Ứng phó với mưa lũ: Nhìn từ ý thức người dân và công tác chỉ đạo

07:12, 05/12/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mưa lớn kéo dài, cộng với việc điều tiết lũ của các hồ chứa, khiến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh bị ngập lụt. Nhưng với sự chỉ đạo kịp thời và ý thức chủ động ứng phó của người dân đã góp phần hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra...

TIN LIÊN QUAN

Chủ động, kịp thời...

Không chỉ gây ngập lụt cho nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, mà đợt mưa lớn từ ngày 29.11 đến 3.12 khiến các hồ chứa lớn như Núi Ngang, Liệt Sơn và Diên Trường rơi vào cảnh “thừa nước”. Vì vậy, từ chiều ngày 29.11,  Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi phải tiến hành điều tiết lũ với lưu lượng xả từ 80 - 250m3/s. Trước khi tiến hành xả nước 4 giờ, đơn vị trên đã thông báo cụ thể thời gian, lưu lượng nước xả đến chính quyền và người dân vùng hạ du để họ chủ động ứng phó.

Lực lượng xung kích xã Phổ Ninh (Đức Phổ) sơ tán, di dời người dân vùng ngập lũ.                                                                                              Ảnh: ngọc viên
Lực lượng xung kích xã Phổ Ninh (Đức Phổ) sơ tán, di dời người dân vùng ngập lũ. Ảnh: Ngọc Viên


Tuy nhiên, hơn 100 hộ dân ở thôn An Trường, xã Phổ Ninh (Đức Phổ) vẫn bất ngờ khi ngày 2.12, nước đổ về quá mạnh. Bất ngờ, nhưng người dân nơi đây vẫn rất bình tĩnh và thực hiện các biện pháp ứng phó hiệu quả. “Đồ đạc, tài sản đã được kê lên cao, nhưng sợ nước tiếp tục dâng, bà con chúng tôi tìm ván gỗ, sắt để chắn nước. Vì vậy, tuy đường sá bị ngập 1 - 2m, nhưng nước trong nhà chỉ 0,3 - 0,5m thôi”, ông Cao Viết Hạnh chia sẻ.
 

Đợt mưa lũ vừa qua đã khiến gần 1.300 nhà, phòng học bị ngập nước, hư hỏng. Hơn 2.000ha diện tích lúa, hoa màu, cây trồng hàng năm và gần 73 nghìn chậu hoa cảnh bị hư hỏng. Hơn 3.000 con gia súc, gia cầm bị chết, bị cuốn trôi. Gần 25 nghìn km kênh mương bị bồi lấp, hư hỏng. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị sạt lở...

Ngoài ra, ý thức chấp hành di dời của người dân vùng ngập lụt cũng đáng hoan nghênh. Tại các huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa và Đức Phổ, ngay từ sáng 30.11, người dân vùng trũng đã chủ động kê gác tài sản và sơ tán, di dời đến nơi an toàn. Vì vậy, dù nước lũ đột ngột dâng trong đêm 30.11, nhưng không xảy ra thiệt hại về người. Thiệt hại về tài sản cũng giảm đáng kể.

Trong khi người dân chủ động và sáng tạo thì sự vào cuộc kịp thời của chính quyền các cấp cũng góp phần rất lớn trong việc giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra. Tại xã Phổ Ninh, 80 thành viên thuộc lực lượng xung kích và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã đã túc trực 24/24 giờ để hỗ trợ người dân vùng ngập lụt, đặc biệt là thôn An Trường trong việc sơ tán, di dời, cũng như cung ứng lương thực, thực phẩm.

Ông Huỳnh Quang Quyền - Đội phó Đội PCTT&TKCN xã Phổ Ninh cho biết, ngoài việc di dời người già, trẻ em và người ốm đau đến nơi an toàn, anh em còn hỗ trợ người dân kê đồ đạc lên cao, cũng như bảo vệ an toàn tài sản cho bà con trong thời gian họ sơ tán. “Sự chủ động của người dân, sự vào cuộc kịp thời của chính quyền các cấp, sự phối hợp nhịp nhàng trong quá trình điều tiết lũ giữa các đơn vị đã góp phần giảm thiểu đáng kể thiệt hại do mưa lũ gây ra”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Văn Minh khẳng định sau khi kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ tại hai huyện Nghĩa Hành, Đức Phổ vào chiều 2.12.
    
...nhưng vẫn còn  trường hợp chủ quan, bất cẩn

Tuy ý thức phòng chống thiên tai của hầu hết người dân đã nâng cao, nhưng vẫn còn một số hộ chủ quan và bất cẩn. Chỉ trong 3 ngày (30.11 - 2.12), trên địa bàn Quảng Ngãi đã có 4 người chết và 1 người mất tích do mưa lũ. Điều đáng nói, những trường hợp tai nạn trên đều xảy ra tại khu vực cầu cống, bờ tràn, sông suối, mương kênh... có nước chảy xiết.

Người dân xã Nghĩa Mỹ chuyển các chậu hoa cảnh để tránh lũ. Ảnh M.HOA
Người dân xã Nghĩa Mỹ chuyển các chậu hoa cảnh để tránh lũ. Ảnh M.HOA


Liên quan đến vấn đề trên, tại Hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm công tác ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ tại 18 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên sáng 2.12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh, trong số 65 người chết và mất tích do mưa lũ gây ra ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, có rất nhiều trường hợp không rơi vào khu vực nguy hiểm, mà là do sự chủ quan và bất cẩn của nạn nhân.

Chấn chỉnh tình trạng này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, đồng thời cắm biển báo, bố trí lực lượng chốt chặn và hướng dẫn người tham gia giao thông tại các khu vực nguy hiểm như bờ tràn, cầu cống, ven sông suối... khi có mưa lũ. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm phải xử lý thật nghiêm để tạo sự răn đe.

Để giúp người dân vùng ngập lũ sớm ổn định cuộc sống, lãnh đạo tỉnh yêu cầu chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan khẩn trương hỗ trợ người dân dọn dẹp, vệ sinh môi trường. Đặc biệt là việc xử lý giếng nước, thu gom chôn xác gia súc, gia cầm, rác thải... Ngoài ra, UBND tỉnh cũng kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ vốn cũng như các loại giống cây trồng, vật nuôi giúp Quảng Ngãi khắc phục thiệt hại và đảm bảo tiến độ sản xuất vụ đông xuân sắp đến.

 

Bài, ảnh: Nhóm PV-CTV

 


.