(Báo Quảng Ngãi)- Di chứng da cam là nỗi đau xé lòng đối với mọi người. Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả của nó thì vẫn còn. Có những người trở về sau chiến tranh chịu nỗi bất hạnh khi cơ thể mình bị nhiễm dioxin. Để rồi, các thế hệ con cháu của họ phải gánh chịu nỗi đau này từ cha ông...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Những số phận bất hạnh
Hơn 10 năm ở chiến trường, ông Nguyễn Ngọc Chín (63 tuổi) thôn Thọ Tây, xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) trở về khi trong cơ thể đã bị nhiễm chất độc hóa học dioxin. Rồi ông lấy vợ, sinh con nhưng chẳng may đứa con thứ tư bị di chứng chất độc từ ông. Ông Chín nói: “Tôi sinh ra năm người con, nhưng chẳng may cháu Hùng lại bị nhiễm chất độc hóa học. Lúc mới sinh, thấy tay chân cháu bị co quắp, gia đình cũng đưa đi chạy chữa ở các bệnh viện lớn, nhưng họ đều kết luận cháu bị bại não và không thể cứu chữa được. Từ đó tới bây giờ cháu toàn sống nhờ vào cha mẹ, người thân giúp đỡ”.
Tuy cơ thể không lành lặn, nhưng anh Huỳnh Thắng ở thôn Năng Tây 3, xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) vẫn cố gắng tự lực mưu sinh. |
Giống như hoàn cảnh của ông Chín, vợ chồng ông Đỗ Minh Hoàng (75 tuổi), thôn Thọ Tây đều là thương binh và trở về sau cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau đó ông bà cưới nhau rồi sinh 5 người con, nhưng chẳng may chị Đỗ Thị Hiệp, con gái ông bà bị nhiễm chất độc hóa học và thường xuyên đau ốm. “Lâu lâu nó bị động kinh rồi té ngã xuống nền nhà, có khi nặng quá thì phải đưa vô bệnh viện cấp cứu. Rồi có lúc, nó bỏ nhà đi lang thang làm cả nhà phải đi kiếm khắp nơi. Vợ chồng tôi đã già rồi, nhưng ngày nào còn khỏe thì còn trông nó, chứ mai mốt không đi lại được thì không biết nó sẽ như thế nào?”, ông Hoàng buồn rầu nói.
Vượt lên nỗi đau
Sau chiến tranh, có biết bao mảnh đời phải sống trong cảnh tật nguyền, khốn khó. Ấy vậy mà không ít người đã kiên cường vượt qua để sống với một tinh thần “lành lặn” và khát khao vươn lên. Điển hình như trường hợp của anh Huỳnh Thắng (48 tuổi) ở thôn Năng Tây 3, Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) khiến nhiều người phải thán phục.
Anh Thắng sinh ra trong một gia đình đông anh em, nhưng chẳng may anh bị nhiễm chất độc da cam khiến tay và chân đều co quắp, khó hoạt động. Ông Huỳnh Thái, bố anh Thắng cho biết: “Mình nói gì nó cũng nghe và hiểu được, nhưng nó nói thì chậm lắm, từng từ một thôi. Vậy mà nó siêng làm lắm! Gia đình chúng tôi cũng mới mở cho nó quán tạp hóa nho nhỏ để nó buôn bán rồi kiếm thu nhập. Rồi nó cũng tập tành và tự sửa xe, tập đi xe máy để chở hàng. Hồi trước nó cũng muốn đi học, sau đó mẹ nó đưa cho mấy cuốn sách lớp 1, rồi dạy lần vậy mà nó tiếp thu nhanh và biết đọc chữ”.
Cuộc sống hiện nay của hầu hết gia đình nạn nhân da cam ở tỉnh ta đều rơi vào tình trạng khó khăn, thiếu thốn. Có gia đình, cả nhà phải trông chờ vào số tiền trợ cấp xã hội hàng tháng mới có thể trang trải được cuộc sống hằng ngày. Chính vì thế, sự chia sẻ, sự quan tâm hơn nữa của cộng đồng xã hội sẽ giúp họ có thêm động lực, niềm tin để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Ông Đào Đình Hùng – Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin tỉnh cho biết: “Chúng ta là những người may mắn thì phải san sẻ với những nạn nhân không may chịu cảnh đời bất hạnh. Tuy nhiên, trong số những mảnh đời bất hạnh ấy, cũng có nhiều người biết vươn lên hoàn cảnh và tự lực bằng chính khả năng của mình. Hiện nay, lãnh đạo Hội cũng đã gửi thư đến các đoàn thể, doanh nghiệp kêu gọi cùng chung tay giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam. Từ đó, thể hiện được một tinh thần đùm bọc, chia sẻ giữa con người với nhau”.
Bài, ảnh: PV