Mua bảo hiểm tàu cá và bảo hiểm thân thể: Cái lợi trước mắt cho ngư dân

10:06, 24/06/2011
.

(QNg)- Có một thực tế với ngư dân Lý Sơn và ở các vùng biển tỉnh Quảng Ngãi là, đến nay vẫn còn nhiều trường hợp khi ra khơi không mua các loại bảo hiểm cho tàu cá, bảo hiểm thuyền viên; hoặc tự trang bị các loại phao cứu hộ, cứu sinh trên tàu. Đến khi gặp bão tố, tai nạn, làm tàu cá hư hỏng, người chết và bị thương trên biển, thì ngư dân mới thấy giá trị của những cái mà mình đang thiếu.

"Không mua vì trước đó tàu đâu có sao?"

Trước Tết Nguyên đán chúng tôi gặp chị  Nguyễn Thị Mai (46 tuổi) ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn). Khi đó tàu cá QNg 55 011 TS của vợ chồng chị mới bị chìm trên biển. Bây giờ gặp lại thấy chị Mai buồn hơn là do lo lắng mà ra… Được biết, tàu QNg 55 011 TS của gia đình chị có 11 lao động, ra khơi vào 12 giờ trưa ngày 14.12.2010. Khi tàu đến vùng biển gần đảo Phú Qúi (Bình Thuận) khoảng 1 giờ đêm ngày 17/12, thì gặp biển động.
 
Sau hai đợt sóng đánh mạnh, con tàu làm mồi cho biển. 11 lao động trên tàu được tàu anh Tiêu Viết Lành – người cùng quê đi cùng phiên biển đợt ấy, chạy đến vớt kịp. Mấy ngày sau 11 thuyền viên về quê, nhưng tay trắng hoàn toàn. Bây giờ ai cũng tiếc là sao trước đó mình không mua bảo hiểm tàu và bảo hiểm thuyền viên.
 
"Không mua bảo hiểm, vì trước đó tàu có gặp rủi ro gì đâu. Còn giờ mới tiếc, con tàu gần cả tỷ bạc giờ nằm dưới biển. Hồi đó nếu mua bảo hiểm thì cả chủ tàu và bạn chài sẽ được bảo hiểm trả cho khoản tiền không nhỏ, đủ trang trải và trả nợ cho gia đình" – chị Mai nuối tiếc.
 
 

Kể từ khi tàu anh Bay gặp nạn chị Mai ít ngủ, không ăn nên hốc hác hơn. Con tàu cá nuôi cả nhà chị, giờ nó chìm xuống biển, biết lấy gì để làm ăn. Theo tính toán của chị, nợ chung con tàu giữa hai anh em Tày và Bay là 400 triệu đồng. Số nợ này giờ không có cách gì để trả.

Mua dễ - trả khó!

Tôi mang chuyện mua bảo hiểm của ngư dân kể với anh Trần Ngọc Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn và được anh Nguyên cho hay: Trường hợp trên không phải là duy nhất, nhưng không nhiều, nhất là với các tàu cá đánh bắt xa bờ như tàu anh Hiền. Bởi khi xuất bến, các trạm biên phòng kiểm tra không có mua bảo hiểm tàu cá là không cho đi. Còn riêng bảo hiểm thuyền viên thì có lẽ ít tàu cá mua, bởi đây là bảo hiểm tự nguyện.

Chính vì vậy mà những trường hợp ngư dân lặn biển bị chết, bị tai nạn vừa qua trên đảo Lý Sơn không mấy trường hợp được bảo hiểm chi trả. Vì trước đó họ không mua bảo hiểm thuyền viên. Trao đổi với lãnh đạo các xã ven biển chúng tôi được biết, tuy nhận thức của ngư dân hiện nay đã tiến bộ hơn, họ cũng đã mua bảo hiểm tàu cá. Song mức mua bảo hiểm này không nhiều và thời hạn bảo hiểm cũng chỉ 1-2 phiên biển (từ 3-6 tháng), hoặc cao nhất cũng chỉ trong vòng một năm trở lại.

Tuy nhiên, điều khiến ngư dân không mặn mà lắm với việc mua bảo hiểm tàu cá là vì, khi mua bảo hiểm thì dễ, nhưng được chi trả bảo hiểm quả là rất nhiêu khê, ví như trường hợp của anh Nguyễn Tấn Sơn (33 tuổi), ở thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn). Trong bão số 9 năm 2009, tàu anh bị nước đẩy lên bờ cách nơi neo đậu 4 km, mắc trên ruộng lúa thuộc xã Bình Dương (Bình Sơn), bị hư hại vì "trơ gan cùng tuế nguyệt" hơn một năm, nên anh phải gỡ từng tấm ván về đóng lại thuyền mới.
 
Theo hợp đồng mua bảo hiểm, anh mua giá 300 triệu đồng và bảo hiểm phải trả 60% mức mua này. Sau đó bảo hiểm này "nói lại" là trả 30%.  Đã vậy nhưng đến nay bảo hiểm cũng chỉ chi trả được cho anh Sơn 30 triệu đồng. Trong khi đó để gỡ ván tàu và đưa máy tàu ra khỏi ruộng lúa, anh Sơn phải thuê tất cả 120 triệu đồng. "Tiền này, em phải vay mượn của bà con và nhờ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh giúp đỡ" – anh Sơn cho hay.

Trường hợp của chị Võ Thị Kim Liên (43 tuổi) có chồng là anh Ngô Phường, đi câu mực chết tại quần đảo Trường Sa vào ngày 2/6 vừa qua cũng vậy. Trước khi đi biển, anh Phường đã mua bảo hiểm đầy đủ. Thế nhưng từ khi biết anh chết, đơn vị mà anh Phường mua bảo hiểm thân thể hẹn một năm sau mới lấy được tiền bảo hiểm, vì "trường hợp chết này khó xác định lắm".

Trò chuyện với chị Liên chúng tôi biết, hoàn cảnh chị vô cùng khó khăn. Anh Phường vốn là đảng viên, từng là bộ đội tham gia chiến đấu ở Campuchia xuất ngũ trở về. Cuộc đời lênh đênh trên biển câu mực của anh Phường chỉ đủ nuôi sống gia đình. Vì vậy vào năm 2008, khi chị Liên bị viêm não, anh Phường phải bán cả miếng đất ở được 70 triệu đồng để cứu mạng sống cho chị. Lúc ấy hai đứa con đang học lớp 12 và lớp 10 đành bỏ học giữa chừng. Bây giờ anh Phường chết rồi, chị Liên thì bệnh chưa dứt. "Sắp tới, 3 mẹ con chưa biết làm sao. Nếu lúc này có tiền bảo hiểm chi trả thì hay biết chừng nào"  - chị Liên nói buồn.

Từ thực tế này, các địa phương ven biển nên tuyên truyền để ngư dân hiểu và thực hiện mua bảo hiểm tàu cá, bảo hiểm thân thể khi hành nghề, nhằm có nguồn vốn trang trải khi gặp nạn; tránh xảy ra sự cố đáng tiếc nêu trên.
   
Bài, ảnh: PHẠM ANH

.