Mở rộng thành phố Quảng Ngãi: Quyết định hợp lòng dân (kỳ 1)

09:03, 11/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo Nghị quyết 123/NQ-CP ngày 12.12.2013 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính hai huyện Sơn Tịnh và Tư Nghĩa, mở rộng địa giới hành chính TP. Quảng Ngãi sang 10 xã, thị trấn của huyện Sơn Tịnh và 3 xã Nghĩa Hà, Nghĩa Phú, Nghĩa An của huyện Tư Nghĩa, thành lập mới phường Trương Quang Trọng thuộc TP. Quảng Ngãi. Đây là cơ hội rất lớn để các địa phương trên tiếp tục đầu tư phát triển.
 

Kỳ 1: Lạc quan và kỳ vọng

Ngày 1.4.2014, Nghị quyết 123/NQ-CP của Chính phủ mới chính thức có hiệu lực. Dẫu vậy, những ngày qua, người dân ở các địa phương được sáp nhập về TP. Quảng Ngãi rất đỗi vui mừng…

Vinh dự được làm công dân thành phố

Chia sẻ với chúng tôi, người dân các xã khu đông huyện Sơn Tịnh và 3 xã Nghĩa Hà, Nghĩa Phú và Nghĩa An (Tư Nghĩa) không giấu được niềm tự hào khi trở thành công dân của TP Quảng Ngãi. Ai nấy đều bày tỏ sự phấn khởi, lạc quan, kỳ vọng vào sự phát triển khang trang, hiện đại của TP. Quảng Ngãi khi được mở rộng. Vui mừng hơn nữa là, không ít người dân sinh sống trong vùng mở rộng thành phố cũng vạch sẵn cho mình kế hoạch làm ăn trước mắt và lâu dài khi quá trình đô thị hóa đang diễn ra rất mạnh mẽ. Từ trong quán nước đến ngoài đồng ruộng, bãi biển… đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp những nụ cười của người dân, dẫu biết rằng chặng đường phía trước còn lắm gian truân.

 

Phố mới ở xã Tịnh Long.           Ảnh: XT
Phố mới ở xã Tịnh Long. Ảnh: XT


Ông Đỗ Văn Thái (77 tuổi), ở đội 4, thôn Hạnh Phúc, xã Tịnh Ấn Đông (Sơn Tịnh) bảo: “Về thành phố chúng tôi có rất nhiều cái lợi, như đất đai sẽ có giá hơn; khả năng thu hút đầu tư về các vùng quê ở bờ bắc sông Trà sẽ mạnh hơn nhiều so với trước đây. Các dự án sẽ mọc lên, việc làm cho người dân sẽ được cải thiện, thu nhập sẽ cao hơn. Nhờ đô thị hóa, đầu tư cơ sở hạ tầng được đẩy nhanh, mở ra nhiều cơ hội để người dân phát triển dịch vụ”.

Còn ông Nguyễn Văn Ưng ở đội 1, thôn Thống Nhất, xã Tịnh Ấn Tây, tuy đã bước sang tuổi 80 nhưng mấy ngày qua lòng ông vẫn khấp khởi niềm vui. Bởi lẽ với ông, chừng ấy tuổi đời thì không thể nói rằng mong sẽ được hưởng lợi mà ông vui vì TP. Quảng Ngãi không còn “nhỏ như lòng bàn tay” mà tụi trẻ bây giờ ví von. Mà một khi thành phố được mở rộng thì hai bên bờ sông Trà sẽ từng bước không còn cảnh bên lở bên bồi; lô nhô nhà cao, nhà thấp trong đô thị.

Các tuyến đường nội thị, liên thôn, tổ dân phố sẽ từng bước được bê tông hoá và đưa điện về thắp sáng đường quê. Ông Ưng kể, nhà ông cách TP. Quảng Ngãi chỉ con sông Trà Khúc, nhưng nhiều năm qua đoạn đường từ đê bao bắc sông Trà vào xóm 1 của ông chỉ dài 40m mà chưa được bê tông hóa, khiến cho việc đi lại gặp nhiều khó khăn, mùa mưa lầy lội, mùa khô bụi mù trời. “Có lẽ, do ngân sách của xã và huyện Sơn Tịnh có hạn nên chưa làm mà thôi. Giờ sáp nhập vào thành phố rồi hy vọng cảnh mưa bùn, nắng bụi sẽ không còn”, ông Ưng mong ước.

Mong ngày vui đến sớm

Tuyến đường Mỹ Trà- Mỹ Khê nằm trong cung đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh sẽ là điểm nhấn quan trọng cho thành phố khi được mở rộng ra phía bắc sông Trà. Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Truyền, xã Tịnh Thiện tỏ ra vui mừng khi biết ngày ông trở thành công dân thành phố đã đến cận kề. Ông nói, xã đang thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhưng nguồn lực trong dân và chính quyền địa phương có hạn nên những tiêu chí đặt ra khó về đích kịp theo kế hoạch. Hy vọng, khi sáp nhập về thành phố sẽ huy động được nhiều nguồn lực hơn, cuộc sống người dân ngoại thành cũng sẽ xích lại gần hơn với nội thành.

Còn với người dân Tịnh Long- một vựa rau xanh lớn của Sơn Tịnh nay về với TP. Quảng Ngãi thì hy vọng rau xanh của họ không còn là rau "nhà quê" mà sẽ được nâng tầm thương hiệu là rau thành phố, mở ra cơ hội đổi đời cho người dân vùng đất bãi bồi bên dòng sông Trà. Bà Đỗ Thị Oanh ở đội 9, thôn An Lộc, xã Tịnh Long, cho biết, cuộc sống đô thị đang len lỏi khắp các ngõ ngách khu dân cư ở Tịnh Long.

Đi đến đâu người dân cũng hồ hởi, bàn tán chuyện làm ăn. Nhiều khu nhà mới được xây dựng với kiến trúc hiện đại tô điểm thêm sự khang trang cho làng quê trước ngày lên phố. Không ai bảo ai, khi nghe chuẩn bị trở thành công dân của thành phố, ai cũng đều chuẩn bị cho mình một kế hoạch xây dựng nếp sống văn minh đô thị, dẫu biết rằng điều đó không dễ. Ông Trương Thanh Thảo - Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê cho biết: Tịnh Khê là xã có tiềm năng lớn về phát triển du lịch, thương mại dịch vụ, nhưng chưa tập trung đầu tư khai thác tương xứng. Về với thành phố, chúng tôi tin rằng Tịnh Khê sẽ có cơ hội thực hiện tốt hơn những mục tiêu mà địa phương đang gặp khó trước đây.

Đường về khu dân cư Diêm Điền, xã Tịnh Hòa.                 Ảnh: BS
Đường về khu dân cư Diêm Điền, xã Tịnh Hòa. Ảnh: BS


Với người dân ở bờ nam sông Trà xuôi dọc về cửa Đại thuộc các xã Nghĩa Hà, Nghĩa Phú và Nghĩa An cũng cùng chung tâm trạng chờ ngày về thành phố. Có gia đình mở tiệc chào đón tin vui này. "Chúng tôi làm như thế không phải là phô trương mà là để xây dựng thêm niềm tin khi mang trong mình một quê hương mới", chị Hương quê xã Nghĩa Hà chia sẻ. Hiện tại, song song với đường về Phú Thọ là con đường bờ nam sông Trà được đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, nối với đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh sẽ là điểm nhấn đầy thú vị cho thành phố khi mở rộng về phía biển. Đường mở, nhà đầu tư đến mở ra nhiều cơ hội làm ăn mới cho người dân vùng hạ lưu sông Trà là điều tất yếu.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa, cho biết thêm: "Triển khai dự án này là nhằm từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đô thị TP. Quảng Ngãi theo quy hoạch được duyệt, tạo tiền đề để cho sự phát triển đô thị TP. Quảng Ngãi về hướng biển, góp phần đưa TP. Quảng Ngãi đạt đô thị loại II theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra. Khi dự án hình thành (2012-2015) sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư khai thác quỹ đất dọc tuyến để phát triển đô thị và tăng nguồn thu từ quỹ đất cho tỉnh.

Đây còn là tuyến đê bảo vệ thành phố trong mùa mưa lũ". Với ông Đặng Hồng Minh ở thôn Phổ An, xã Nghĩa An thì có cái nhìn đầy suy tư cho tương lai của con em vùng ốc đảo này. Ông nói, về khoảng cách địa lý từ trung tâm thành phố đến xã Nghĩa An thì không phải là xa, nhưng cái xa ở đây là khoảng cách thu nhập, đời sống tinh thần, cơ hội học tập và việc làm... nên đòi hỏi lãnh đạo thành phố phải có tầm nhìn sâu rộng, quyết đoán và vì sự phát triển trong tương lai của thành phố.   

Bá Sơn - Xuân Thiên


 


.