(Baoquangngai.vn)- Mặc dù ngư dân Huỳnh Dần- chủ tàu cá QNg 95139 TS ở xã Bình Chánh (Bình Sơn) mua bảo hiểm theo "Nghị định 67" cho tàu cá của mình trị giá 3 tỷ đồng và đã đóng đủ số tiền mua bảo hiểm. Tuy nhiên khi xảy ra sự cố, tàu bị giông lốc đánh chìm, Công ty Bảo hiểm Bảo Minh (Tổng công ty CP Bảo Minh) lại viện dẫn đủ lý do và chỉ chấp nhận thỏa thuận bồi thường cho ông Dần hơn 1,7 tỷ đồng.
Theo Quy định, Bảo hiểm theo Nghị định 67 chỉ không bồi thường trong thường hợp chiến tranh, thiên tai sóng thần, còn tất cả mọi tai nạn rủi ro xảy ra trên biển sẽ được bồi thường 100% giá trị đã đóng bảo hiểm.
Tàu chìm, ngư dân trắng tay
Theo trình bày của thuyền trưởng Huỳnh Dần- chủ tàu cá QNg 95139 TS công suất trên 700 CV, ngày 22.7, ông cùng 4 ngư dân đi bạn trên tàu xuất bến tại cảng Hòn Rớ (TP.Nha Trang) tiến ra vùng biển Trường Sa hành nghề câu cá ngừ đại dương.
Sau 20 ngày đánh bắt trên biển được hơn 2 tấn cá ngừ đại dương, chiều ngày 12.8, khi đang trên đường chạy vào bờ để bán cá thì tàu bất ngờ gặp giông gió mạnh. Sóng lớn liên tiếp đánh vào mạn tàu khiến nước tràn vào khoang làm chết máy, không thể hoạt động được, khiến tàu có dấu hiệu chìm dần.
Trước tình huống nguy cấp, ông Dần đã dùng bộ đàm liên hệ với các tàu đang đánh bắt ở gần đó đề nghị được giúp đỡ. Cùng lúc, tàu của ông Dần nước tràn vào khoang, khiến tàu chìm nhanh. Các thuyền viên đã thả thuyền thúng mang theo những vật dụng cần thiết để thoát khỏi tàu bị nạn.
Rất may, lúc đó, tàu cá của Khánh Hòa có số hiệu KH 95446 TS của ông Phạm Văn Tin (trú tại TP. Nha Trang) đánh bắt gần đó nhận được tín hiệu cầu cứu đã nhanh chóng đến ứng cứu đưa ông Dân cùng các ngư dân vào bờ an toàn. Tuy nhiên, tài sản gia đình ông sau bao nhiêu năm mưu sinh trên biển, dành dụm được ít vốn liếng cộng với vay vốn ngân hàng mới đóng được tàu cá QNg 95139 TS, giờ đã đã bị nhấn chìm giữa đại dương, gây tổng thiệt hại hơn khoảng 4 tỷ đồng.
|
Vợ chồng ngư dân Huỳnh Dần bức xúc bày tỏ với phóng viên |
“Cả gia tài bị mất trắng khiến cuộc sống của gia đình tôi bị đảo lộn và lâm vào bế tắc, khoản nợ ngân hàng 700 triệu đồng, vợ chồng tôi không biết xoay xở sao để trả" - ông Dần giãi bày nỗi lòng.
Mất con tàu cơ nghiệp, tia hy vọng duy nhất của ông Dần là được chi trả khoản tiền bảo hiểm tàu mà ông đã mua trước đó của Công ty Bảo hiểm Bảo Minh theo Nghị định 67 để có thể đóng lại con tàu mới vươn khơi bám biển.
Tuy nhiên, khi mua bảo hiểm dễ dàng thuận lợi bao nhiêu, thì khi xảy ra tai nạn, ông Dần lại gặp khó khăn rắc rối bấy nhiêu trong hành trình đi đòi tiền bồi thường bảo hiểm. Vợ chồng ông phải chạy ngược chạy xuôi hơn 3 tháng trời nhưng hiện tại vẫn chưa nhận được tiền bồi thường bảo hiểm theo đúng hợp đồng Bảo Minh Quảng Ngãi đã ký.
Mua dễ, đòi khó
Theo tìm hiểu của của chúng tôi, ngày 13.1.2016, Giám đốc Công ty Bảo Minh Quảng Ngãi ký giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản đối với tàu cá vỏ gỗ QNg 95139 TS, công suất 711 CV của ngư dân Huỳnh Dần, trong đó đánh giá giá trị thực tế thân tàu là 3 tỷ đồng nên đã thu số tiền bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm rủi ro đặc biệt hơn 50,6 triệu đồng. Mức trách nhiệm bảo hiểm cao nhất mà Bảo Minh Quảng Ngãi phải chi trả cho ông Dần khi tàu cá bị thiệt hại hoàn toàn là 3 tỷ đồng.
Hợp đồng bảo hiểm là vậy, thế nhưng từ khi tàu xảy ra tai nạn, dù ông Dần đã hoàn tất các thủ tục pháp lý và nhiều lần vợ chồng ông đến trụ sở Bảo Minh Quảng Ngãi để nhận tiền bảo hiểm. Song, Bảo Minh Quảng Ngãi chỉ đưa ra mức bồi thường hơn 1,7 tỷ đồng.
