(Báo Quảng Ngãi)- Các đơn vị thi công Quốc lộ 1 đang trong giai đoạn nước rút nên cần số lượng lớn nguyên vật liệu, nhất là đá dăm đổ cấp phối trong quá trình lu lèn trước khi thảm bê tông nhựa. Tuy nhiên, hiện nay các nhà thầu đang gặp rất nhiều khó khăn khi tìm nguồn vật liệu đủ và đảm bảo chất lượng để thi công.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Bị động về nguồn vật liệu
Được dự báo nguồn vật liệu sẽ khan hiếm khi dự án vào giai đoạn thi công rầm rộ, nên từ khi khởi công các nhà thầu đã có những động thái nhất định trong việc tìm kiếm nguồn vật liệu để đáp ứng quá trình thi công. Tuy nhiên, chưa khi nào nguồn nguyên liệu đá dăm lại rơi vào tình cảnh “nóng” như hiện nay. Hiện trên địa bàn Quảng Ngãi có rất nhiều mỏ đá phục vụ việc thi công Quốc lộ 1 như mỏ đá Mỹ Trang (Đức Phổ), An Hội, Hòn Gai (Tư Nghĩa), Tịnh Bắc (Sơn Tịnh)… Tuy nguồn nguyên liệu thô tại các mỏ đá này là khá dồi dào nhưng vẫn không thể đáp ứng đủ số lượng mà các nhà thầu yêu cầu. Nguyên nhân là hầu hết các mỏ đá này quy mô khai thác chỉ ở mức vừa và nhỏ, phương tiện máy móc còn hạn chế nên số lượng đá thành phẩm hằng ngày thấp.
Nhiều mỏ đá dù hoạt động hết công suất cũng chỉ đáp ứng phần nhỏ nhu cầu của các nhà thầu. |
Theo ông Phạm Văn Tiến- Giám đốc Công ty TNHH Đại Long, đơn vị khai thác đá tại mỏ đá An Hội, việc khan hiếm đá là do các nhà thầu thi công các dự án lớn không chủ động nguồn vật liệu chứ không phải các mỏ đá không đủ đá. “Cả mùa mưa năm 2014 doanh nghiệp chúng tôi chỉ hoạt động cầm chừng vì không có nơi để xuất bán. Trong khi đó các nhà thầu thi công không một ai đến ký hợp đồng nên lượng đá dăm dự trữ có hạn. Đến tháng 2.2015 Công ty Thiên Tân mới đến ký hợp đồng cung ứng 30 nghìn khối. Hiện chúng tôi cung ứng gần đủ số lượng. Có nhiều doanh nghiệp đến đặt vấn đề ký hợp đồng mua đá dăm, nhưng chúng tôi không thể đáp ứng vì hiện nay nhà máy đã hoạt động gần hết công suất. Muốn tăng sản lượng thì phải xin phép các ngành chức năng, đầu tư máy móc rất tốn kém".
Còn ông Nguyễn Tài Bảo- Phó Giám đốc Công ty CP mỏ đá Mỹ Trang cho rằng, chính các đơn vị thi công chưa thực sự chủ động tìm đến doanh nghiệp khai thác đá để ký các hợp đồng lớn. Trong lúc thị trường rơi vào tình trạng “cháy hàng” thì các đơn vị mới ồ ạt tìm đến mua. “Chúng tôi hiện phải cung ứng cùng lúc cho nhiều nhà thầu như Thiên Tân, Thành An, Đồng Khánh… nên không dám ký hợp đồng cung ứng số lượng lớn mà chỉ ký từng đợt với số lượng vừa phải. Nguồn hàng dự trữ hiện đang rất khan hiếm; công suất máy cũng chỉ sản xuất khoảng 250 khối mỗi ngày nên dù nhà thầu thi công có “nôn nóng” thì chúng tôi cũng chỉ đáp ứng ở mức tối đa có thể của mình”-ông Bảo chia sẻ.
Khó khăn trong thi công
Đá dăm cấp phối là một trong những nguyên vật liệu quan trọng và cần số lượng lớn trong quá trình thi công Quốc lộ 1. Do đó, cách đây không lâu khi đi kiểm tra toàn tuyến của dự án, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu các nhà thầu vừa đẩy nhanh tiến độ nhưng cũng phải vừa tranh thủ nguồn đá dăm dự trữ để không phải “hụt hơi”. Tuy nhiên, đến thời điểm này dự đoán của Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đúng khi mà các nhà thầu đang phải chật vật đi tìm nguồn nguyên liệu. Thậm chí là tìm đến các mỏ đá ngoài tỉnh và chịu mua với giá cao nhưng vẫn lo không có hàng.
Ông Trần Ngọc Thụy-Giám đốc Công ty TNHH B.O.T Thiên Tân-Thành An, chủ đầu tư dự án B.O.T Quảng Ngãi cho biết, hiện dự án đã đạt khoảng 72% tiến độ và đang bước vào giai đoạn nước rút nên cần nhiều đá dăm để thi công. “Cái khó là với mục tiêu đến 30.6 dự án phải hoàn thành việc đổ đá cấp phối lu lèn. Với số lượng đá dăm cần hiện tại khoảng 26 nghìn khối và mỗi ngày trung bình đơn vị tập kết trên dưới 1 nghìn khối đá dăm cấp phối. Nhưng hiện nay tình trạng khan hiếm nguồn đá nên sợ sẽ ảnh hưởng đến tiến độ”-ông Thụy nói.
Ngoài ra, ông Thụy cũng cho biết thêm, do nhu cầu tăng cao nên giá thành đá dăm cấp phối đã đội lên thêm vài chục nghìn đồng/khối. Nếu mua đá tại mỏ đá Chu Lai (Quảng Nam) thì đơn giá còn cao hơn nữa do tốn thêm chi phí vận chuyển. “Trong dự toán của chủ đầu tư tối đa là 170 nghìn đồng/khối. Nhưng hiện các mỏ đá đã bán với giá tăng khoảng 50 nghìn đồng/khối. Cộng với đó là chi phí vận chuyển thêm gần 80km nữa cũng sẽ đội giá vận chuyển lên 30 nghìn đồng/khối. Trong khi đó, các doanh nghiệp mỏ đá thì yêu cầu trả tiền mặt nên rất khó”-ông Thụy nói.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC