Vụ án giết, cướp gia đình trưởng ngân hàng

08:11, 21/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tròn 33 năm trôi qua, ông Lê Quý Cát (83 tuổi), ở thôn Thanh Lâm, xã Phổ Ninh  (Đức Phổ) vẫn không quên giây phút kinh hoàng ngày 6.11.1980. Tên sát nhân đội lốt sinh viên đã bắn chết người vợ yêu quý của ông và bắn ông trọng thương. Hung thủ bị vạch trần sau đó và nhận bản án thích đáng của pháp luật. Nhưng đối với ông Cát, nỗi đau mất đi người vợ không có gì bù đắp được.

TIN LIÊN QUAN

Án mạng mùa lụt năm Canh Thân

Những ngày đầu tháng 11.2013, chúng tôi đến thăm ông Lê Quý Cát, khi ông vừa lo xong giỗ cho người vợ xấu số. Tuổi đã già cộng những vết thương cũ bị kẻ cướp bắn nên chân tay của ông càng yếu hơn, đi phải chống gậy. Nhưng khi kể lại vụ việc cũ, ông Cát nhớ cặn kẽ từng chi tiết.

Ngày 6.11.1980 (năm Canh Thân), đúng thời điểm Quảng Ngãi bị lũ lụt lớn, nhiều nơi bị chia cắt. Trời xẩm tối, ngôi nhà bên đường chỉ có ông Cát và vợ là Đỗ Thị Lần (SN 1937) đang lui cui đun bếp nấu cơm tối. Lúc này một thanh niên lạ mặt trùm áo mưa vào sân nhà ông Cát bảo rằng bà Lần có mua gạo không.

 

Ông Lê Quý Cát chỉ ngón tay bị mất do tên cướp bắn.
Ông Lê Quý Cát chỉ ngón tay bị mất do tên cướp bắn.


Theo đối tượng này giới thiệu là công nhân của Công ty Nông trường 24.3 cần bán gạo. Nghe vậy bà Cát đồng ý mua. “Trời nhá nhem tối, nghe đối tượng bảo do nước lụt nên xe thồ phải dừng trên đoạn cầu Cây Gáo. Tôi bảo vợ ở nhà, để tôi đi theo đối tượng lên cầu đẩy xe thồ gạo. Khi vừa đến cầu, tôi không thấy xe thồ nên quay đầu hỏi đối tượng. Lúc này liếc thấy đối tượng rút khẩu súng ngắn trong người ra bắn tôi. Với kinh nghiệm từng ở chiến trường, tôi liền nhảy xuống cầu. Tuy nhiên đối tượng bắn liên tiếp nhiều phát làm tôi bị thương”. Một viên đạn bắn trúng tay, một viên xuyên từ bàn chân lên đến đùi. Dù bị thương nặng, ông Cát vẫn cố hết sức lặn chui qua cầu và bơi về hướng bắc. Trong khi đó, đối tượng cầm súng đi dọc cầu xem ông Cát chết chưa, hoặc ngoi lên là bắn cho chết.

Bà Lần đang ở nhà, nghe tiếng súng biết chuyện chẳng lành vội chạy lên xem sao. Vừa gặp đối tượng trên, bà hỏi “Mày dẫn chồng tao lên đây, vậy chồng tao đâu?”. Vừa nói dứt câu, tên sát nhân lạnh lùng gí súng vào đầu bà Lần bắn một phát làm nạn nhân chết tại chỗ. Tưởng hai vợ chồng chết, tên cướp về lại ngôi nhà ông Cát lục tìm vàng để lấy. Tìm một lúc không thấy vàng, đối tượng nhanh chóng bỏ đi.

Về phần ông Cát sau khi cố gắng hết sức bơi cách cầu Cây Gáo 20m, ông lết vào bờ ruộng và được người dân phát hiện đưa đi cấp cứu. Do vết thương quá nặng, ông Cát chuyển ra Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi điều trị. Người vợ bị bắn chết, nhưng gần 1 tháng sau ông Cát ra viện mới biết tin. Mọi người cố giấu trong thời gian điều trị, vì sợ ông không chịu nổi nếu biết tin xấu.

