(Baoquangngai.vn)- Quảng Ngãi ba năm rồi mới có lũ lớn. Đợt lũ này kéo dài dai dẳng hơn một tuần. Bắt đầu từ sông Phước Giang, lũ đổ về ‘tấn công” vùng soi Dâu, xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành rồi sau đó lũ lan ra phía hạ lưu sông Trà Câu, rồi tiếp tới sông Vệ, sông Trà Khúc, Trà Bồng. Cho đến ngày 8.12, lũ đổ về gây ngập nặng trên diện rộng. Đỉnh lũ trên sông Vệ vượt mức báo động số 3 đến 1,2 m gần chạm mốc với cơn lũ lịch sử năm 2013.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Người dân trong tỉnh ban đầu mong có lũ để ruộng đồng được vệ sinh, tống khứ những tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật tích tụ từ năm 2013 đến giờ trôi ào ra biển, để hạn chế lũ chuột sinh sôi tàn phá hoa màu và để hứng lấy phù sa cho cây lúa lên xanh, trĩu hạt. Nhất là có lũ về những hồ chứa nước đáp ứng cho sản xuất lại đầy. Bởi năm nay qua cái đận 23.10 âm lịch mà nhiều hồ chứa nước tích nước còn quá thấp. Mà nguồn nước không đảm bảo thì ruộng đồng năng suất lúa, hoa màu sẽ giảm.
Đôi vợ chồng nông dân ở thôn Nguyên Hòa, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành kéo nhau ra đồng khi lũ vừa rút để thu dọn rác rều trôi tấp mà làm lại vụ rau màu. |
Nhưng rồi lũ dai dẳng, lũ dầm dề. Cơn lũ đầu nước chưa kịp rút trời lại mưa và lũ lại tiếp nối nhau, lũ lại chồng lên lũ. Các hồ chứa nước ở phía Nam của tỉnh như Diên Trường , Liệt Sơn rồi đến Núi Ngang đầy nước phải mở cống điều tiết xả lũ. Rồi tiếp theo thủy điện Đăk drinh, hồ chứa nước Nước Trong cũng đầy phải toan xả nước về hạ du. Tính đến đợt mưa lũ ngày mùng 7 và 8.12,Quảng Ngãi hứng đến 3 cơn lũ chồng lên lũ nên người dân đâm mệt mỏi, thẩn thờ.
Trên cầu sông Vệ, anh Lê Văn Xin ở xã Đức Lợi làm nghề chăn vịt thuê mặt đen nhẻm, mắt trũng sâu, nói như than: “Tai họa rồi. Tui đi chăn 1.000 con vịt thuê. Tối qua, nước sông Vệ dâng cao phân nữa bầy đã bị trôi mất. Tiền công tháng không có rồi, nhưng không biết ông chủ vịt có đền hay không”?
Còn ở vùng thôn An Trường xã Phổ Ninh, huyện Đức Phổ, khi hồ Núi Ngang xả nước điều tiết cộng với nước sông Trà Câu dâng cao làm ngập cả thôn. Khi đội cứu hộ đến di dời, cụ bà Huỳnh Thị Hoa rươm rướm nước mắt, nói: “ Con cái đi làm ăn xa. Tui mua hai con heo nuôi để bán tết. Thấy nước dâng lên sợ hai con heo chết thì lấy đâu ra tiền mà sắm tết. May mà…”.
Nông dân xã Nghĩa Hiệp giành giật trong lũ để đưa những chậu hoa trồng để bán trong dịp tết Đinh Dậu lên cao. Bởi đó là mồ hôi công sức của chính mình. |
Chẳng ai phủ nhận những năm gần đây đời sống của người dân vùng lũ Quảng Ngãi đã bớt khó khăn. Nhưng trong mỗi xóm, mỗi làng đều có những cuộc đời nghèo khó, cuộc sống thường ngày đã chật vật, giờ lũ về gây thiệt hại lài càng khó. Những cánh đồng lúa mới sạ giờ nước lũ cuốn trôi, những rẫy mì, ruộng mía bỏ nhiều công chăm bón giờ ngã đổ. Mồ hôi công sức thoáng chốc bị lũ cuốn đi nên mới có cảnh con người quăn quật trong lũ để giành lấy bát cơm.
Trên con đường xuôi về khu Đông huyện Tư Nghĩa qua các xã Nghĩa Hiệp, Nghĩa Thương nhiều người cám cảnh người dân kéo nhau đi cứu hoa trồng bán tết. Ban đầu họ úp hai chậu thành một để cứu hoa. Nhưng rồi, không có chậu thì lấy ván ra kê, lấy ghế ra kê lên cao. “Nhưng kiểu này mà lũ cứ dâng lên cao thì cũng đành bó tay chịu chết”- ông Phạm Lộc- một hộ trồng hoa ở xã Nghĩa Thương bộc bạch trong bế tắt.
Lũ chồng lên lũ nên thiệt hại ngày càng lơn hơn. Ngày mỗi ngày báo chí lại cập nhật thêm những thiệt hại, những người tử vong. Người đưa tin cũng mệt mỏi mà người đọc cũng chẳng vui gì. Rồi cả tỉnh phải di dời 1729 hộ dân có nhà cửa tạm bợ, hoặc nhà ở vùng trũng lên gò cao tránh lũ. Trong đó, huyện Nghĩa Hành phải di dời đến 1.500 hộ dân. Lũ dâng cao thì kéo nhau đi tránh lũ. Lũ rút xuống nước cạn thì bày ra muôn vàn sự khó khăn. Cánh đồng rau màu mới trồng bị lũ gây xói lở, những vườn chuối ngã đổ tan tành.
Chiều mùng 8.12, trên đường lên vùng Hành Tín Đông – thượng nguồn sông vệ bị ngập lũ nặng, có đôi vợ chồng ở thôn Nguyên Hòa nước mới rút vội kéo nhau ra đồng. Đôi vợ chồng giẫm đạp trong bùn non, họ gom mớ rác rều bị lũ cuốn trôi trải đầy mặt ruộng. Người chồng nói với vợ: Trời hại thì chịu. Chứ mình đã cố gắng lắm rồi...”.
Cẩm Thư