(Báo Quảng Ngãi)- Dịch cúm gia cầm đã bị khống chế. Thế nhưng khi nhìn lại công tác ứng phó với dịch, dư luận không khỏi băn khoăn. Đó là ngoài lý do không tiêm phòng cho đàn gia cầm thì vì sao ngay từ đầu, người chăn nuôi lại ngại thông tin dịch bệnh cho ngành chức năng?
TIN LIÊN QUAN |
---|
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra nhiều ổ dịch cúm A/H5N1 khiến hơn 8.700 con gia cầm bị chết và tiêu hủy. Ngoài ra, hơn 6.000 con gia cầm của người dân chết không rõ nguyên nhân.
Do người chăn nuôi “bắt” nhầm bệnh…
Điểm chung của đợt dịch cúm gia cầm xảy ra vừa rồi là những ổ dịch chỉ được phát hiện sau khi xảy ra tình trạng gia cầm chết hàng loạt với số lượng lớn. Nghĩa là, trước đó, gia cầm đã ủ bệnh với triệu chứng bỏ ăn, co giật, thậm chí chết rải rác nhưng chủ hộ lại giấu, không thông báo với cán bộ thú y mà tự ý mua thuốc điều trị. Chỉ đến khi gia cầm chết hàng loạt, rồi thấy gia cầm hàng xóm thiệt mạng vì nhiễm vi rút cúm A/H5N1 thì họ mới tá hỏa… báo cáo xã, rồi xin tiêu hủy ké như trường hợp của hộ ông Nguyễn Ngang ngụ thôn Phú Vinh Tây, thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành).
Giá hỗ trợ thấp chính là nguyên nhân khiến người chăn nuôi giấu dịch. |
Số là ngày 15.2, Chi cục Thú y tiêu hủy đàn gà 400 con của bà Nguyễn Thị Việt do dương tính với cúm A/H5N1, thì ông Ngang cũng vội vàng bắt chục con gà bỏ vào bao, rồi vứt xuống hố chôn. Đồng thời ông Ngang đề nghị cán bộ thú y xã tiêu độc khử trùng xung quanh chuồng nuôi nhà mình. Ngỡ ông Ngang lo xa, nhưng hóa ra, “trước khi đàn gà của bà Việt có chuyện, gà nhà tôi đã chết lai rai hết… 20 con. Nhưng nghĩ nó bị trúng gió bình thường nên tôi không báo xã”, ông Ngang tiết lộ.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Liền ngụ thôn Nga Mân, xã Phổ Cường (Đức Phổ) cũng phải để mất 415/1.450 con vịt mới chịu thông tin cho cán bộ thú y xã. Sự chậm trễ trên được ông Liền phân trần là “nghĩ vịt ăn phải cái gì chứ ai biết nó bị cúm”. Chính vì “bắt” nhầm bệnh như thế nên khi thấy đàn vịt bỏ ăn, một số con co giật, rồi lần lượt chết, ông Liền lại tích cực cho chúng uống kháng sinh mà không thông báo với cán bộ thú y địa phương. Đến khi số vịt chết lên đến 415 con, ông mới vội vã đến UBND xã cầu cứu.
…hay bởi cơ chế hỗ trợ eo hẹp?
Khi dịch bệnh bùng phát, lý do mà người chăn nuôi đưa ra luôn là “không nghĩ gia cầm bị nhiễm vi rút cúm A/H5N1”. Nhưng theo tiết lộ của nhiều chủ hộ thì, cúm A/H5N1 chính là bệnh mà họ nghĩ đến đầu tiên khi thấy đàn gia cầm của mình xuất hiện những triệu chứng bất thường hoặc chết. Thế nhưng tại sao họ lại không thông báo với ngành chức năng để sớm được can thiệp, xử lý? Để giải đáp câu hỏi này, chủ đàn vịt đẻ 2.500 con ở thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) Nguyễn Nở làm phép tính: “Đàn vịt của tôi bình thường có giá 450- 500 triệu đồng. Nếu chúng bị vứt xuống hố chôn vì nhiễm cúm A/H5N1 thì tôi sẽ nhận được 87,5 triệu đồng tiền hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng nếu chúng bệnh mà tôi không báo xã, lặng lẽ bán thì có thể thu được 150 - 250 triệu đồng”.
Như vậy, lý do khiến người chăn nuôi giấu thông tin đàn gia cầm nhà mình mắc bệnh là vì họ sợ chúng bị… tiêu hủy bắt buộc, nếu kết quả kiểm tra dương tính với vi rút cúm A/H5N1. Bởi sau khi tiêu hủy, chủ hộ chỉ được Nhà nước hỗ trợ 30.000 - 35.000 đồng/con. Tiền hỗ trợ chỉ bằng 1/3 giá trị con gia cầm nên họ xót của. Đó là chưa kể tiền hỗ trợ trên k0hông biết đến bao giờ mới đến tay người chăn nuôi để họ tiếp tục tái đàn.
Với những lý do nêu trên nên khi gia cầm mắc bệnh, thay vì thông tin với chính quyền địa phương thì chủ hộ thường chọn cách bán đổ bán tháo những mong gỡ gạc vốn. Dù biết hành động này sẽ làm cho dịch bệnh lây lan và bùng phát ra diện rộng, nhưng theo Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô thì: “Khó trách người dân vì với giá trị thiệt hại quá lớn, họ xót của là lẽ đương nhiên”.
Cũng theo ông Tô thì, trước đây mức hỗ trợ của Nhà nước cho gia cầm bị chết và tiêu hủy do dịch cúm là 70% giá thị trường. Tuy nhiên hiện nay, giá hỗ trợ lại được “cào bằng” 30.000 - 35.000 đồng/con khiến người chăn nuôi mất cả chi phí đầu tư lẫn công chăm sóc.
Do đó, để chia sẻ khó khăn cũng như khuyến khích người chăn nuôi tích cực hợp tác với ngành chức năng trong việc thông tin phát hiện và khống chế dịch bệnh, ông Dương Văn Tô cho rằng, tỉnh nên nghiên cứu, xem xét nâng mức hỗ trợ (chỉ áp dụng với những hộ chấp hành tốt việc tiêm phòng) bằng cách áp theo giá thị trường với tỷ lệ thích hợp, chứ không nên cào bằng như hiện giờ.
Bài, ảnh: MỸ HOA