"Dấu ấn nông nghiệp" trên đất Sơn Tây

08:07, 24/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dẫu vẫn nằm trong tốp 62 huyện nghèo nhất nước, nhưng cái nghèo ở Sơn Tây bây giờ khác 20 năm trước nhiều lắm. Nông dân Sơn Tây không chỉ biết đẩy mạnh phát triển kinh tế,  làm chủ cuộc sống, mà còn đóng góp tích cực vào đổi mới diện mạo nông thôn miền núi trên đất ngàn cau này.

TIN LIÊN QUAN

Người dân Sơn Tây giờ đã biết chủ động giảm nghèo, từng bước làm giàu từ trồng trọt, chăn nuôi dưới sự trợ giúp đắc lực của ngành nông nghiệp huyện. Dấu ấn 20 năm đồng hành cùng nông dân vượt nghèo, xây dựng cuộc sống no cơm, ấm áo của ngành nông nghiệp huyện được ghi lại không chỉ trên những cánh đồng lúa nước, những rừng keo bạt ngàn mà còn biển hiện trong mỗi mâm cơm dưới những nếp nhà của đồng bào Ca Dong Sơn Tây.  

Đưa kỹ thuật tiên tiến vào đồng ruộng

Hai mươi năm trước, cũng chừng ấy diện tích tự nhiên nhưng diện tích dành cho sản xuất chiếm rất ít. Những cánh đồng lúa nước rộng nhất huyện thời ấy chỉ lác đác vài đám ruộng bậc thang con con; giống lúa dài ngày trồng tới 6 tháng mới cho thu hoạch mà kết quả nông dân chỉ thu được 10 tạ/ha.  Không ít nông dân đã tự ý phát rừng làm lúa rẫy, gây ra bao khó khăn cho công tác giữ rừng.

Người dân  khai hoang tạo ruộng lúa nước.
Người dân khai hoang tạo ruộng lúa nước.


Ngày ấy, với sứ mệnh đưa tiến bộ nông nghiệp về với Sơn Tây, những người công tác trong ngành nông nghiệp huyện đã vất vả vượt núi, lội suối về tận các khu dân cư xa xôi hướng dẫn nông dân cách khai hoang trồng lúa nước. Không ít cán bộ phải ở lại cơ sở nhiều ngày để cầm tay chỉ việc cho nông dân, giúp họ biết cày ruộng, gieo sạ, bón phân, giữ nước cho lúa. Nhiều nông dân chưa tin vào “sự kỳ diệu” của cây lúa nước mà cán bộ nói. Họ tỏ ra không mặn mà. Thế nhưng, sau mùa thu hoạch, năng suất lúa nước vượt trội so với lúa rẫy, họ đã tự nguyện làm theo. Những giống lúa mới, thích hợp nhất đã được Phòng Nông nghiệp huyện tìm tòi, giới thiệu đến nông dân. Đất không phụ công người, năng suất lúa trên địa bàn huyện Sơn Tây không ngừng gia tăng qua các năm nhờ áp dụng tiến bộ giống, kỹ thuật canh tác. Từ vài tạ mỗi hécta, nay sản lượng lúa ở Sơn Tây đã lên đến 41 tạ/ha.

Giúp nông dân vượt nghèo

Sau khi cơ bản giúp nông dân đảm bảo lương thực, ngành nông nghiệp Sơn Tây tiếp tục tập trung giúp người dân tìm hướng thoát nghèo. Những mô hình khuyến nông với mục đích “trình diễn” quy trình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả để nông dân học tập, làm theo được đầu tư thỏa đáng. Nhiều mô hình để lại dấu ấn thành công, giúp hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong thoát nghèo như: Nuôi trâu nhốt chuồng, nuôi gà thả vườn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng lúa nước. Đặc biệt, sự “gia nhập” của cây keo, phát triển cây lồ ô ở Sơn Tây đã thực sự tạo ra bước đột phá mới trong sản xuất nông – lâm nghiệp ở huyện nghèo này.

Cây keo – cây giảm nghèo của đồng bào Sơn Tây có mặt trên đất này vào những năm 2005 – 2006. Đến nay nhiều hộ gia đình nhờ bán keo đã có tiền làm lại nhà, mua thêm trâu; chăm lo cho con ăn học. Xã Sơn Lập – xã xa xôi, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng xếp vào diện khó khăn nhất huyện, vào mùa này bạt ngàn một màu xanh thẳm của keo. Ở Sơn Lập, bình quân mỗi hộ dân trồng được một hécta keo. Những khoảng đất trống trước đây chẳng biết trồng gì, nay được người dân đem keo về trồng xanh rì cả một vùng.

Để kịp thời giúp nông dân trồng keo hiệu quả, ngành nông nghiệp huyện đã vào cuộc tìm tòi giải pháp hữu ích trồng và chăm sóc keo để chuyển giao cho nông dân. Dưới sự hỗ trợ vốn của Chương trình 30a về giảm nghèo nhanh và bền vững, ngành nông nghiệp đứng ra tuyển chọn, mua giống keo chất lượng cấp phát cho người dân trồng. Mỗi mùa keo thay lá là khoảng cách đến ngày thu hoạch keo ngắn dần. Mỗi hécta keo xuất bán đã thu về tiền triệu, giúp không ít hộ dân đổi đời, nông thôn đổi mới.

Ở Sơn Tây, 20 năm sau ngày tái lập diện mạo, đời sống người dân đã thực sự đổi thay. Tuy nhiên, với đặc thù riêng, Sơn Tây vẫn xác định kinh tế chủ lực là nông – lâm nghiệp. Vì thế, việc “cùng đồng hành với nhà nông xóa nghèo, làm giàu” của ngành nông nghiệp giữ vai trò hết sức quan trọng. Nói là người dân đã thay đổi nhận thức song không phải ngành nông nghiệp đã hết vất vả trong tuyên truyền, hỗ trợ nông dân bám ruộng, giữ rừng, trồng trọt, chăn nuôi, làm giàu chính đáng. Khuyến nông ở Sơn Tây không chỉ là đưa mô hình xuống giúp dân làm giàu mà còn là giúp người dân biết chủ động sản xuất, chăn nuôi, xây dựng cuộc sống ổn định, từng bước thoát nghèo.

Những kết quả của chặng đường 20 năm với bao dấu ấn đẹp về sản xuất nông nghiệp sẽ là bước đệm quan trọng để Sơn Tây hướng tới xây dựng nền nông nghiệp tiên tiến hơn.

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.