(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều chương trình, dự án giảm nghèo bền vững đã được triển khai tại 6 huyện miền núi. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp nên tiến độ giảm nghèo vẫn còn chậm, tỷ lệ thoát nghèo bền vững chưa cao. Vì vậy, mới đây, khi Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên chính thức khởi động, mà Quảng Ngãi là một trong 6 tỉnh được hưởng lợi, đã mang đến cho các huyện nghèo cơ hội mới để thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
Ưu tiên phát triển sinh kế
Bài toán phát triển sinh kế bền vững giúp người dân thoát nghèo đang là vấn đề nan giải đối với các huyện miền núi Quảng Ngãi. Ví dụ như năm 2014, ở huyện Tây Trà bình quân cứ 3 hộ thoát nghèo thì lại có 2 hộ tái nghèo. Vì thế, mặc dù cơ sở hạ tầng các huyện miền núi ngày càng hoàn thiện hơn nhờ các chương trình hỗ trợ từ chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a, Chương trình 135… Nhưng đến bây giờ, nhiều huyện vẫn còn loay hoay trong việc lựa chọn trồng cây gì, nuôi con gì… để giúp người dân thoát nghèo.
Trước thực trạng đó, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đã được triển khai nhằm tiếp thêm nguồn lực cho các huyện miền núi trong công tác giảm nghèo. Trong đó, tại Quảng Ngãi, dự án được thực hiện tại 15 xã thuộc 3 huyện, gồm: xã Sơn Nham, Sơn Thành, Sơn Linh, Sơn Cao, Sơn Kỳ (Sơn Hà), Sơn Mùa, Sơn Long, Sơn Màu, Sơn Liên, Sơn Tinh (Sơn Tây), xã Ba Khâm, Ba Trang, Ba Lế, Ba Giang và Ba Tô (Ba Tơ). Tổng mức đầu tư cho dự án là 16 triệu USD.
Nhiều tuyến đường giao thông liên xã tại Ba Tơ sẽ được đầu tư, nâng cấp từ nguồn vốn của dự án. |
Đặt việc phát triển sinh kế cho người dân lên hàng đầu, nên hợp phần phát triển sinh kế cho người dân 15 xã được đầu tư với số vốn lên đến 3,3 triệu USD. Các hộ nghèo, cận nghèo nằm trong vùng dự án sẽ lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp và được hỗ trợ tối đa trong vòng 2 năm, năm thứ 3 trở đi được hỗ trợ kỹ thuật. Ngoài chú tâm đầu tư các mô hình kinh tế hiệu quả cho người dân, dự án còn cấp vốn cho các xã phát triển kết nối thị trường, tìm kiếm doanh nghiệp thu mua sản phẩm, ký kết thỏa thuận giữa các bên trong cung cấp dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm.
Ngay cả việc phát triển cơ sở hạ tầng tại các thôn, làng, dự án cũng không khuyến khích các công trình có đền bù, tái định cư, thu hồi đất, mà chỉ ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sinh kế và đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân. Dự án cũng dành riêng kinh phí để người dân trực tiếp quản lý, tham gia vận hành và bảo trì công trình.
Nắm bắt cơ hội mới
Là một trong 3 huyện được chọn để triển khai dự án, từ nay đến năm 2016, Ba Tơ sẽ được đầu tư nâng cấp 9 tuyến đường tại 5 xã Ba Trang, Ba Khâm, Ba Lế, Ba Giang, Ba Tô. Trong đó, tuyến đường liên xã Ba Trang- Ba Khâm, tuyến đường chưa có vốn đầu tư xây dựng, gây khó khăn cho việc lưu thông, nay cũng đã có cơ hội được đầu tư, xây dựng với tổng kinh phí dự kiến là 3 tỷ đồng. Tổng số hộ được hưởng lợi từ việc đầu tư xây dựng tuyến đường này lên đến gần 1.000 hộ.
Riêng về việc phát triển sinh kế, trong 18 tháng đầu tiên của dự án, Ba Tơ sẽ phát triển mô hình sản xuất lúa lai trên diện tích 36ha, bắp lai 10ha, mía 40 ha… với sự hỗ trợ đắc lực của khoa học kỹ thuật nhằm giúp tăng hiệu quả của các mô hình, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng dự án. Các hoạt động của Dự án đều được bảo đảm sẽ xuất phát từ nhu cầu của người dân trong vùng hưởng lợi, mang lại hiệu quả thiết thực nhất trong thời gian thực hiện Dự án.
“Mỗi xã nằm trong vùng dự án sẽ được cấp khoảng 20 tỷ đồng để phát triển hạ tầng, sinh kế… Điểm mới của dự án giảm nghèo này là bên cạnh việc chú trọng phát triển sinh kế cho người dân, công tác nâng cao năng lực và truyền thông cũng được quan tâm đầu tư. Các xã đều có hướng dẫn viên cộng đồng và cán bộ quản lý để giám sát thực hiện dự án. Vì vậy, dự án được kỳ vọng sẽ mang đến hiệu quả thiết thực trong công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương”, ông Lê Hàn Phong-Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết.
Bài, ảnh: Ý THU