngọc Tem (huyện KonPlong, tỉnh Kon Tum) lâu lâu lại xuất hiện những “ngọn núi” nằm chắn ngang đường. Những mái taluy dương không chịu nổi áp lực do mưa lớn, gây sạt lở nặng. Còn phía taluy âm, nhiều đoạn cũng bị sạt lở cuốn trôi mất phần móng, tạo ra những miệng vực ăn sâu vào lòng đường. Những thanh chắn barie, những rọ đá gia cố để đảm bảo an toàn cho tuyến đường cũng không trụ vững được. Hơn một tháng qua, giao thông trên tuyến đường này rất khó khăn. Tại điểm đầu thôn Mang Hin, xã Sơn Long, nguyên một ngọn đồi đổ xuống chắn bít lối đi. Để di chuyển qua khu vực trên, người dân phải men theo bờ vực rất nguy hiểm.
Công tác khắc phục đang được các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, để sớm thông tuyến đường Đông Trường Sơn. |
Ông Đỗ Thanh Vượt - Chủ tịch UBND xã Sơn Long cho biết, do mưa lớn nên sạt lở liên tục xảy ra, gây cô lập địa phương hơn 20 ngày. “Tuyến đường bị hư hỏng nghiêm trọng và tiềm ẩn nhiều rủi ro do tai nạn bất ngờ có thể xảy ra, nên địa phương luôn cảnh báo người dân biết và đi lại cẩn thận, nhất là khi qua những đoạn có dấu hiệu sạt lở có thể xảy ra”, ông Vượt nói.
Hư hỏng nặng nhất là đoạn qua xã Sơn Mùa. Nguyên một mảng tường bê tông dày hơn 40cm và dài hàng chục mét bị vỡ toạc. Hệ thống rãnh thoát nước dọc cũng bị hư hỏng nghiêm trọng. Nhưng nặng nhất là nền đường, dù đã nhựa hóa kiên cố, nhưng sau đợt mưa lũ vừa qua nguyên đoạn đường dài hơn 30m bị vỡ vụn nhô lên, khiến giao thông qua đây rất khó khăn.
Dự án đường Đông Trường Sơn có chiều dài 667,5km, điểm đầu là thị trấn Thạnh Mỹ (Quảng Nam), điểm cuối là cầu Suối Vàng, TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), là tuyến đường cấp 4 miền núi, mặt cắt 8m chạy xuyên qua 7 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Phú Yên và Lâm Đồng với tổng vốn đầu tư hơn 10 nghìn tỷ đồng bằng nguồn Trái phiếu Chính phủ do Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư. Riêng đoạn qua Quảng Ngãi dài 38km, chiếm 5,78% tổng chiều dài toàn tuyến, với tổng mức đầu tư khoảng 470 tỷ đồng. |
Theo thống kê của huyện Sơn Tây, khối lượng đất, đá sạt lở gây ách tắc giao thông lên đến hàng nghìn mét khối. Trong đó, có một số điểm chỉ khắc phục tạm thời để thông tuyến, chứ không thể dọn hết được trong thời gian ngắn.
Nỗ lực khắc phục
Để đảm bảo việc đi lại của người dân, liên tục trong thời gian qua các đơn vị đang nỗ lực thông xe và xử lý khối lượng bùn, đất nằm ngổn ngang. Tuy nhiên, theo các đơn vị thi công, điều khó khăn nhất là bãi đổ thải, bởi dù đất rộng, nhưng không thể “thích đổ đâu thì đổ được”, nên phải xin ý kiến của địa phương.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Quảng Ngãi, sau khi sự cố xảy ra chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 46 (Bộ Quốc phòng) đã cử một đoàn vào kiểm tra tình hình và hiện đang có thêm một đoàn gồm các nhà thầu và tư vấn thiết kế vào làm việc để đánh giá lại một cách chắc chắn để đưa ra biện pháp khắc phục.
Riêng những đoạn đã bàn giao cho Cục Quản lý đường bộ III đã được các đơn vị khắc phục tạm thời. Theo ông Nguyễn Phúc Khải - Hạt Quản lý đường Đông Trường Sơn (thuộc Công ty CP Quản lý và xây dựng đường bộ Quảng Ngãi) công tác khắc phục đang được triển khai thực hiện liên tục. “Riêng đoạn qua địa bàn xã Sơn Mùa, dù đã bàn giao, nhưng vẫn còn trong thời gian bảo hành, nên công ty đã làm việc với chủ đầu tư và đề nghị có biện pháp khắc phục”, ông Khải cho hay.
Còn ông Tiết Đinh Quang - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.2 cho biết, đơn vị vẫn đang nỗ lực tổ chức lực lượng và phương tiện làm việc không quản ngày đêm để thông tuyến, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. “Đó chỉ là bước đầu tiên, việc gia cố đảm bảo an toàn cho tuyến đường sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Phải cần nguồn vốn khá lớn mới có thể khắc phục những điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở”, ông Quang cho biết.
Bài, ảnh: L. ĐỨC-N. VIÊN