Báo động tình trạng tảo hôn ở các huyện miền núi

08:01, 09/01/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Chỉ trong vòng 3 năm qua, đã có hơn 500 trường hợp trẻ em ở 6 huyện miền núi của Quảng Ngãi cưới vợ, lấy chồng khi còn đang đi học. Đây là con số đáng báo động về tình trạng tảo hôn được đưa ra tại Hội thảo Xây dựng kế hoạch giảm thiểu tình trạng trẻ em kết hôn sớm do Hội LHPN tỉnh phối hợp tổ chức với tổ chức Tầm nhìn thế giới vào sáng 7.1.

 

Nhóm bé gái tảo hôn chiếm đa số
 
Tại xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng, trong năm 2014, đã có 14 trường hợp kết hôn sớm ở độ tuổi từ 13-16. Trong đó, có 8 trường hợp bé gái với lý do có thai ngoài ý muốn nên gia đình hai bên chấp nhận cho cưới. Tập tục kết hôn sớm của đồng bào dân tộc thiểu số và sự không am hiểu pháp luật đã liên tiếp gây ra nhiều trường hợp tảo hôn.

 

Tập tục kết hôn sớm của đồng bào miền núi vẫn còn tồn tại
Tập tục kết hôn sớm của đồng bào miền núi vẫn còn tồn tại
Theo bà Hà Thị Thanh Thủy- Giám đốc Công ty CP tư vấn đào tạo và nghiên cứu phát triển, sau cuộc khảo sát về kết hôn sớm, các bé gái trong độ tuổi vị thành niên tâm lý chưa ổn định. Các em lại sớm tiếp xúc với nguồn phim, ảnh không lành mạnh và có tư tưởng tự hào hơn so với các bạn cùng trang lứa khi có bạn trai, hay có chồng sớm. Chính những điều này đã khiến cho số lượng bé gái tảo hôn ngày càng nhiều.
 
Đơn cử như trường hợp của em Hồ Thị T., 15 tuổi. Trong quá trình đi học, em có quen biết với bạn học hơn mình 2 tuổi. Do không được sự nhắc nhở, quản lý của gia đình, nên em đã sớm có thai. Sau khi sự việc xảy ra, gia đình em T đành cho em nghỉ học để kết hôn và sinh con.
 
Điều đáng nói, dù không đăng ký kết hôn do chưa ở độ tuổi pháp luật cho phép, nhưng gia đình hai bên vẫn tổ chức đám cưới rình rang và mời họ hàng, láng giềng đến dự. Với tập tục địa phương, những người dự đám cưới không hề có ý can gián mà gửi những lời chúc tụng vô tư đến đám cưới của hai đứa trẻ còn ở tuổi vị thành niên.
 
“Đó là tư tưởng đã ăn sâu vào tâm trí của người dân địa phương. Họ nghĩ tảo hôn là chuyện bình thường. Nhất là khi bé gái đã có thai thì càng phải có một đám cưới. Những người hàng xóm thì lại nghĩ chuyện đó không phải của gia đình mình nên cũng không can thiệp.”- Bà Phượng, Chủ tịch Hội LHPN xã Trà Thủy cho hay.

 

Kết hôn sớm khiến cho chất lượng dân số trong tương lai bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Kết hôn sớm khiến cho chất lượng dân số trong tương lai bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Không am hiểu pháp luật, tập tục lạc hậu, gia đình không quan tâm đến con trẻ, sự lơ là của ngành chức năng… là một số trong nhiều lý do dẫn đến tình trạng kết hôn sớm ở các huyện miền núi của Quảng Ngãi. Theo thống kê tại huyện Minh Long, Sơn Tây và Trà Bồng, tình trạng kết hôn dưới tuổi quy định của pháp luật vẫn đang xảy ra trong cộng đồng và tập trung chủ yếu ở nhóm người dân tộc thiểu số. Đơn cử như tại huyện Sơn Tây, trong số 2000 trẻ bảo trợ, có 20 trường hợp tảo hôn ở tuổi 12 và 16; Trà Bồng là 40/2.400 trẻ em.
 
