Nguồn nước ngọt cho Lý Sơn: Cần giải pháp căn cơ

01:04, 20/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lý Sơn đang trên đà phát triển, nhưng cứ đến mùa khô người dân lại "oằn mình" chống hạn. Việc  tìm nguồn nước ngọt ổn định để cung cấp cho sản xuất nông nghiệp, phục vụ cho các dịch vụ, du lịch và sinh hoạt... cần được quan tâm trong giai đoạn hiện nay.

TIN LIÊN QUAN

Hạn khi chưa đến mùa khô  

Ở huyện đảo Lý Sơn vài năm gần đây, do tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu, nên mùa khô đến sớm hơn và mạch nước ngầm cũng không còn dồi dào như xưa. Để có màu xanh trên mỗi thửa ruộng hành, tỏi, rau màu người dân phải lo tìm nguồn nước tưới, chủ yếu là đóng giếng "theo kiểu mạnh ai nấy làm".

Mùa khô hạn đến với đảo Bé sớm hơn. Trong ảnh: Nhiều cánh đồng đang chờ nước để xuống giống vụ mới.
Mùa khô hạn đến với đảo Bé sớm hơn. Trong ảnh: Nhiều cánh đồng đang chờ nước để xuống giống vụ mới.


 Ngoài việc tìm nguồn nước phục vụ sản xuất, người dân ở đây còn chuẩn bị nguồn nước phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Tại giếng Xó La ở thôn Đông, xã An Vĩnh, mỗi khi chiều xuống bà con trong xóm đã vây quanh lấy nước ngọt. Chị Ngô Thị Nhu xách từng gàu nước ngọt cẩn thận đổ vào thùng, nói: “Giếng trong xóm bắt đầu khô và nhiễm phèn lắm nên mỗi ngày, vợ chồng thay phiên nhau đến đây lấy nước ngọt hai lần để dùng. Còn tắm giặt, sinh hoạt của cả nhà đều ra biển tắm rồi xối lại bằng nước giếng”.

Giếng Xó La chỉ cách mép biển khoảng vài mét, là nơi cung cấp nước ngọt cho người dân đất đảo mỗi khi mùa khô đến. Song, những năm gần đây, cứ đến mùa khô nguồn nước của giếng cũng không còn dồi dào như trước. Cuối tháng 4 năm ngoái, do giếng cạn nên bà con phải túc trực lấy nước từ nửa đêm đến tận tờ mờ sáng.

Cần một giải pháp bền vững

Ở đảo Bé, mùa khô hạn đến càng sớm hơn. Gần 130 hộ dân, với hơn 500 nhân khẩu trong vùng tuy đã được sử dụng nước ngọt từ Nhà máy xử lý nước biển thành nước ngọt từ nhiều năm qua, nhưng do hệ thống này chỉ hoạt động với công suất 1.000m3/tháng. Bình quân mỗi khẩu chỉ được sử dụng 2 khối/tháng, với mức phí phải trả 8.000 đồng/khối, nên chưa đáp ứng nhu cầu của dân. Chị Trần Thị Mai ở thôn Bắc, xã An Bình, giãi bày: Nhà có 3 nhân khẩu, một tháng gia đình chỉ được sử dụng 6 khối nước, với chi phí phải trả gần 50.000 đồng. Nhưng nước không đủ dùng nên phải dùng lu hứng nước mưa, từ đầu năm đến nay, trên đảo An Bình chưa có đợt mưa nặng hạt nào, nên nước dự trữ trong lu cũng cạn dần...

Ông Nguyễn Văn Lê – Chủ tịch UBND xã An Bình, lo lắng: “Xã An Bình không có nguồn nước ngọt như đảo Lớn. Từ đầu năm đến nay không có mưa, bà con không thể xuống giống vụ mới, đất đành bỏ không. Thực trạng này đã diễn ra vài năm gần đây, xã đã đề xuất lên huyện cần có giải pháp căn cơ để chống hạn, như xây dựng hồ chứa nước có quy mô từ 3.000 – 6.000m3 nằm dưới chân sân bay thuộc thôn Bắc để phục vụ sản xuất; đồng thời hỗ trợ cho mỗi hộ xây dựng 1 hồ chứa nước khoảng 30m3 để sinh hoạt và tưới rau màu, song do chưa có kinh phí nên chưa thực hiện được.

"Trước tình trạng khô hạn đến sớm, huyện chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện các giải pháp chủ động đối phó với hạn. Về lâu dài, huyện tiếp tục đầu tư giai đoạn 2, hệ thống cung cấp nước sinh hoạt cho 6.000 dân trên đảo Lớn. Huy động các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý nước mặn thành nước ngọt, xây dựng hồ chứa nước để thu gom nước mưa dọc các triền núi phục vụ sản xuất, sinh hoạt và phát triển du lịch", ông Nguyễn Thanh-Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết.

Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.