Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

02:08, 09/08/2010
.

Nỗi đau không của riêng ai!

(QNg) - Từ năm 2006 đến năm 2010, nhất là từ khi có Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 6/12/2007 của Tỉnh ủy và Công văn 612/UBND-VX ngày 11/3/2008 của UBND tỉnh về việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc hóa học, Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh đã nhận được sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước hơn 9,2 tỷ đồng.

Số tiền ấy đã được sử dụng  xây dựng 282 căn nhà (hơn 4,7 tỷ đồng); tặng quà (hơn 4,3 tỷ đồng) cho nạn nhân chất độc da cam toàn tỉnh. Trong đó đã xuất hiện nhiều cá nhân, tổ chức, đơn vị đóng góp thường xuyên cho quỹ như: Hội Người cao tuổi, Công ty Nông sản thực phẩm tỉnh, Công ty CP Đường, các cơ quan thông tấn báo chí tỉnh...
 
sdg
Đại diện Phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Quảng Ngãi trao 40 suất quà (500.000đồng/suất) cho nạn nhân chất độc da cam huyện Mộ Đức ngày 5/8/2010.

Chúng tôi đã gặp gỡ một số cá nhân, tổ chức có đóng góp thường xuyên cho Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam của tỉnh, và nhận thấy việc làm này xuất phát từ lương tâm, trách nhiệm và thể hiện sự tri ân đối với những nạn nhân chất độc da cam - những người một thời là cán bộ, bộ đội, thanh niên xung phong, dân quân, du kích, tự vệ, dân công hỏa tuyến... trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở những vùng bị rải chất độc da cam trong những năm chống Mỹ cứu nước.

Ông Trần Văn Thường - Trưởng ban đại diện Người cao tuổi tỉnh cho biết: "Nạn nhân chất độc da cam đang mang trong mình nhiều căn bệnh quái ác. Trong số họ có rất nhiều cảnh ngộ bi đát, vì bệnh tật giày vò. Những người cao tuổi đã tự nguyện tiết kiệm một phần nhỏ trong số tiền chi tiêu hàng ngày, để đóng góp cho quỹ. Mỗi người một ít, đông người thành nhiều".

Mỗi năm, Hội Người cao tuổi tỉnh đóng góp từ 30 triệu đến 70 triệu đồng vào Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam. Nhiều hội viên là cựu chiến binh đã tự nguyện trích đều đặn mỗi tháng từ tiền lương, phụ cấp 30.000 đồng đến 100.000 đồng giúp đỡ nạn nhân da cam. Nhiều cụ còn động viên con cháu, nhân dân trong khu dân cư làm theo.

Mỗi người dân là một địa chỉ xoa dịu nỗi đau da cam

Xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là chăm sóc về vật chất, mà nạn nhân chất độc da cam còn rất cần sự an ủi về tinh thần như, thăm nom khi  ốm đau, hương khói lúc qua đời, hướng dẫn nạn nhân có đủ điều kiện làm hồ sơ thủ tục để hưởng chính sách... Những việc làm ấy nếu chỉ dựa vào lực lượng cán bộ Hội Nạn nhân các cấp, thì khó lòng đáp ứng yêu cầu.
 
Do vậy nhiều năm nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn nâng cao tinh thần trách nhiệm cộng đồng, quan tâm đến nạn nhân chất độc da cam nhiều hơn. Với phương châm "Mỗi người dân là một địa chỉ xoa dịu nỗi đau da cam", hiện nay sự tương thân tương ái dành cho nạn nhân da cam của tỉnh ngày càng nhiều, tạo điều kiện để họ có thêm điều kiện ổn định cuộc sống. Ngoài ra Hội nạn nhân da cam còn thực hiện nhiều cuộc điều tra, thống kê nắm tình hình nạn nhân, xây dựng địa chỉ tin cậy, để các nhà hảo tâm tin tưởng ủng hộ nạn nhân trong tỉnh.

"Hãy đến với nạn nhân chất độc da cam, đến với những người nghèo khổ nhất trong những người nghèo khổ, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ... Đến với nạn nhân chất độc da cam là đến với nỗi đau khổ tột cùng của con người, nhưng cũng chính ở đây tính bản thiện của mỗi con người Việt Nam "Thương người như thể thương thân" được thể hiện rõ nhất. Cũng chính ở đây lòng nhân ái, tình đồng loại của mỗi con người có lương tâm và trách nhiệm trên thế giới này được tôn vinh".

(Thông điệp của Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và cũng là của Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh kêu gọi hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam năm 2010).
Thời gian qua Tỉnh uỷ, UBND tỉnh cũng đã có nhiều chỉ đạo sát hợp, thiết thực giúp nạn nhân chất độc da cam cả về vật chất lẫn tinh thần. Sau khi có Thông báo Kết luận của Ban Bí thư Trung ương về việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TU triển khai kết luận này.
 
Chỉ thị này đã thẳng thắn thừa nhận, vẫn còn một số cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và hội đoàn thể chưa thật sự quan tâm đúng mức đến công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam. Tỉnh ủy yêu cầu phải đẩy mạnh tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, tình thương đối với đau thương, mất mát, khó khăn của nạn nhân chất độc da cam.
 
Mỗi cá nhân, tổ chức, đơn vị cần phải có việc làm cụ thể, thiết thực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học. Đây là việc làm không chỉ góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, mà còn giúp cho công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh một cách hiệu quả, bền vững.

Bài, ảnh: Thanh Huyền

.