Nguồn nhân lực là động lực phát triển kinh tế - xã hội

07:10, 14/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ giỏi về quản lý, điều hành, “hồng” về đạo đức, chính trị là cách để nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Do đó, phát triển nguồn nhân lực được xem là "kênh đầu tư" ngắn hạn, nhưng sinh lời bền vững nhất”, ông Phan Bình - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành khẳng định.

TIN LIÊN QUAN

Kết quả bước đầu

“Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị và phục vụ sản xuất, kinh doanh là một trong những nhiệm vụ đột phá của huyện. Bởi nhân lực yếu, hoạt động của bộ máy hành chính sẽ trì trệ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả phát triển kinh tế, mà còn tác động xấu đến trật tự xã hội, gây suy giảm lòng tin trong dân”.
Ông Phan Bình - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành.

Không chỉ riêng Nghĩa Hành, mà tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực và cán bộ kế cận đảm bảo chất lượng, đặc biệt là nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị và phục vụ sản xuất, kinh doanh xảy ra ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Với huyện Nghĩa Hành, địa phương điểm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nên phát triển đội ngũ nguồn nhân lực là yêu cầu cấp thiết.

Do đó, cùng với việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2015, Ban Thường vụ Huyện ủy Nghĩa Hành cũng xác định: Muốn thúc đẩy và chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế thì phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển.

Vì vậy, giai đoạn 2011 - 2015, huyện Nghĩa Hành đã ban hành một số cơ chế ưu đãi để thu hút 19 sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về công tác tại huyện và các xã; tuyển dụng 121 công chức và 108 viên chức; đào tạo chuyên môn và lý luận chính trị cho 644 cán bộ, công chức (CB,CC) cấp xã, thị trấn (trong đó đào tạo thạc sĩ 16 người, cao cấp chính trị 11 người)... Ngoài ra, Nghĩa Hành thường xuyên rà soát, bổ sung quy hoạch đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực, đạo đức để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trước mắt và lâu dài.

Trong công tác điều động, luân chuyển cán bộ, Nghĩa Hành rất chú trọng thực hiện. Đặc biệt, thực hiện Đề án 8737 về việc đào tạo, tuyển chọn, chuẩn hóa cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn, từ năm 2009 đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy đã điều động, luân chuyển 7 CB,CC cấp huyện về giữ các chức vụ chủ chốt cấp xã, thị trấn. Trong đó có 5 bí thư và 2 phó chủ tịch UBND xã.

Cán bộ xã Hành Thuận tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Cán bộ xã Hành Thuận tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.


Song song với việc tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình công tác, huyện Nghĩa Hành cũng thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách hỗ trợ đối với CB,CC được điều động, luân chuyển. Vì vậy, các CB,CC được điều động, luân chuyển yên tâm và nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các vị trí công tác mới. Điều này không chỉ giúp đội ngũ CB,CC trong hệ thống chính trị đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, mà còn hình thành đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ “vừa hồng vừa chuyên”, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tạo đột phá trong thời gian đến

Nghị quyết 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nghĩa Hành khóa XXI, nhiệm kỳ 2015-2020 tiếp tục xác định: Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị và phục vụ sản xuất, kinh doanh là một trong những nhiệm vụ đột phá. Phát triển nguồn nhân lực là chiến lược phát triển toàn diện về con người, nhưng phải gắn kết chặt chẽ với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh.

Do đó, phải xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý, công chức hành chính, viên chức có phẩm chất đạo đức và năng lực công tác, tác phong làm việc chuyên nghiệp... đảm bảo đến năm 2020, 100% CB,CC cấp huyện và xã, thị trấn được đào tạo và đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định.

 Thực hiện mục tiêu trên, bên cạnh việc ưu tiên đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội thì sắp tới, Huyện ủy Nghĩa Hành cũng sẽ ban hành Quy chế luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ trẻ.

Phát triển nguồn nhân lực sẽ góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm dần tỷ lệ lao động nông nghiệp.
Phát triển nguồn nhân lực sẽ góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm dần tỷ lệ lao động nông nghiệp.


 Ngoài các vị trí như đầu tư xây dựng, tài chính, địa chính, tư pháp hộ tịch, tổ chức cán bộ... Huyện ủy Nghĩa Hành cũng sẽ thực hiện việc luân chuyển các chức danh bí thư, phó bí thư, chủ tịch và phó chủ tịch giữa các xã, thị trấn. Và ngay trong quý IV/2016, Nghĩa Hành sẽ tập trung thực hiện công tác luân chuyển, điều động 2 chức danh công chức tài chính và địa chính giữa các xã. Động thái này, theo ông Phan Bình là nhằm “điều hòa chất lượng đội ngũ CB,CC; tăng cường sự đoàn kết, tránh tình trạng bè phái giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện”.

Đối với nguồn nhân lực phục vụ sản xuất và kinh doanh, Nghĩa Hành phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo phải đạt từ 55 - 60% trong tổng số lao động xã hội và tỷ lệ này đến năm 2025 là 65 - 70%. Để hoàn thành mục tiêu này, song song với công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng và trình độ chuyên môn cho lực lượng lao động khoa học - kỹ thuật, kinh doanh và công nhân kỹ thuật lành nghề... huyện Nghĩa Hành cũng ban hành nhiều cơ chế ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp (DN) đầu tư. Bởi, sự có mặt của các DN sẽ góp phần rất lớn vào việc đào tạo cũng như chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và thương mại dịch vụ.

Năm 2016, UBND huyện Nghĩa Hành đã xem xét cấp phép cho 3 DN là Công ty may Vinatex Đà Nẵng, DN sản xuất viên gỗ nén và DN sản xuất tôn thép với tổng nguồn vốn gần 200 tỷ đồng đầu tư vào Cụm Công nghiệp - Làng nghề Đồng Dinh. Riêng Dự án Công ty may Vinatex Đà Nẵng đã được UBND tỉnh đồng ý phân bổ 18 tỷ đồng để Nghĩa Hành thực hiện công tác san lấp mặt bằng, sớm bàn giao cho nhà đầu tư. Dự kiến sau khi đi vào hoạt động đầu năm 2017, Vinatex Đà Nẵng sẽ giải quyết việc làm cho 1.500 - 2.000 lao động trong và ngoài địa phương.

Phát huy những kết quả đạt được, giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025, huyện Nghĩa Hành tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng về huyện và xã, thị trấn nhằm tạo nguồn cán bộ kế cận. Đến năm 2020, thu hút 50 lao động đảm bảo trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức về công tác tại huyện và các xã, thị trấn. Với sự quan tâm và đầu tư đúng mức cho nguồn nhân lực, tin tưởng huyện Nghĩa Hành sẽ có những bước đột phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội.


Bài, ảnh: MỸ HOA


 


.