10% dân số Nam Phi bị nhiễm HIV

10:11, 30/11/2013
.

Nhân Ngày thế giới phòng chống AIDS (1/12), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) ra báo cáo cho biết, thế giới đạt tiến bộ lớn trong việc ngăn chặn tình trạng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, nhưng cần lưu ý nhiều hơn tới nhóm trẻ vị thành niên. Các nước trên thế giới tiếp tục thực hiện khẩu hiệu “Không lây nhiễm mới, không kì thị, không còn ca tử vong do AIDS”.

Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Guy Ryder cho biết, việc tăng nhanh số người được tiếp cận điều trị là một trong những thành tựu nổi bật nhất của cuộc chiến chống AIDS toàn cầu. Hiện nay, đã có gần 10 triệu người được điều trị bằng thuốc với giá thấp hơn nhiều lần so với trước đây.
 

 Nam Phi vẫn là nước có số người nhiễm HIV cao nhất thế giới (Ảnh minh họa: LHQ)
Nam Phi vẫn là nước có số người nhiễm HIV cao nhất thế giới (Ảnh minh họa: LHQ)


Một thành tựu khác là theo báo cáo mới của UNICEF, từ năm 2005 - 2012, các nước có thu nhập thấp và trung bình đã ngăn chặn được hơn 850.000 ca mắc mới ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này, số ca tử vong do AIDS trong độ tuổi từ 10 - 19 đã tăng 50%, từ 71.000 ca lên 110.00 ca.

Năm 2012, ước tính có 2,1 triệu trẻ vị hành viên sống chung với HIV. Theo các chuyên gia phân tích, đến năm 2014, nếu thế giới đầu tư 5,5 tỷ USD thì đến năm 2020, có thể tránh lây nhiễm cho hai triệu trẻ vị thành niên, đặc biệt là những em gái.

Hiện, Nam Phi vẫn là nước có số người nhiễm HIV cao nhất, khoảng 6 triệu người (chiếm hơn 10% dân số). Chủ tịch Hội đồng Phòng chống AIDS quốc gia của Nam Phi Fareed Addullah, chỉ ra những nguyên nhân chính làm lây lan bệnh: “Nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc HIV còn cao ở Nam Phi. Đó là nghèo đói, những vấn đề liên quan đến lao động di dân, sự bất bình đẳng giới, bạo hành gia đình. Tình trạng lạm dụng rượu, gia đình tan vỡ cũng là những yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm”.

Năm nay, Chính phủ Nam Phi tích cực vận động thực hiện chương trình xét nghiệm HIV, nhằm đạt mục tiêu không còn ca mắc mới và chấm dứt sự kì thị đối với người có HIV. Nam Phi đã cho ra thị trường một liều thuốc điều trị AIDS duy nhất trong ngày, thay vì nhiều viên như trước đây.

Thuốc một liều duy nhất có tên là Atroiza (là thuốc ARV kết hợp 3 trong 1) nhằm đơn giản hóa phác đồ điều trị cho bệnh nhân, giá rẻ hơn và tiện dụng. Với loại thuốc này, Chính phủ Nam Phi chỉ phải chi 10 USD cho một bệnh nhân trong 1 tháng so với 43 USD như trước đây.

Tại Ấn Độ, số người nhiễm HIV cũng giảm mạnh. Vào đầu những năm 2000, Ấn Độ là điểm nóng về bệnh AIDS với dự báo có thể vượt tiểu vùng Sahara châu Phi, trở thành trung tâm của bệnh AIDS trên toàn cầu. Nhưng nhờ các biện pháp can thiệp kịp thời của chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế, Ấn Độ đã thành công trong việc ngăn chặn sự bùng nổ các ca nhiễm mới.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là nguy cơ lây nhiễm còn cao ở một số nhóm đối tượng đồng tính nam, người hành nghề mại dâm, người chuyển giới, lái xe tải, người tiêm chích ma túy.

Các chuyên gia Liên Hợp Quốc cũng đánh giá cao những cố gắng của Ukraine trong việc ngăn chặn lây nhiễm và đang là tấm gương cho các nước Đông Âu và châu Á. Giới chuyên môn cho rằng, cuộc chiến chống AIDS sẽ hiệu quả hơn nếu thế giới đầu tư thêm cho các dự án phòng chống và không tự mãn với những gì đạt được.

Những biện pháp can thiệp có tác động hiệu quả vẫn là: xét nghiệm tự nguyện, sử dụng bao cao su, điều trị thuốc, ngăn chặn lây nhiễm từ mẹ sang con, tự nguyện cắt bao quy đầu ở nam giới, tuyên truyền để thay đổi hành vi, các chương trình phòng chống nhằm vào các nhóm nguy cơ cao./.

 


Theo Trần Nga/VOV


.