“Đến lần thứ 7 vợ chồng tôi đến Bảo Minh Quảng Ngãi, họ lại đưa ra một văn bản điều chỉnh hợp đồng, giảm giá trị bảo hiểm từ 3 tỷ đồng xuống còn gần 1,7 tỷ đồng. Đến tháng 11 và đầu tháng 12 vừa qua, Tổng Công ty CP Bảo Minh tiếp tục gửi thông báo chỉ chấp nhận mức bồi thường 1,75 tỷ đồng. Họ bảo nếu đồng ý mức giá thương lượng bồi thường trên thì 1 - 2 tuần sẽ chi trả tiền ngay nhưng gia đình tôi không đồng ý. Tôi yêu cầu Bảo Minh phải bồi thường thiệt hại 3 tỷ đồng như chứng nhận bảo hiểm mà hai bên đã ký kết ” - ông Dần bức xúc cho biết.
|
Bảo hiểm được xem như chiếc phao cứu cánh của bà con ngư dân khi xã ra sự cố, tuy nhiên, không ít ngư dân gặp rắc rối khi đi đòi bồi thường bảo hiểm |
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Bảo Minh Quảng Ngãi Ngô Ngọc Bính cho biết, sau khi tàu bị tai nạn chìm ngoài biển, chúng tôi đã thuê một đơn vị giám định độc lập khảo sát tại một số xưởng đóng tàu và đưa ra giá trị thị trường của tàu cá QNg 95139 TS tại thời điểm tổn thất chỉ khoảng 1,75 tỷ đồng.
Ông Ngô Ngọc Bính cho rằng, ngay sau xảy ra sự cố, Bảo Minh đã đề nghị thương lượng bồi thường tuy nhiên ông Dần chưa đồng ý. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi bảo hiểm Bảo Minh đưa ra mức thương lượng bao nhiêu thì ông Ngô Ngọc Bính nói "cái đó là do Tổng Công ty Quyết định, chúng tôi không quyết định được. Nếu ông Dần đồng ý thương lượng thì chúng tôi sẽ gọi thông báo cho Tổng công ty, còn nếu ông Dần không đồng ý nữa thì ông Dần có quyền khiếu kiện tại cơ quan tòa án".
Điều đáng nói, trước khi bán bảo hiểm cho ông Dần, Công ty Bảo hiểm Bảo Minh không tiến hành giám định mà khi xảy ra tại nạn, con tàu của ông Dần chìm giữa đại dương bao la thì Bảo hiểm Bảo Minh lại mời đơn vị giám định để giám định đánh giá con tàu bằng cách khảo sát tại các xưởng đóng tàu rồi đưa ra mức bồi thường chỉ hơn ½ so với hợp đồng đã ký kết, khiến cho ông Dần và không ít người ngờ vực tính chính xác của việc giám định trị giá con tàu.
|
Mặc dù UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn yêu cầu Công ty Bảo Minh giải quyết bồi thường bảo hiểm tàu cá theo quy định cho ông Huỳnh Dần. Tuy nhiên, công ty Bảo Minh vẫn viện đủ lý do để không bồi thường theo hợp đồng |
Không chấp nhận việc bồi thường của Bảo hiểm Bảo Minh, ông Dần tiếp tục gửi đơn đến UBND tỉnh và các ngành chức năng của tỉnh yêu cầu can thiệp. Sau khi nhận được đơn của ông Huỳnh Dần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã có văn bản gửi Bảo Minh Quảng Ngãi yêu cầu giải quyết bồi thường bảo hiểm cho tàu cá ông Huỳnh Dần theo đúng quy định pháp luật. Ngày 24.11, Tổng Công ty CP Bảo Minh cũng có công văn trả lời chỉ chấp nhận đền bù 1,75 tỷ đồng cho ông Dần.
“Ngư dân chúng tôi chỉ biết bám biển mưu sinh, mất con tàu coi như mất hết nên mới đóng bảo hiểm phòng rủi ro. Ai ngờ đến khi xảy ra sự cố lại bị công ty bảo hiểm làm khó như vậy. Chúng tôi chỉ mong các cấp chính quyền quan tâm giải quyết, bảo hiểm nhanh chóng chi trả bảo hiểm đúng theo quy định để tôi sớm sắp lại tàu thuyền tiếp tục vươn khơi"- ông Dần bày tỏ.
Thực tế, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, trong đó có chính sách bảo hiểm tàu cá. Khi hành nghề trên biển không tàu cá nào mong muốn tai nạn sẽ xảy đến. Nhưng nếu chẳng may xảy ra tai nạn, các khoản bồi hoàn từ cơ quan bảo hiểm được xem như chiếc phao cứu cánh, giúp chủ tàu và bà con ngư dân có nguồn lực để nhanh chóng khôi phục sản xuất, gây dựng lại sự nghiệp.
Tuy nhiên, để nhận được số tiền bảo hiểm đúng như quy định các ngư dân phải mệt mỏi chờ đợi, thậm chí phải nhờ đến tòa án mới đòi được tiền bảo hiểm cho tàu cá của mình là điều bất cấp đang xảy ra hiện nay mà các cơ quan chức năng cần có hướng xem xét, tháo gỡ nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ngư dân khi tham gia bảo hiểm.
Bài, ảnh: M.Toàn- N.Đức