Hướng đi nào cho Lý Sơn

07:09, 09/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Quảng Ngãi cách đây không lâu, ông Nguyễn Cao Phúc- Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư Quảng Ngãi thông báo một tin sốt dẻo: Tập đoàn Mường Thanh sẽ đầu tư xây dựng một khách sạn 4 sao tại đảo Lý Sơn, với số vốn lên đến 240 tỷ đồng! Mức độ khả tín của thông tin này là rất cao, vì rằng Mường Thanh là một thương hiệu mạnh trong lĩnh vực đầu tư xây dựng các cao ốc trong cả nước. Tập đoàn này có mặt ở hầu khắp các đô thị lớn hiện nay.

TIN LIÊN QUAN

Việc xây cao ốc với số tiền “khủng” như vậy ở một hòn đảo còn thưa vắng du khách như đảo Lý Sơn, nó thể hiện “tầm nhìn” mang tính chiến lược của nhà đầu tư. Đây là cơ hội tốt để Lý Sơn “mở lòng” ra đón lấy nhằm đưa hòn đảo này nhanh chóng thoát khỏi thế cô lập lâu nay.

Trong báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội Đảng bộ huyện Lý Sơn vừa rồi, phát triển du lịch luôn được đề cập như một hướng đi tất yếu trong những năm tới. Đây là một trong những ưu thế còn ở dạng tiềm năng mà hòn đảo này hướng đến. Cứ nhìn lượng du khách đổ về Lý Sơn vào những dịp lễ, tết đủ biết hấp lực của “đảo ngọc” này như thế nào. Có những lúc, hòn đảo nhỏ bé ấy đã quá tải khi công tác hậu cần để đón khách không được chuẩn bị gì ngoài các nhà nghỉ khá thiếu thốn trang thiết bị. Từ ngày lưới điện quốc gia đã vươn đến đảo, tình trạng tạm bợ lâu nay được cải thiện đôi chút, song tính chuyên nghiệp đối với những người làm du lịch thì lại không có mấy.

Đường hướng phát triển không chỉ là những phác thảo khô khan trên mặt giấy mà nó cần được cụ thể hóa bằng những bước đi thích hợp. Đón khách du lịch không chỉ là lo chuyện ăn uống, ngủ nghỉ hoặc chỗ thăm thú mà còn chuẩn bị một môi trường trong lành nữa. Một nhà máy xử lý rác thải với số vốn lên đến 30 tỷ đồng, công suất thiết kế 15 tấn/ngày nhưng cả công nhân lẫn kỹ sư đều xử lý bằng tay, lại chỉ hoạt động bằng 1/10 công suất, đang là một nỗi lo. Vấn đề xử lý rác thải cho đảo Lý Sơn không phải là câu chuyện mới đây mà nó được cảnh báo từ lâu.

Thế nhưng một nhà máy xử lý rác mang tính “thí nghiệm”, tốn hàng chục tỷ ấy vẫn cứ cho phép triển khai trên đảo, ấy là chuyện lạ. “Chuyện lạ” tương tự như vậy cũng đang diễn ra trên đỉnh núi Thới Lới với hồ chứa nước cũng tiêu tốn chừng ấy tiền nhưng mấy năm nay, nước trong hồ như thế nào thì ai cũng biết. Thêm một câu chuyện nữa. Cũng may là các nhà quản lý đã tìm giải pháp khác bằng việc kéo cáp ngầm để đưa điện ra đảo, chứ nếu triển khai nhà máy điện được đốt bằng than đá thì “tầm nhìn” của đảo Lý Sơn ắt sẽ bị “che phủ” bởi bụi và khói từ nhà máy này từ mấy năm nay.

Một vài dẫn chứng trên để thấy rằng, nếu “hướng đi” được cụ thể hóa bằng những công trình không mang lại hiệu quả thì mãi mãi hòn đảo xinh đẹp ấy cũng chỉ sống bằng… tiềm năng mà thôi.

Trần Đăng
 


.