Nhiều hệ lụy từ tảo hôn
 
Hậu quả từ việc kết hôn sớm từ lâu đã xảy ra trong cộng đồng với tác động lâu dài và vô cùng nghiêm trọng. Trong đó, chất lượng dân số tương lai bị đe dọa khi những đứa trẻ không được nuôi dưỡng sinh ra với tỷ lệ suy dinh dưỡng cao và nhiều bệnh tật. Bên cạnh đó, sức khỏe, tâm lý của những bà mẹ vị thành niên bị ảnh hưởng nặng nề sau khi kết hôn, sinh con và xảy ra mâu thuẫn với chồng.
 
Ông Lê Vũ Lương- Giám đốc Trung tâm dân số huyện Minh Long cho biết: Tình trạng tảo hôn còn liên quan mật thiết đến tình trạng bỏ học ở huyện miền núi. Một khi các em có thai, thường bị gia đình cho nghỉ học để kết hôn. Cũng từ đó, dân trí ngày càng thấp và đi đôi với tỷ lệ hộ nghèo ngày càng tăng.
 
Tại hội thảo, các đại biểu tham gia đã thảo luận đưa ra nhiều ý kiến, giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng kết hôn sớm. Để ngăn chặn tình trạng này, huyện Minh Long đã sớm thành lập câu lạc bộ thực hiện chính sách dân số. Trong đó, các thành viên phải cam kết không cho con cái họ kết hôn sớm và không được bỏ học nửa chừng. Chính những quy định này, đã có sự ràng buộc nhất định tác động đến tập tục lạc hậu lâu nay của đồng bào ở địa phương.

 

Các ngành chức năng phải phối hợp tuyên truyền và tiến hành nhiều giải pháp mới có thể ngăn chặn tình trạng tảo hôn
Các ngành chức năng phải phối hợp tuyên truyền và tiến hành nhiều giải pháp mới có thể ngăn chặn tình trạng tảo hôn
Đó cũng là một cách rất hay để hạn chế tảo hôn. Nhưng theo ông Nguyễn Mạnh Thắng- Phó Giám đốc Sở Tư Pháp, để đẩy mạnh tuyên truyền về luật hôn nhân gia đình cùng với những quy định của pháp luật, thì phải có chọn chủ thể tuyên truyền phù hợp.
 
“Lâu nay, chúng ta vẫn thường có đội ngũ cán bộ tuyên truyền là cán bộ dân số, y tế thôn, bản. Nhưng chúng ta quên mất rằng, theo tập tục của đồng bào, lời nói của các già làng, trưởng bản mới thực sự có trọng lượng”- ông Thắng khẳng định. Chính vì thế, với phương pháp tuyên truyền phù hợp cùng chủ thể tuyên truyền hiệu quả, thì tình trạng tảo hôn sẽ được đẩy lùi hiệu quả.
 
Theo cuộc khảo sát phối hợp của Hội LHPN tỉnh và tổ chức Tầm nhìn Thế giới, tình trạng kết hôn sớm có xu hướng giảm dần nhưng mức độ chưa giảm đột biến. Bà Phạm Thị Thu Trang- Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Thời gian qua, đã có rất nhiều cơ quan ban, ngành phụ trách lĩnh vực chăm sóc sức khỏe vị thành niên, bà mẹ và trẻ em…. Nhưng tình trạng tảo hôn vẫn tồn tại vì chưa có sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ giữa các đơn vị này.
 
“Để tình trạng kết hôn sớm bị hạn chế thì cần phải có sự chung tay quyết tâm với giải pháp tuyên truyền hiệu quả. Đối với Hội LHPN, chúng tôi sẽ tìm cách tiếp cận tuyên truyền đến những đối tượng là người mẹ trong gia đình, để họ giáo dục con cái trong độ tuổi vị thành niên”- bà Trang chia sẻ.
 
 
Bài, ảnh: Thanh Phương
 

 


.