Tết đạm bạc trong những ngôi nhà nhân ái

08:01, 30/01/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Ngoài kia, dòng người đang tấp nập đi mua sắm Tết, trong các ngôi nhà nhỏ đơn sơ vẫn còn nồng mùi vôi vữa, chẳng có gì giá trị ngoài chiếc bàn thờ giản đơn. Thế nhưng, với họ bấy nhiêu đã là quá đủ! Chỉ bấy nhiêu thôi mà họ đã phải cả đời ước mơ.
 
Ngày cuối năm, chúng tôi có dịp trở lại vùng rốn lũ thôn Điện An 3, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa), hơn 2 tháng sau cơn lũ lịch sử, những cánh đồng đã xanh mướt mạ non, những ruộng rau cũng đã xanh biếc ven bãi. 
 
Trong ngôi nhà mới xây xong, anh Trần Văn Thắng thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên cầu mong năm cũ qua đi năm mới được an lành. Người đàn ông này được nhiều người biết đến với mệnh danh là “Thắng cô đơn”, cuộc đời là chuỗi những tháng ngày miệt mài với công việc làm thuê và ẩn mình trong căn nhà dột nát, ẩm thấp.
 
Nói là nhà chứ chẳng qua là một túp lều tạm bợ cao chừng 2,5 mét, vách được xây bằng gạch, chưa được tô trát, trải qua thời gian mưa nắng đã mục nát, mái tôn thủng từng mảng lớn. Căn nhà chỉ đủ để anh kê chiếc gường nằm và bếp lửa để sưởi ấm những ngày mùa đông rét mướt. Cuộc đời gắn liền với từ “không”. Không vợ, không con, không bếp, không nước sinh hoạt… anh nương tựa vào vợ chồng người em ruột vì không đủ tiền tự lo cho bản thân.

 

Trong căn nhà mới vừa mới xây xong hôm qua, anh Thắng và mẹ thắp nén hương khẩn vái tổ tiên ông bà phù hộ năm mới gặp nhiều may mắn.
Trong căn nhà mới vừa mới xây xong, anh Thắng và mẹ thắp nén hương khẩn vái tổ tiên ông bà phù hộ năm mới an lành.
 
Mỗi buổi sáng thức dậy, anh lang thang khắp xóm tìm việc làm thuê kiếm bữa cơm bữa cháo qua ngày. Tối về trời nắng ráo thì không sao, cứ hễ mưa thì trong nhà chẳng khác gì lều chợ. Trời mưa rét, một mình cô đơn nằm co ro bởi chăn màn không đủ ấm. 
 
Sự nghiệt ngã của số phận như thách thức người đàn ông bất hạnh có thân hình gầy còm khi tài sản duy nhất là ngôi nhà đã đổ sập khi trận đại hồng thủy đi qua. Trong lúc tuyệt vọng nhất, anh đã được Nhà nước hỗ trợ 25 triệu đồng để xây nhà mới.
 
Trong ngôi nhà mới diện tích 20 m2 mới xây xong, vách tường còn ẩm ướt, không bánh, không mứt, không thịt… chỉ là không gian trống trơn không có gì ngoài chiếc bàn thờ giản đơn và chiếc giường tre vừa được người em mua cho và mấy bộ quần áo cũ. Chia sẻ về việc mua sắm Tết, anh Thắng bộc bạch: “Không có tiền mình ăn ké của em, nó ăn gì mình ăn nấy. Giờ có cái nhà chui ra chui vào vững chãi thế này là mình mừng lắm rồi! ”. 
 
Tạm biệt anh Thắng, chúng tôi tìm về xóm 2B, thôn Thống Nhất, xã Tịnh Ấn Tây (Sơn Tịnh), ngồi trong ngôi nhà vẫn còn nồng mùi vôi vữa, chị Mai Thị Liền cười tít mắt . Lật dở từng món quà bên trong thùng bánh kẹo Biscafun mà đứa con trai vừa được nhà trường tặng, chị Liền tâm sự: "Vậy là tàm tạm cho cái tết rồi, còn gì hơn chứ?  Ngày mai nếu đỡ bệnh mình lại đi cấy thuê kiếm chút ít tiền mua thịt cho thằng cu ăn Tết. Ăn qua quýt rồi cũng qua ngày!". 
 

 

Chị Liền cười tít mắt vì con trai nhận được quà Tết.
Chị Liền cười tít mắt vì con trai nhận được quà Tết.
 
Trò chuyện với cụ Nguyễn Thị Toa (84 tuổi), mẹ chị Liền, tôi mới hay, sinh thời không may mắn như những ngày bình thường có trí tuệ minh mẫn, chị mang trong mình căn bệnh thiểu năng trí tuệ. Không hoàn hảo, chị không dám mơ đến một ngày sẽ xây dựng hạnh phúc gia đình nên chị quyết định tự túc kiếm con nuôi để nương tựa tuổi xế chiều.
 
Đứa con ra đời trong niềm hạnh phúc vỡ òa của gia đình chị. Và cũng bắt đầu từ đấy, chị quanh năm gắn liền với việc làm thuê kiếm tiền nuôi con và mẹ già. Bữa đói bữa no hậu quả là những cơn đau co thắt của căn bệnh dạ dày thường xuyên hành hạ chị. 
 
“Nó mà không đau thì giờ nằm ngoài đồng chứ có đâu ở nhà. Đi dặm lúa thuê được 400 nghìn nó mua được bao gạo còn thịt thà chưa có. 10 nghìn đậu hũ hai mẹ con ăn hai ngày. Vậy cũng mừng lắm rồi. Ăn mặc rách thì họ biết chứ mình ăn cực khổ trong nhà chẳng ai biết”. 
 
Chắp nối câu chuyện bằng giọng run rẩy, cụ Toa tiếp lời: “Nó được Hội Phụ nữ hỗ trợ 20 triệu đồng, rồi được anh em, hàng xóm cho mượn thêm nên xây được cái nhà mới. Còn nợ 6 chỉ vàng trời cho mạnh giỏi từ từ làm lụng tích góp nó trả. Ở cái tuổi gần đất xa trời thấy nó có nhà ở tui mừng không ngủ được”.
 
Tết đối với mỗi con người đều có một ý nghĩa khác nhau. Thật hạnh phúc, may mắn cho những ai được sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà ấm cúng để tiễn đưa một năm cũ đã qua, cầu chúc cho năm mới sắp đến gặp nhiều an lành. Nhưng, không phải ai cũng có được niềm hạnh phúc đó. Còn nhiều những gia đình nghèo, những con người bất hạnh mâm cơm ngày Tết còn đạm bạc. Mùa xuân mới đã về, vượt lên khốn khó bằng nghị lực cá nhân, sự chung tay góp sức của chính quyền địa phương đã phần nào giúp bà con thấy ấm lòng trong những ngôi nhà mới.
 
Chia tay anh Thắng, chị Liền, cụ Toa cuối buổi chiều, ánh mắt mọi người nhìn theo xe chúng tôi thật khó quên. Từ ánh mắt sáng bừng ấy hiện rõ ước mơ vươn lên, vượt qua những thử thách của cuộc đời. Hy vọng rằng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tấm lòng của các nhà hảo tâm sẽ là nguồn tiếp sức, giúp cho ước mơ của họ trở thành hiện thực trong tương lai không xa.
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 

.