(Báo Quảng Ngãi)- Theo đánh giá của Ban chỉ đạo CCHC của tỉnh, trong giai đoạn 2011-2015, công tác CCHC trên tất cả các lĩnh vực đã tạo được những chuyển biến tích cực trong nhận thức của CB, CCVC và đã đạt được những kết quả nhất định về tổ chức, hoạt động của hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương.
Tinh thần phục vụ đã được thiết lập
Công tác kiểm soát TTHC đã được triển khai nghiêm túc, đảm bảo tất cả các TTHC trước khi công bố đều được kiểm soát về mặt nội dung và sau khi công bố được đăng nhập kịp thời vào cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Việc công khai, minh bạch TTHC ở hầu hết các cơ quan hành chính về cơ bản được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và được đăng tải lên Cổng TTĐT của tỉnh, trang tin các sở, ngành, địa phương cấp huyện.
Giải quyết TTHC ở bộ phận một cửa là điểm sáng trong CCTTHC giai đoạn 2011-2015. |
Đặc biệt, công tác giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa hiện đại đã góp phần thay đổi mạnh mẽ phương thức, tác phong, lề lối làm việc của CB, CCVC. Mối quan hệ hành chính giữa cơ quan hành chính với người dân, doanh nghiệp được cải thiện đáng kể; nền hành chính mới theo phương châm phục vụ nhân dân, doanh nghiệp dần được thiết lập, giúp chính quyền và người dân, doanh nghiệp gần gũi hơn, tạo đà chuyển biến mạnh mẽ trong cả bộ máy hành chính nhà nước...
Phải đổi mới tư duy
Bên cạnh những mặt đạt được, công tác CCHC nói chung và cải cách TTHC nói riêng vẫn còn những hạn chế, bất cập cần phải tháo gỡ. Trong đó, chất lượng, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ CB, CCVC phải được tập trung quan tâm đổi mới.
Thực tế, công tác CCHC giai đoạn 2011-2015 đã phát sinh nhiều hạn chế, bất cập. Tình trạng “đánh trống bỏ dùi” đối với việc triển khai thực hiện các nội dung CCHC tại các cơ quan, đơn vị còn phổ biến. Tổ chức bộ máy còn nhiều tầng nấc, chậm đổi mới phương thức quản lý; phân công, phân cấp giữa các ngành, các cấp còn tình trạng chồng chéo, chưa rành mạch. Thực trạng đội ngũ CB, CCVC hiện nay chưa ngang tầm với nhiệm vụ trong thời đại mới, đặc biệt là CB, CCVC cơ sở; một bộ phận CB, CCVC còn yếu về phẩm chất, tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn, kỹ năng giao tiếp và văn hóa ứng xử với tổ chức, công dân, nhưng chậm được xử lý...
Nguyên nhân của tình trạng này là do nhận thức của người đứng đầu và đội ngũ CB, CCVC trong bộ máy quản lý nhà nước các cấp về mục đích, nhiệm vụ CCHC chưa tốt. Trình độ năng lực của một số CB, CCVC tham mưu, phụ trách công tác CCHC ở các cấp, các ngành còn hạn chế; CB, CCVC đảm trách nhiệm vụ CCHC chưa thường xuyên. Kết quả CCHC còn chậm, có lúc không theo chương trình, kế hoạch; còn nể nang, chưa mạnh dạn thay thế những CB, CCVC yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ ra khỏi bộ máy. Một bộ phận không nhỏ CB, CCVC còn ảnh hưởng tác phong, lề lối cũ, chậm đổi mới; tình trạng tham nhũng, lãng phí, thoái hóa về phẩm chất, đạo đức còn xảy ra...
Sau giai đoạn 1 thực hiện Chương trình tổng thể CCHC, trong năm 2015, chỉ số CCHC (Par index) của Quảng Ngãi xếp ở vị trí thứ 60/63 tỉnh, thành cả nước. Để cải thiện vị trí và đạt được mục tiêu đã đề ra trong công tác CCHC giai đoạn 2016-2020, cả hệ thống chính trị cần phải khắc phục những hạn chế, tồn tại đã được chỉ ra, đặc biệt là nâng cao trình độ, đạo đức của đội ngũ CB, CCVC với tinh thần phục vụ, xây dựng một nền hành chính công hiện đại, công khai minh bạch, dân chủ, phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập quốc tế của quốc gia.
Mục tiêu đến năm 2020 là, phấn đấu 80% TTHC được cải cách cơ bản; 100% cơ quan hành chính nhà nước có cơ cấu cán bộ, công chức theo vị trí việc làm; 80% cá nhân hài lòng với các dịch vụ do đơn vị sự nghiệp cung cấp trên lĩnh vực y tế, giáo dục; 80% người dân, doanh nghiệp hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước; 90% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử; hầu hết các dịch vụ công chủ yếu được cung cấp trực tuyến trên môi trường mạng ở cấp độ 3 và 4, đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp... |
X.THIÊN