(Báo Quảng Ngãi)- Theo kế hoạch, đến cuối năm 2014 phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn qua Quảng Ngãi. Thế nhưng, đến nay công tác GPMB vẫn còn ngổn ngang khiến cho dự án có nguy cơ về đích không đúng hẹn. Hàng trăm hộ dân chưa di dời
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án công trình giao thông, thuộc Sở GTVT, Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, thuộc địa bàn Quảng Ngãi dài hơn 40km, đi qua 5 huyện, thành phố với hơn 5.100 hộ dân bị ảnh hưởng phải thực hiện phương án đền bù, hỗ trợ và tái định cư (TĐC). Đến nay, công tác GPMB mới chỉ đạt khoảng 75% khối lượng.
Đi dọc tuyến từ huyện Bình Sơn đến huyện Tư Nghĩa, được chia làm ba gói thầu gồm: A2, A3, A4 và A5. Trong đó, gói thầu A4, đoạn Km110+100-Km124+700, dài 14,6km đã được nhà thầu triển khai xây dựng. Thế nhưng, đến nay mới chỉ GPMB đạt 12,5km. Còn 2,1km chưa bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công gồm: Nút giao thông Bắc Quảng Ngãi, phần 10 thửa đất rừng và một số khu dân cư hiện hữu chưa thể di dời vào các khu TĐC.
Đoạn qua xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa vẫn chưa thể GPMB do chưa bố trí TĐC cũng như phương án đền bù. |
Đi dọc tuyến Tỉnh lộ 623B, đoạn qua xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa), thuộc gói thầu A5, hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án vẫn “án binh bất động”. Nhiều hộ dân cho rằng, họ chưa thể nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng bởi chưa có khu TĐC cũng như việc áp giá đền bù chưa hợp lý.
Ông Phạm Văn Thanh - Giám đốc Ban Quản lý công trình giao thông cho biết: “Hầu hết các hộ dân này đều yêu cầu bố trí TĐC dọc theo Tỉnh lộ 623B. Thế nhưng, quỹ đất dọc tuyến đường này không còn. Hiện 28 hộ dân phải tháo nhà cửa di dời vì nằm trong quy hoạch tuyến đường vẫn chưa thể phê duyệt phương án bồi thường về phần đất ở và nhà cửa, vật dụng kiến trúc cũng như di dời vào các khu TĐC. Hiện toàn gói thầu A5, đã thực hiện chi trả tiền bồi thường cho 343 hộ/1.526 hộ dân bị ảnh hưởng”.
Cần đẩy nhanh công tác GPMB
Để đảm bảo công tác GPMB về đích đúng hẹn là cuối năm 2014 và giải quyết cơ bản các tồn tại vào cuối năm 2016, Sở GTVT đã yêu cầu Ban Quản lý công trình giao thông và UBND các huyện cần đẩy nhanh công tác kiểm kê, áp giá và bồi thường để sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu như đã cam kết.
Cái khó trong khâu GPMB là hiện nay còn 38 hộ dân trên địa bàn huyện Sơn Tịnh, được phê duyệt phương án bồi thường vào năm 2013, nhưng vẫn chưa nhận tiền bồi thường. Việc xác định nguồn gốc đất của 14 trường hợp/3 ao cá tại xã Bình Chánh và 15 trường hợp tại khu vực Bàu Sen, xã Bình Trung (Bình Sơn) cũng gặp khó khăn. Ngoài ra, chưa thể giải quyết hết các kiến nghị bồi thường đất hằng năm của 10 hộ dân bị thu hồi đất nằm trong quy hoạch 3 loại đất rừng tại xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh). Chưa phê duyệt phương án bố trí TĐC cho các hộ dân vào ba khu TĐC Ngõ Miên, Đồng Quán và Đồng Cây Sung, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh).
Đối với UBND huyện Sơn Tịnh, chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân vào các khu TĐC, 26 hộ dân được phê duyệt phương án bồi thường năm 2014 nhưng chưa nhận tiền bồi thường. Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện chưa xác định lô đất cần đầu tư tại khu TĐC Đồng Gốc Gáo, xã Tịnh Hà. Huyện Bình Sơn chưa bố trí TĐC cho các hộ dân vào khu dân cư Bàu Mang, xã Bình Chánh dù UBND huyện Bình Sơn đã phê duyệt phương án TĐC. Đối với huyện Tư Nghĩa chưa lập phương án TĐC cho các hộ dân vào 7/8 khu TĐC dù đã hoàn thành. “Kết quả GPMB có những cố gắng nhưng vẫn còn chậm so với mốc thời gian yêu cầu của Sở GTVT. Trong đó, gói thầu A4 chưa hoàn thành bàn giao mặt bằng 100% cho nhà thầu thi công dù gói thầu này đã được khởi công xây dựng” – ông Thanh thừa nhận.
Cũng theo ông Thanh, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thành phố giải quyết các kiến nghị của người dân cũng như phê duyệt các phương án bồi thường để sớm hoàn thành công tác GPMB. “Để hoàn thành công tác GPMB đề nghị UBND tỉnh cần thống nhất đơn giá bồi thường về nhà, đất và vật dụng kiến trúc. Đồng thời chấp thuận địa điểm xây dựng khu TĐC Đồng Gốc Gáo, xã Tịnh Hà, làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo.
Đối với các huyện cần tiếp tục chỉ đạo trung tâm phát triển quỹ đất cùng các phòng chuyên môn, UBND các xã tập trung giải quyết các vướng mắc, tồn tại của dự án qua địa phương. Đồng thời Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) bố trí bổ sung hơn 207 tỷ đồng cho Tiểu dự án GPMB để chi trả tiền bồi thường xây dựng các khu TĐC, khu cải táng mồ mả của dự án” – ông Thanh kiến nghị.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC