(Baoquangngai.vn)-
Dù đi vào hoạt động gần 10 năm nay, Trung tâm giáo dục lao động xã hội Quảng Ngãi vẫn chưa thể thực hiện chức năng dạy nghề cho học viên. Điều đáng nói, nguy cơ không có nghề sau cai nghiện sẽ kéo thêm nguy cơ tái nghiện và là con đường sớm nhất để dẫn đến HIV/AIDS.
Theo Nghị định 94 của Thủ tướng Chính phủ, với thời gian cai nghiện ma túy từ 12 đến 24 tháng, người cai nghiện ma túy sẽ được lao động trị liệu, giáo dục thay đổi hành vi và được dạy nghề trước khi tái hòa nhập cộng đồng. Dạy nghề là nhiệm vụ quan trọng nhằm giúp học viên có việc làm khi trở về với đời thường, hạn chế tình trạng tái nghiện trở lại và giảm thiểu nguy cơ bị nhiễm HIV/AIDS.
Tại Quảng Ngãi, dù đã đi vào hoạt động từ năm 2004, Trung tâm giáo dục lao động xã hội vẫn chưa thể mở lớp đào tạo nghề cho học viên cai nghiện. Đó là điều rất thiệt thòi cho các học viên. Mỗi năm có khoảng 60 lượt học viên được tiếp nhận điều trị cai nghiện tại trung tâm. Hiện tại trung tâm đang quản lý, cai nghiện cho 26 người nghiện ma túy. Hầu hết các học viên bước vào con đường nghiện ma túy đều không có việc làm, không nghề nghiệp. Do đó, họ mong muốn được đào tạo nghề khi bước vào thời gian cai nghiện tại Trung tâm.
|
Ngoài thời gian lao động trị liệu, các học viên cai nghiện vẫn chưa được đào tạo nghề để tái hòa nhập cộng đồng, tránh xa con đường nhiễm HIV/AIDS. |
Anh Trần Minh H. chỉ còn 3 tháng nữa sẽ kết thúc thời gian cai nghiện. Công việc hằng ngày của anh là lao động trị liệu, giáo dục thay đổi hành vi. Mong mỏi được học nghề mộc của anh đến lúc này coi như không thành, anh H. chia sẻ: “Tôi đang rất lo rằng khi mình trở lại cộng đồng sẽ làm nghề gì để sinh sống, nuôi vợ con. Bây giờ còn ở Trung tâm thì tinh thần thoải mái, không còn nghĩ đến ma túy nữa. Nhưng nếu sau này không có việc làm ổn định thì…”. Bỏ lửng câu nói, anh H. thể hiện rõ sự lo lắng về tương lai còn mù mịt ở phía trước.
Đó cũng là tâm sự của hầu hết các học viên đến cai nghiện tại Trung tâm. Nằm trong 4 nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, người sau cai nghiện ma túy lại ít được tiếp cận nguồn vốn vay và được đào tạo nghề nhằm giúp họ có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng.
Đến nay, Trung tâm giáo dục lao động xã hội đã đầu tư 2 tỷ đồng để xây dựng phòng học lý thuyết, thực hành và trang bị nhiều máy móc để đào tạo cho học viên cai nghiện. Tuy nhiên đến nay, khu nhà ấy lại nằm trong tình trạng cửa đóng im ỉm. Phần vì nghề may không phù hợp với học viên, phần vì không đúng theo luật.
|
Khu dạy nghề may tại Trung tâm giáo dục lao động xã hội vẫn đóng cửa im ỉm vì nhiều lý do. |
Ông Nguyễn Thu Trang- Giám đốc Trung tâm giáo dục lao động xã hội Quảng Ngãi cho hay: Cái khó nhất hiện tại là Trung tâm không có giáo viên dạy nghề. Thêm vào đó, nếu mở lớp dạy nghề cho học viên thì phải tuân thủ theo Luật dạy nghề với đủ số lượng học viên, trong khi số học viên cai nghiện tại trung tâm lại không đủ theo Luật.
Riêng phần kinh phí dạy nghề cho người nghiện ma túy của năm 2013 là 10 triệu đồng vì không tổ chức dạy nghề cho người nghiện do những khó khăn đặc thù tại Trung tâm đã có ý kiến phải thu hồi lại cho ngân sách. Người nghiện ma túy lại đứng trước nguy cơ kỳ thị và vòng luẩn quẩn không có việc làm và có thể tiếp tục nghiện trở lại.
Con số 10% học viên tại Trung tâm bị nhiễm HIV/AIDS đã phản ánh đúng vòng luẩn quẩn ấy. Và con số này sẽ tiếp tục tăng cao nếu người nghiện ma túy không chấm dứt hành vi sử dụng ma túy, không có cơ hội việc làm sau cai nghiện.
Bài, ảnh: Thanh Phương