Nghịch lý nước sinh hoạt vùng cao

09:11, 27/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ở các huyện miền núi của tỉnh có một nghịch lý đang tồn tại là nhiều công trình nước sinh hoạt quy mô lớn được Nhà nước đầu tư hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng đang dần “chết yểu”. Trong khi đó những công trình nước sạch nhỏ lẻ do dân đầu tư chỉ tốn bạc triệu thì phát huy tác dụng trong niềm vui của nhiều người.

TIN LIÊN QUAN

Nhỏ lẻ lại hiệu quả  

Lu đựng nước vừa cạn, bà Đinh Thị Nú ở thôn Làng Re xã Sơn Giang (Sơn Hà) bật mô tơ là dòng nước trong veo từ giếng khoan chảy vào lu đựng nước. Bà Nú cười vui, bảo: “Nước giếng khoan  này quả là “ngon, ngọt”, nấu ăn, uống an toàn lắm! Ngày trước, mùa này nguồn nước ở đâu cũng đục ngầu”.

 

 Công trình nước sinh hoạt nhỏ lẻ do dân xây dựng đều phát huy tác dụng.
Công trình nước sinh hoạt nhỏ lẻ do dân xây dựng đều phát huy tác dụng.


Nhà bà Nú nằm trên quả đồi thoai thoải, phía dưới nhà là cánh đồng  có con suối chảy ngang. Năm năm trước, mùa mưa lũ cũng như mùa nắng gia đình bà dựa vào con suối này để lấy nước sinh hoạt. Thế nhưng, có năm nắng kéo dài nên suối cạn dòng, bà phải đi lấy nước từ mạch nguồn xa. Mùa mưa thì nước suối đục ngầu nên bà đành phải hứng nước mưa để dùng. Thế rồi, khi có chương trình cho vay vốn chính sách đầu tư công trình vệ sinh, nước sạch vùng nông thôn của Ngân hàng Chính sách Xã hội,  bà Nú đã vay 4 triệu đồng, cùng với số tiền gom góp, bà thuê thợ khoan giếng, mua mô tơ làm hệ thống nước sinh hoạt gia đình. Ở các huyện miền núi Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà... nhiều hộ cũng đã vay vốn chính sách như bà Nú để đầu tư giếng nước hợp vệ sinh.

Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, đến nay có 16.834 số hộ dân vay vốn đầu tư công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, với tổng dư nợ hơn 141 tỷ đồng (trong đó có 50% số hộ vay đầu tư công trình nước sinh hoạt). Các công trình này đều phát huy tác dụng, bà con  thoát khỏi cảnh phải uống nước sông, nước suối nhiễm bẩn.

Tuy vậy so với nhu cầu của người dân thì số hộ có điều kiện vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội vẫn còn ít. Nhiều hộ dân vẫn dựa vào nguồn nước sông, suối giếng khơi để sinh hoạt ăn uống nên vấn đề bệnh đường ruột vẫn là điều đáng lo ngại.

Quy mô thì “chết yểu”   

Trong khi đó, từ năm 1994 đến nay, ngân sách nhà nước đầu tư nhiều công trình nước sinh hoạt cho dân ở các huyện miền núi trong tỉnh lại không phát huy tác dụng, hoặc chỉ sử dụng trong một thời gian ngắn là hư hỏng.

Theo kết luận của Thanh tra tỉnh, tại 6 huyện miền núi có khoảng 320 công trình đáp ứng nước sinh hoạt cho gần 211 nghìn người. Nhưng trong thực tế chỉ có khoảng 57 nghìn người được hưởng lợi. Ví dụ, huyện Sơn Tây có 79 công trình nước sạch để đáp ứng cho trên 116 nghìn dân, nhưng thực tế chỉ có trên 1.150 người được hưởng lợi (chiếm gần 1% so với thiết kế). Ba Tơ được đầu tư 57 công trình, với quy mô thiết kế phục vụ khoảng 19 nghìn người, nhưng chỉ có khoảng 7 nghìn người hưởng lợi. Sơn Hà có 60 công trình, đáp ứng cho 23 nghìn người, nhưng chỉ có khoảng 13 nghìn người có nước sinh hoạt... Những con số này cho thấy, đầu tư công trình thì nhiều, mà người được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh thì quá ít.

Theo Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, đa số công trình nước sinh hoạt tập trung đều không phát huy tác dụng như thiết kế ban đầu là do  lỗi kỹ thuật trong quá trình khảo sát chọn địa điểm, thi công chưa đảm bảo chất lượng hoặc bảo quản không tốt. Từ thực tế trên, vấn đề đặt ra là cần siết chặt từ khâu thiết kế kỹ thuật đầu tư công trình đến việc giao trách nhiệm cho từng bộ phận liên quan quản lý, vận hành để đảm bảo tính hiệu quả, tránh lãng phí tiền của Nhà nước. Nơi nào không thể đầu tư công trình nước sinh hoạt với quy mô lớn thì nên trích nguồn kinh phí định đầu tư, hỗ trợ cho dân để họ tự đầu tư xây dựng hệ thống nước sinh hoạt nhỏ lẻ. Có như vậy thì việc đầu tư xây dựng các công trình nước sinh hoạt ở các huyện miền núi mới đảm bảo chất lượng và phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người dân.
    

Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.