(Báo Quảng Ngãi)- Chẳng giàu có, kinh tế đôi khi còn chật vật, nhưng khi địa phương phát động chương trình xây dựng nông thôn mới thì họ sẵn sàng hiến đất, góp tiền làm đường, bê tông giao thông nông thôn. Họ là những nông dân cao tuổi ở nhiều địa phương trong tỉnh.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Của ít lòng nhiều
Nhà của bà Đoàn Thị Hơn nằm ngay đầu con ngõ dẫn vào KDC số 22, thôn Vùng 5, xã Phổ Thuận (Đức Phổ), con đường này ngày trước chỉ toàn đất cát, có chiều ngang chưa đến 1m. Bà Hơn kể: “Mỗi khi mùa mưa đến, con đường lầy lội, đi lại rất khó khăn, nhất là mấy đứa nhỏ trong xóm đi học phải xắn ống quần đến đầu gối. Thấy mà xót lắm!” Thế nên, cuối năm 2013 khi địa phương phát động làm đường giao thông, bà Hơn là người đầu tiên hưởng ứng hiến đất. Năm nay, bà bước sang tuổi 80. Chồng bà mất sớm, các con đều đi làm ăn xa nên bà sống một mình trong ngôi nhà nhỏ. Nằm trong diện khó khăn, là hộ vừa mới thoát nghèo nhưng khi KDC làm đường giao thông, bà không chỉ tự nguyện hiến hơn 50m2 đất vườn, chặt bỏ cây mà còn đóng góp gần 3 triệu đồng. Bà Hơn nói: Dù tôi khó khăn nhưng còn làm ruộng, làm vườn được nên tích cóp được bao nhiêu thì đóng góp bấy nhiêu. Số tiền đóng góp so với người ta thì chẳng nhiều gì nhưng đó là tấm lòng, mong có con đường sạch sẽ để bà con lối xóm đi lại cho thoải mái.
Tuyến đường bê tông do bà Đoàn Thị Hơn đóng góp tiền xây dựng. |
Từ tấm gương của bà, người dân trong KDC ai cũng hăng hái, nhanh chóng hiến đất, phá tường rào để làm đường giao thông. Giờ đây, KDC số 22 đã bê tông được 3 đoạn đường, dài gần 1,5km và cách 15m lại có một bóng đèn thắp sáng. Ông Nguyễn Quang Dũng – Trưởng thôn Vùng 5, xã Phổ Thuận cho biết: “Việc làm của bà Hơn tuy nhỏ nhưng mang lại hiệu ứng lớn, làm gương cho mọi người noi theo, cần được biểu dương”.
Vì lợi ích chung
Là trưởng KDC, ông Trần Văn Thạnh (63 tuổi) ở thôn Phước Lộc Tây, xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) luôn nhiệt huyết trong các phong trào của địa phương. Không chỉ kêu gọi, vận động nhân dân, mà ông còn làm gương đi đầu. Năm 2014, khi có chủ trương làm đường giao thông nông thôn, ông đã đóng góp 23 triệu đồng cùng với ngày công lao động để bê tông con đường liên thôn ở KDC số 11.
Bước vào ngôi nhà nhỏ, cũ kỹ của vợ chồng ông chẳng ai tin, chính chủ nhân của nó đã góp một số tiền lớn để làm đường. Ông cười hiền bảo: “Nhà tôi chẳng có gì đáng giá ngoài những tấm giấy khen của các con”. Cả đời làm lụng chỉ để chăm lo cho các con ăn học, giờ đây ông vô cùng tự hào khi 7 người con của mình đều đã trưởng thành và có công việc ổn định. Dù các con đều đã yên bề, nhưng vợ chồng ông vẫn cần cù lao động với 10 sào ruộng, 10 sào đất thổ và chăn nuôi hơn 10 con bò. Đối với ông, lao động vừa tạo niềm vui, lại giúp phát triển kinh tế nên cứ còn sức là còn làm.
Ông Thạnh sống ở KDC số 11, nơi có 87 hộ dân sinh sống và đều làm nông, nên kinh tế của bà con cũng còn rất khó khăn. Từ thực tế đó, ông bàn bạc với gia đình ủng hộ tiền để làm đường. Vợ ông Thạnh, tâm sự: Hai vợ chồng định cuối năm nay sẽ sửa lại căn nhà vì đến mùa mưa là dột dữ lắm! Thế nhưng năm 2014, địa phương có chủ trương bê tông tuyến đường ở KDC mà tiền nhân dân đóng góp vẫn còn thiếu nhiều, nên vợ chồng tôi quyết định lấy số tiền đó để đóng góp. Một lần làm là một lần khó, thế nên góp được gì thì góp, đường của xóm làng cũng như đường nhà mình, sạch sẽ, khang trang thì vẫn vui hơn.
Không chỉ đóng góp tiền của, ông Thạnh còn thường xuyên đến từng nhà bà con lối xóm để vận động, kêu gọi mọi người cùng chung sức xây dựng nông thôn mới. Ai có nhiều thì góp nhiều, ai có ít thì góp ít, người không có tiền thì bỏ công lao động. Thời gian qua, trong phong trào bê tông giao thông nông thôn ở địa phương, ông đã vận động bà con góp tiền thắp sáng 3km đường quê, với hơn 60 bóng đèn và xây dựng đường bê tông nội xóm dài 190m.
Bài, ảnh: HIỀN THU