Giảm nghèo bền vững ở Minh Long: Dân cần cù làm, cán bộ tận tâm giúp

03:04, 03/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi năm, các huyện nghèo của Quảng Ngãi tiếp nhận hàng chục tỷ đồng đầu tư thực hiện các mô hình giảm nghèo bền vững. Trong khi nhiều nơi việc thực hiện chưa mang lại hiệu quả thì ở Minh Long, mô hình giảm nghèo đã thực sự giúp dân thoát nghèo nhờ dân cần cù, cán bộ tận tâm.

TIN LIÊN QUAN

Nuôi 1 con heo 2 năm thu 10 triệu đồng

Mô hình giảm nghèo từ nuôi heo móng cái sinh sản tại thôn Diệp Hạ, xã Thanh An (Minh Long) đã được hai năm. Trên bức vách chuồng heo nhà chị Đinh Thị Nhanh – hộ nghèo được hỗ trợ 1 con heo móng cái sinh sản từ mô hình này vẫn còn ghi hàng chữ: “Ngày nhận heo 20.3.2012”. Thế mà chị Nhanh bảo: “Sáng qua heo nhà mình vừa phối giống lứa thứ 4 đấy. 3 lứa trước, mỗi lứa đẻ 12 – 14 con, mỗi con bán 300.000 đồng. Tính ra, một con heo cái ban đầu mà nhà mình đã có 38 heo con, bán thu được hơn 10 triệu đồng”.

Bà Nguyễn Thị Lan, thôn Minh Xuân, xã Thanh An nuôi bò “đối ứng” giảm nghèo.
Bà Nguyễn Thị Lan, thôn Minh Xuân, xã Thanh An nuôi bò “đối ứng” giảm nghèo.


Để tạo thức ăn cho heo, chị Nhanh trồng rau lang xung quanh vườn; tận dụng số bắp, lúa gia đình trồng được làm thức ăn cho heo. Trưa nào cũng vậy, sau bữa cơm là chị lại nhóm lửa nấu cho đàn heo nhà mình nồi cám. “Hồi mới nuôi, mình phải nhờ cán bộ chỉ cho cách nấu cám, tắm, dội chuồng heo. Heo bị bệnh bỏ ăn là đi tìm cán bộ thú y giúp. Bây giờ mình thấy nuôi heo không khó lắm, mà lại có thu nhập cao nữa” – chị Nhanh nói.

Ông Đinh Công Thơ - cán bộ khuyến nông xã Thanh An, người trực tiếp phụ trách mô hình này cho biết: Mô hình nuôi heo móng cái sinh sản triển khai thí điểm trên 10 hộ, mỗi hộ một con. Sau hai năm thực hiện, tất cả đều sinh trưởng, phát triển tốt, đã đẻ từ 3 đến 4 lứa; mỗi lứa từ 12 đến 14 con. Bà con rất tích cực học hỏi cách chăn nuôi, phòng bệnh, trị bệnh kịp thời. Từ đàn heo 10 con giống ban đầu, đến nay thôn Diệp Hạ đã phát triển đàn heo lên đến hơn 400 con. “Sau khi heo đẻ, người dân bán cho bà con trong xóm cùng nuôi. Thấy nuôi heo móng cái có thu nhập, nhiều nhà đã nuôi đến cả bầy. Vì thế, nơi đây còn gọi là “xóm chuyên heo móng cái” đấy !” – anh Thơ nói vui nhưng rất thật.

Trong thôn Diệp Hạ, nhà nào cũng có một con heo nái, một bầy heo con, có lứa tách mẹ, có đàn mới sinh. Chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát. Máng ăn được làm bằng gỗ, cho heo ăn xong rửa sạch sẽ gác lên cao. Với cách chăn nuôi ấy của người nghèo Diệp Hạ, mô hình nuôi heo móng cái ở đây đã thành công hơn mong đợi…

Nuôi bò “đối ứng”

Tháng 8.2013, từ sự hỗ trợ của Dự án giảm nghèo PRPP, 18 hộ dân xã Long Mai (Minh Long) được chọn hỗ trợ bò giống sinh sản để chăn nuôi, cải thiện thu nhập. Thế nhưng không phải đưa bò về cấp cho hộ nghèo một cách tất bật như một số nơi khác, để rồi sau đó bò chết hoặc bị bán đi rất nhiều. Ở Long Mai, chính quyền và Ban Quản lý dự án PRPP đã có cách làm rất mới, có tính “ràng buộc” cao để người nghèo biết quý trọng “của cho”, nắm bắt cơ hội này để vươn lên thoát nghèo.

Ông Tạ Minh Nhật – Trưởng thôn Minh Xuân, xã Long Mai cho biết: “Khi Ban quản lý vừa đề cập đến phương án nuôi bò đối ứng là người dân đồng ý liền. Có nghĩa là dự án hỗ trợ một con, người dân tự đầu tư mua thêm một con. Người nghèo nào có chí hướng làm ăn nhưng không có vốn thì chính quyền hỗ trợ cho vay vốn mua bò để đối ứng”. Nhờ cách làm này mà 9 hộ nghèo được chọn hỗ trợ bò giống cộng với 9 con bò họ tự đầu tư, hiện giờ số bò đang nuôi tới 18 con.

Hộ nghèo được chọn “nuôi bò đối ứng” đầu tiên là bà Nguyễn Thị Lan. Hai con bò lai to lừng lững trong chuồng. Bà Lan bảo: “Mỗi con giá gần 20 triệu đồng. Hai con đều là của gia đình, trong đó một con dự án cho. Tôi vay 20 triệu đồng mua thêm một con nữa”. Bà Lan trồng 2 sào cỏ voi, “dưỡng” thêm nửa sào cỏ dại, để làm thức ăn cho bò. Bà Lan và 8 hộ khác còn được tập huấn kỹ quy trình, kỹ thuật nuôi, vì thế bò cấp vào thời điểm tiết trời Quảng Ngãi khá lạnh nhưng vẫn tăng trọng đều, không xảy ra còi cọc, dịch bệnh. Phía sau nhà bà Lan, là hộ ông Trần Tuấn Minh cũng được Dự án chọn hỗ trợ bò giống. Thế nhưng bò nhà ông Minh là bò đực nuôi để phối giống nên to lớn hơn 3 tạ. “Dự án cho một con, tôi vay 20 triệu đồng cộng với tiền bán keo mua được thêm 2 con nuôi luôn một thể. Nếu thuận lợi, vài ba năm nữa, tôi sẽ có cơ hội hết nghèo”, ông Minh cho biết.

Trao đổi về giải pháp thành công của mô hình giảm nghèo từ nuôi heo móng cái sinh sản, nuôi bò đối ứng, ông Võ Đình Tiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long khẳng định: “Yếu tố mang tính quyết định đến hiệu quả của mô hình này chính là sự cần cù, chịu khó, ý chí thoát nghèo của người dân. Về phía chính quyền, đã cử cán bộ khuyến nông tận tình, cán bộ thú y quan tâm hỗ trợ chăm sóc vật nuôi. Khi người nghèo, cán bộ cùng quyết tâm thực hiện mục tiêu giảm nghèo thì sẽ thành công”. Phát huy kết quả này, Minh Long đang tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn nhân rộng các mô hình nuôi heo móng cái sinh sản, nuôi bò đối ứng, với mong muốn người nghèo trên địa bàn sẽ thoát nghèo nhanh và bền vững.

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.