Cải cách tài chính công: Yêu cầu cấp thiết

01:04, 27/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cải cách hành chính là một chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Đối với lĩnh vực tài chính, cải cách chính sách tài chính công đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí được phân bổ cho các cơ quan, đơn vị.

TIN LIÊN QUAN

Thực hiện cơ chế tự chủ

Giai đoạn 2011 - 2015, thực hiện đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn Quảng Ngãi. Tất cả các cơ quan hành chính từ tỉnh đến huyện đều được giao quyền tự chủ theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17.10.2005 của Chính phủ (UBND cấp xã chưa được giao quyền tự chủ). Còn các đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh đều được UBND tỉnh giao quyền tự chủ theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25.4.2006 của Chính phủ. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố rà soát và giao quyền tự chủ về tài chính cho các đơn vị sự nghiệp thuộc huyện, thành phố quản lý theo phân cấp. Hiện nay, hầu hết các đơn vị sự nghiệp giáo dục thuộc UBND cấp huyện, thành phố quản lý đều được giao quyền tự chủ; riêng các huyện miền núi chỉ mới giao quyền tự chủ cho một số trường học có đủ điều kiện.

Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Tôn Long Hiếu (bên phải) giám sát việc cải cách tài chính công tại phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi).
Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Tôn Long Hiếu (bên phải) giám sát việc cải cách tài chính công tại phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi).


 Năm 2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 127/QĐ-UBND ngày 24.1.2014 phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm việc lập, phân bổ dự toán ngân sách năm 2014 dựa trên kết quả và chất lượng hoạt động đối với Sở Tư pháp, nhằm tạo điều kiện cho đơn vị chủ động trong việc lập, chấp hành dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ được giao sát với kế hoạch công tác; tăng hiệu quả sử dụng kinh phí; giảm thất thoát, chi sai mục đích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi, đánh giá chất lượng công việc đã thực hiện. Đây là cơ sở để cơ quan tài chính theo dõi và trình cấp có thẩm quyền giao dự toán kinh phí kịp thời theo tiến độ thực hiện nhiệm vụ được giao.

 Bên cạnh đó, đa số các sở, ngành, địa phương đều xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị. Cuối năm các cơ quan, đơn vị đều công khai kinh phí tự chủ và chưa tự chủ đã sử dụng để công chức, viên chức biết, theo dõi. Quyền lợi của công chức, viên chức như tiền lương, công tác phí, văn phòng phẩm... phục vụ cho công tác chuyên môn luôn được đảm bảo.

Nhờ đó, bộ máy quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh được sắp xếp hợp lý và khoa học. Kinh phí được sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả; thu nhập của CB, CCVC từng bước được cải thiện; tinh thần trách nhiệm của họ trong thực thi công vụ được nâng cao. Hiện nay, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14.2.2015 của Chính phủ, quy định chế độ tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Nâng cao hiệu quả cải cách tài chính công

 Đối với cải cách tài chính công ở Quảng Ngãi, dù đã có những bước tiến lớn, nhưng hiện vẫn còn những hạn chế, bất cập. Theo đánh giá của UBND tỉnh, định mức kinh phí do ngân sách nhà nước cấp cho các đơn vị sự nghiệp còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; chưa tác động tích cực đối với việc thực hiện cơ chế tự chủ, tăng nguồn thu, tiết kiệm chi để tăng thu nhập cho công chức, viên chức. Nguồn lực của Nhà nước cũng như huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân đầu tư trên các lĩnh vực xã hội hóa còn thấp.

 Để giải quyết những tồn tại này, theo ông Phạm Minh Hòa - Phó Giám đốc Sở Tư pháp thì, cần phân cấp rõ ràng hơn cho địa phương, cơ sở để chủ động hơn trong thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước và phần chi ngân sách. Cần xác định tỷ lệ huy động vào ngân sách hợp lý để thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển, nuôi dưỡng nguồn thu. Phân phối ngân sách phải căn cứ vào kết quả đầu ra. Hoàn thiện các chế độ, định mức chi tiêu để làm căn cứ khoán chi, từ đó tạo sự chủ động cho cơ sở và khuyến khích tiết kiệm chi. Mở rộng việc khoán biên chế, quỹ tiền lương đối với các cơ quan hành chính; mở rộng quyền tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp có thu.

 Theo UBND tỉnh, để cải cách tài chính công đạt hiệu quả, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp thực hiện có hiệu quả chế độ tự chủ. Trong đó, chú trọng quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công trong từng lĩnh vực; xây dựng, ban hành theo thẩm quyền lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước. Điều hết sức quan trọng đó là các cấp, các ngành cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp theo thẩm quyền quản lý và định kỳ có báo cáo, đánh giá theo quy định.


 Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU



 


.