Kỳ 2: Để ngày vui được trọn vẹn
|
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chủ động nhận thêm việc
Theo thống kê của Phòng GD&ĐT TP.Quảng Ngãi, số trường sẽ sáp nhập vào thành phố là 45 trường/470 lớp với 13.770 học sinh và 1.350 giáo viên (hiện tại thành phố đã có 38 trường với 22.000 học sinh). Do đó, gánh nặng trong quản lý đối với ngành chắc chắn sẽ nâng lên. Tiến sĩ Nguyễn Văn Anh – Trưởng Phòng GD&ĐT TP cho biết, khi có chủ trương sáp nhập một số địa phương để mở rộng thành phố, phòng đã chủ động làm việc với ngành giáo dục Tư Nghĩa, Sơn Tịnh để tiếp nhận toàn bộ hệ thống giáo dục ở các địa phương trên.
Bộ máy chính quyền thị trấn Sơn Tịnh vẫn duy trì hoạt động, phục vụ nhu cầu chứng thực hồ sơ cho công dân. Ảnh: BS |
Qua khảo sát bước đầu, mặt bằng chất lượng giáo dục ở các địa phương nhập về thành phố còn thấp. Cụ thể là, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chỉ 60%, trong khi ở thành phố hiện tại tỷ lệ này là 90%. "Trước mắt là duy trì mọi hoạt động dạy và học diễn ra bình thường. Sau đó, ngành sẽ triển khai các biện pháp để từng bước thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các trường, nhất là các địa phương vùng bãi ngang ven biển. Kiện toàn lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo, bổ nhiệm thêm các chuyên viên để đáp ứng nhu cầu công việc tăng lên và kiến nghị UBND thành phố sớm bố trí xây dựng trụ sở làm việc mới cho phòng.
Thời gian qua, Sở Nội vụ cũng đã phối hợp với các địa phương tổ chức thống kê, lập danh sách các cơ quan, đơn vị; biên chế được giao của tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận và các hội đoàn thể cấp xã và các đơn vị sự nghiệp; đại biểu HĐND; cán bộ, công chức cấp xã; những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; công chức, viên chức các đơn vị sự nghiệp để lập các thủ tục trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh, chuyển giao về TP.Quảng Ngãi quản lý.
Với 13 xã, thị trấn được sáp nhập thì có khoảng 305 cơ quan, đơn vị cần phải thay đổi con dấu. Về con người, cán bộ công chức cấp xã sáp nhập về thành phố 301; số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố là 367 người. Số biên chế được giao ở 45 đơn vị trường học công lập 1.373; cán bộ y tế cơ sở 80 người. Số lượng công chức, viên chức hiện có ở 13 đơn vị hành chính là 272 người… Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho việc tiếp nhận về tài sản, con người… ở 13 đơn vị hành chính sáp nhập vào thành phố đã và đang triển khai tích cực, khẩn trương, đảm bảo hoạt động bình thường từ ngày 1.4.
Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh, ông Phạm Vinh cho biết: “Việc sáp nhập một số xã, thị trấn vào thành phố không gây xáo trộn gì lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để việc bàn giao được tốt, huyện thành lập Ban chỉ đạo từ huyện đến xã. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thuộc diện sáp nhập làm việc cả thứ 7, chủ nhật. Hiện tại, những vướng mắc, tồn tại được huyện tập trung giải quyết xong trước khi bàn giao, sáp nhập. Huyện phấn đấu giải quyết công việc thật tốt để không ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân dân. Đây là cơ hội lớn để các xã, thị trấn sáp nhập phát triển.
Gấp rút nhưng không xáo trộn
Có mặt tại bộ phận chứng thực ở UBND thị trấn Sơn Tịnh, chúng tôi thấy không khí làm việc tại đây vẫn diễn ra bình thường như mọi ngày. Ông Lê Văn Sang, cán bộ tư pháp thị trấn Sơn Tịnh cho biết: Trong tháng 2 và những ngày đầu tháng 3 này, chúng tôi tiến hành công việc bình thường. Trung bình mỗi ngày giải quyết từ 2.000 - 3.000 bộ hồ sơ, gấp 2-3 lần bình thường. Nguyên nhân là một số cán bộ, nhất là giáo viên chứng thực quyết định, bằng cấp để làm thủ tục nâng lương...
Ông Trần Quang Minh- Chủ tịch UBND thị trấn Sơn Tịnh, cho biết thêm: "Mọi hoạt động của UBND thị trấn những ngày qua đều bình thường, mặc dù khối lượng công việc có tăng lên. Việc thị trấn sáp nhập vào thành phố là vinh dự cho địa phương nhưng trách nhiệm cũng sẽ rất lớn, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, công chức của thị trấn phải nỗ lực hơn nữa để phục vụ nhân dân, đưa phường Trương Quang Trọng phát triển ngang tầm với các phường trong nội thành".
Theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ, việc bàn giao, chuyển giao trách nhiệm quản lý giữa các đơn vị hành chính theo địa giới hành chính mới phải tiến hành đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Chuyển số đại biểu HĐND là cán bộ, công chức cấp xã, công chức, viên chức thuộc đơn vị sự nghiệp và nhân dân thuộc huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa được bầu ở 13 đơn vị hành chính cấp xã về HĐND thành phố Quảng Ngãi, để tiếp tục hoạt động theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND…
Về nơi làm việc của huyện Sơn Tịnh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa cho biết: Trước mắt, trong khi chưa xây dựng trụ sở làm việc mới, các cơ quan, đơn vị vẫn tiếp tục làm việc tại trụ sở cũ. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã giao cho Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND huyện Sơn Tịnh nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ưu tiên bố trí vốn thực hiện xây dựng trụ sở làm việc các cơ quan: Huyện uỷ, UBND và các Hội đoàn thể huyện Sơn Tịnh tại vị trí mới.
Ông Phạm Trường Thọ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Lễ công bố Nghị quyết 123/NQ-CP, cho biết thêm: Đây là chủ trương quan trọng của Chính phủ, đáp ứng nhu cầu về phát triển đô thị theo quy hoạch đã được phê duyệt, tạo điều kiện để thành phố phát triển toàn diện, tương xứng với vị trí trung tâm chính trị- kinh tế- văn hoá xã hội của tỉnh, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà. Hiện nay, các địa phương có liên quan đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thực hiện tốt công tác tư tưởng, tạo khí thế phấn khởi, đoàn kết thống nhất trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
B.Sơn- X.Thiên