Xây dựng Sơn Tây ngày càng giàu đẹp

08:08, 05/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ một huyện nền kinh tế có xuất phát điểm rất thấp, kết cấu hạ tầng hầu như không có gì, sau 20 năm tái lập Sơn Tây đã có bước chuyển mình đáng kể. Hạ tầng kỹ thuật và xã hội được tăng cường, đời sống nhân dân được cải thiện, kinh tế từng bước ổn định và phát triển... Nội lực trong dân cộng với ngoại lực đã tạo động lực, bước đột phá để Sơn Tây vững bước đi lên, phát triển và hội nhập trong chặng đường mới.

TIN LIÊN QUAN

Những thành tựu cơ bản

Huyện Sơn Tây được tái lập vào ngày 6.8.1994 trên cơ sở điều chỉnh địa giới huyện Sơn Hà để thành huyện Sơn Tây và Sơn Hà theo Nghị định số 83/NĐ-CP của Chính phủ. Tại thời điểm tái lập, huyện có 4 đơn vị hành chính cấp xã với diện tích tự nhiên gần 38.222 km2 , mật độ dân cư rất thưa thớt, đại đa số là người dân tộc thiểu số sinh sống. Đến nay, Sơn Tây có 9 đơn vị hành chính cấp xã, dân số 18.439 người; bộ mặt kinh tế- xã hội có nhiều đổi thay rõ rệt. Kinh tế của huyện từ ngày tái lập đến nay không ngừng phát triển. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt từ 15% đến 16,5%. Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện năm 2013 đạt hơn 110 tỷ đồng, tăng gấp 1.542 lần so với 1995. Thu ngân sách đạt 56 tỷ đồng, tăng 1.076 lần so với 1995.

 

Một góc Sơn Tây hôm nay.
Một góc Sơn Tây hôm nay.


Hiện tại, kinh tế chủ lực của Sơn Tây vẫn là nông – lâm nghiệp. Tuy nhiên, phương thức, giá trị sản xuất đã khác biệt rất lớn so với khi mới tái lập huyện. Từ phá rừng làm rẫy, nông dân Sơn Tây đã biết khai hoang canh tác lúa nước, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng sản lượng, góp phần đảm bảo nguồn lương thực trong dân. Từ 227ha lúa nước canh tác một vụ bấp bênh, đến nay huyện đã có gần 800 ha lúa nước sản xuất hai vụ ăn chắc, năng suất đạt hơn 40tạ/ha. Bình quân lương thực đầu người là 361 kg/người/năm (năm 1994 là 129 kg/người/năm).

Để tiếp sức tạo ra những giá trị, sản phẩm nông nghiệp mới, huyện đã không ngừng đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều công trình thủy lợi, tạo điều kiện cho nhân dân canh tác. Nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư mô hình vườn - rừng - lúa nước đạt năng suất, giá trị cao, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn. Lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục phát triển về số lượng, sản lượng và chất lượng. Phát triển chăn nuôi gắn liền với khuyến nông, xóa bỏ dần tình trạng chăn nuôi lạc hậu bằng phương pháp chăn nuôi nhốt chuồng, chuẩn bị đầy đủ thức ăn cho vật nuôi. Vì thế thu nhập từ chăn nuôi của nông dân không ngừng tăng lên. Một bộ phận người dân có đời sống khá giả từ tập trung đầu tư chăn nuôi trâu, bò. Đặc biệt, 3 năm qua, hưởng ứng phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới, huyện Sơn Tây đã vận động nhân dân hiến đất, góp công cùng với Nhà nước xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển

Chính sách đầu tư cho vùng đặc biệt khó khăn được triển khai thực hiện đã góp phần quan trọng trong huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển của huyện. Song song với việc huy động được nhiều nguồn vốn, việc phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách tập trung hơn. Cơ cấu phân bổ vốn đầu tư hướng vào mục tiêu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất kinh doanh. Trong đó, xây dựng kết cấu hạ tầng là một trong những lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu nhằm tạo điều kiện thúc đẩy các ngành kinh tế khác tăng trưởng.

Hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư một cách mạnh mẽ, góp phần vào những thành tựu chung của huyện trong 20 năm qua. Ngày đầu tái lập, toàn huyện chỉ có 15km đường giao thông từ Sơn Hà đến trung tâm huyện mới được thông tuyến. Các tuyến đường xã chỉ là đường mòn. Đến nay, Sơn Tây có 39km đường Trường Sơn Đông đi qua địa bàn các xã Sơn Dung, Sơn Long, Sơn Mùa, Sơn Bua với quy mô cấp IV miền núi; 15km đường tỉnh được nâng cấp bê tông xi măng; 122km đường huyện; 65km đường xã... Hệ thống giao thông thôn, xóm được Nhà nước và nhân dân đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, thúc đẩy phát triển KT-XH, giữ vững an ninh - quốc phòng. Được sự quan tâm của Nhà nước, trên toàn huyện đã xây dựng 91 công trình nước sinh hoạt, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của 3.757 hộ dân.

Hạ tầng đô thị của Sơn Tây từng bước hình thành. Ngày tái lập, tại trung tâm huyện chỉ có vài ngôi nhà tạm đơn sơ, vách nứa, lồ ô, mái tôn và giấy dầu. Đến nay, các cơ quan hành chính cấp huyện cơ bản đã được đầu tư, xây dựng khang trang. Các công trình phúc lợi công cộng như chợ, nhà văn hóa, hệ thống trường học, trạm y tế, cửa hàng bán xăng dầu, cơ sở kinh doanh, buôn bán nhỏ ở rải rác các xã… góp phần thay đổi diện mạo của vùng miền núi xa xôi hẻo lánh - vùng căn cứ địa năm xưa. Chỉ tính riêng doanh thu ngành thương mại - dịch vụ năm 2013 đạt gần 21 tỷ đồng, tăng gấp 58.000 lần so với năm 1994. Từ chỗ chưa có điện lưới quốc gia, đến nay 9/9 xã đã có điện lưới đến trung tâm xã, với số hộ sử dụng điện đạt 88%.

Từ năm 2009, Chương trình 30a về giảm nghèo nhanh và bền vững triển khai trên địa bàn đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần cho đồng bào các dân tộc vùng cao được hưởng các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước; tạo niềm tin vào công cuộc đổi mới đất nước mà Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo.

Xây dựng Sơn Tây ngày càng giàu đẹp

Nhìn lại 20 năm qua, tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của huyện Sơn Tây có nhiều chuyển biến tích cực. Hầu hết chỉ tiêu các ngành kinh tế then chốt đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nhiều chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế và các lĩnh vực xã hội khác không ngừng được đầu tư, phát triển. Tiềm lực kinh tế, an ninh - quốc phòng ngày càng được củng cố và phát triển. Công tác quản lý điều hành của các cấp chính quyền ngày một hiệu lực, hiệu quả hơn.

Kết quả hôm nay của Sơn Tây là sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, sự cần cù, sáng tạo của toàn Đảng bộ, quân và dân huyện nhà. Trong giai đoạn cách mạng mới, Sơn Tây có nhiều thuận lợi nhưng vẫn còn những thách thức đang đặt ra. Điều đó đòi hỏi ý chí, sự nỗ lực và quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng bộ, quân và dân Sơn Tây trong phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp; phấn đấu đạt mức tăng trưởng bình quân từ 14% - 15% năm. Đồng thời phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa - xã hội, phát huy dân chủ, đoàn kết, xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong sạch, vững mạnh, quyết tâm đẩy lùi lạc hậu, giảm nghèo bền vững, thực hiện lộ trình hội nhập, phát triển, văn minh, tiến bộ.

 Lê Văn Tùng


 


.