Nhọc nhằn thủ tục công nhận "xã nông thôn mới"

09:10, 14/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đến thời điểm này Quảng Ngãi có duy nhất xã Bình Dương (Bình Sơn) lập hồ sơ xin công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Để có cơ sở đánh giá, công nhận, Bình Dương phải xây dựng từng tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

TIN LIÊN QUAN

Tuy nhiên, với thực tiễn, kinh nghiệm chưa có; quy trình, thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu cũng chưa chuẩn hóa, dẫn đến việc hoàn thiện bộ tiêu chí này của xã Bình Dương gặp rất nhiều khó khăn.

Nặng thủ tục

Bình Dương vừa hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị UBND huyện Bình Sơn thẩm tra, phê duyệt làm cơ sở trình UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh. Mặc dù bộ hồ sơ này đã gửi đến UBND huyện, song bộ phận chuyên môn của xã vẫn tập trung xây dựng Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, để sẵn sàng cho cuộc “tổng duyệt” của huyện, tỉnh trước khi công nhận “xã nông thôn mới”.

Một góc xã Bình Dương (Bình Sơn)- xã điểm trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh.                        Ảnh: T.L
Một góc xã Bình Dương (Bình Sơn)- xã điểm trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Ảnh: T.L


Anh Đỗ Tiến Quang – cán bộ văn phòng của UBND xã phụ trách công tác lập Bộ tiêu chí quốc gia công nhận nông thôn mới cho biết: 19 tiêu chí phải lập 19 bộ hồ sơ. Theo quy định, mỗi tiêu chí lại phải “viện dẫn” vào quy định chuyên ngành của các cơ quan chuyên môn. Chẳng hạn tiêu chí văn hóa phải lập theo quy định của ngành văn hóa; tiêu chí y tế phải theo lĩnh vực y tế; tiêu chí giáo dục tuân thủ quy định của ngành giáo dục…

Anh Đỗ Tiến Quang cho rằng, Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới là một loại hồ sơ hành chính “khá đặc biệt” chưa từng gặp trong bộ chuẩn thủ tục hành chính hiện nay. “Hồ sơ, biểu mẫu chưa có sẵn, xã phải tự nghiên cứu, hỏi ý kiến của cơ quan chuyên môn để xây dựng. Nói chung là phải bám sát quy định, bám sát cơ quan cấp trên, khó đâu gỡ đó”, anh Quang cho biết.

Theo ông Huỳnh Công Lập – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương: “Để lập Bộ tiêu chí quốc gia này, xã đã huy động nhiều cán bộ và bắt tay vào làm từ tháng 7.2014. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa đâu vào đâu”. Hiện nay, xã Bình Dương mới chỉ xây dựng được Bộ chuẩn tiêu chí quốc gia đối với 17 tiêu chí. Còn hai tiêu chí là giao thông nông thôn, thủy lợi chưa đụng tới, vì lúng túng không biết tiến hành như thế nào. “Trong quy định chỉ nêu chung chung giao thông có 70% đường được bê tông hóa, không có hồ sơ, biểu mẫu. Tiêu chí thủy lợi cũng vậy. Thủ tục quy định đơn giản, song thực tế để lập hồ sơ, làm cơ sở khoa học chứng minh vấn đề này lại vô cùng khó khăn”, ông Lập cho hay.

Trong 17 Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới mà xã Bình Dương xây dựng có nhiều tiêu chí viết dày cả trăm trang; đủ các loại giấy tờ, biểu mẫu. Thế nhưng, đây chưa là hồ sơ chuẩn mà còn phải chỉnh sửa, bổ sung theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương Huỳnh Công Lập cho biết thêm: “19 tiêu chí phải có đánh giá của 19 đoàn thẩm định. Thẩm định xong phải công khai ra dân. Nhiều bước thủ tục, khó khăn lắm chứ chẳng đơn giản...”.

Cần có biểu mẫu thống nhất

Sau bao nhiêu nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, hôm nay Bình Dương đã thực sự đổi thay nhiều mặt. 19 tiêu chí của nông thôn mới, xã đã rà soát, thẩm định, họp dân công bố. Hồ sơ đề nghị công nhận xã nông thôn mới đã chuyển lên UBND huyện. Về Bình Dương hôm nay, cơ sở hạ tầng, nhất là điện, đường, trường, trạm, chợ đã được đầu tư nâng cấp. Ngôi trường Đông Yên cũ nát, khu chợ Hôm liêu xiêu hôm nào giờ khang trang, sạch đẹp. Con sông chia cắt Bình Thới – Bình Dương cũng đã có cây cầu bê tông vững chãi nối liền, thỏa lòng mong ước của người dân đôi bờ. Đường làng, cổng ngõ phong quang. Nhà tầng, công viên sạch đẹp... đã tạo nên kiến trúc nông thôn kiểu mới thực sự.

Các tiêu chí khác như thu nhập của người dân, tỷ lệ hộ nghèo cũng được xã Bình Dương tập trung giải quyết. Toàn xã còn 193 hộ nghèo nhưng sau khi rà soát, có đến 113 hộ nghèo có con cái làm ăn khá giả, xã “buộc” gánh vác trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ với mức chu cấp mỗi tháng trên chuẩn hộ nghèo; 80 hộ nghèo còn lại do neo đơn, mất sức lao động, xã có biện pháp hỗ trợ cải thiện đời sống. Đến như tiêu chí nước sạch sinh hoạt, xã cũng đánh giá một cách khách quan, bài bản. Những hộ không thuộc diện dùng nước từ “nhà máy nước” mà dùng nước giếng, xã lấy mẫu nước, mang đến cơ quan chuyên môn thẩm định… Diễn tả những việc làm này của xã Bình Dương để thấy được sự quyết tâm, khách quan, trung thực, “không thành tích” của chính quyền.

Sau nhiều năm bám chủ trương, quyết liệt triển khai thực hiện, hôm nay Bình Dương đã “chạm vào nông thôn mới”. Thế nhưng chuyện có được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới hay không lại phụ thuộc vào thủ tục hành chính. Thiếu hướng dẫn, thiếu bộ chuẩn thủ tục là những khó khăn khách quan cần các cơ quan chuyên môn của huyện và tỉnh hỗ trợ tháo gỡ. Có như thế lộ trình “tiến lên nông thôn mới” của xã Bình Dương mới có thể về đến đích theo mốc thời gian đã quy định là trước 10.11.2014.
       

Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.