Vạch trần kẻ gây án

Ngay sau khi vụ án xảy ra, Trưởng Công an huyện Đức Phổ lúc bây giờ là ông Võ Minh Châu cùng tổ công tác Công an huyện đã trực tiếp có mặt tại hiện trường điều tra vụ việc. Tỉnh Nghĩa Bình (lúc này gồm 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định) xảy ra lũ lụt lớn, nhiều nơi chia cắt nên Công an tỉnh không thể về Đức Phổ kịp khám nghiệm tử thi, hiện trường.

Đại tá Trần Hoàng Triệu – nguyên Chánh thanh tra Công an tỉnh Quảng Ngãi, lúc bây giờ là Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Đức Phổ nhớ lại: Được sự chỉ đạo của Công an tỉnh, Công an huyện bắt tay ngay vào các công việc khám nghiệm hiện trường, phối hợp bác sĩ y tế huyện khám nghiệm tử thi, tập trung điều tra vụ việc. Công an huyện Đức Phổ rà soát các đối tượng nghi vấn ở địa phương nhưng vẫn chưa ai rơi vào tầm ngắm.

Vụ việc cũng đặt ra nhiều nghi vấn, như đây là vụ án giết cướp, hay vì mâu thuẫn gia đình, hay tranh giành địa vị trong cơ quan ngân hàng... Bởi ông Cát là Trưởng Ngân hàng Đức Phổ, vợ buôn bán nhiều năm. Nhìn qua ai cũng nghĩ gia đình giàu có, trong khi đó vợ chồng không có con cái. “Riêng vết thương ở chân ông Cát rất lạ. Viên đạn xuyên từ bàn chân theo ống chân rồi lên đến đùi. Vậy nạn nhân bị bắn trong tư thế nào? Đó là câu hỏi làm cho Ban chuyên án không khỏi phân vân, thắc mắc”, Đại tá Trần Hoàng Triệu kể lại.

Qua xác minh, Công an huyện Đức Phổ có được một số nguồn tin quan trọng. Bằng biện pháp nghiệp vụ Công an huyện đặt nghi vấn vào đối tượng Trần Huệ (SN 1956) ở thôn Thanh Lâm, xã Phổ Ninh. Đối tượng đang là học sinh Trường Công nhân kỹ thuật cơ điện Quy Nhơn. Từ những chứng cứ thu thập được, Công an huyện Đức Phổ bắt đối tượng Trần Huệ khi đang ở với người yêu tại xã Đức Lân (Mộ Đức). Tiếp đó, lực lượng Công an cũng đã bắt đối tượng Lương Ngọc Quang, ở huyện Hoài Nhơn, học cùng trường với Huệ. Đối tượng này cung cấp súng Kol 45 cho Trần Huệ gây án.

Khai nhận tội lỗi của mình, Trần Huệ cho biết: Nghe mọi người đồn gia đình ông Cát giàu, hiện có 67 cây vàng nên đối tượng nổi lòng tham. Là học sinh học tại  thị xã Quy Nhơn, Trần Huệ thường xuyên xa nhà. Đây là lớp vỏ bọc tránh nghi vấn của Cơ quan điều tra. Huệ khai nhận lên kế hoạch, dụ ông Cát ra ngoài nhà rồi bắt trói. Sau đó về uy hiếp bà Lần đưa hết tài sản cho y. Cướp được vàng, tự tay y dùng súng bắn chết hai vợ chồng. Tuy nhiên kế hoạch của y không như ý muốn, không thể sát hại được ông Cát cũng như lấy đi tài sản. Với tội giết người cướp của, Trần Huệ nhận bản án tử hình.

Nghĩ về người vợ xấu số, ông Lê Quý Cát không khỏi xúc động. Ông nói: “Cuộc đời của bà luôn phải chịu thiệt thòi, bà không may mắn như nhiều người phụ nữ khác. Năm 1953, tôi và bà lấy nhau sinh được đứa con nhưng bị bệnh chết sau đó. Năm 1954, tôi tập kết ra Bắc. Năm 1962, tôi hoạt động cách mạng tại chiến trường miền Nam. Chờ đến khi năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam tôi mới gặp bà. Tính ra bà chung thuỷ, chịu khổ, chịu khó chờ đợi tôi suốt hơn 20 năm. Chiến tranh không chia cách được chúng tôi, vậy mà chỉ vài năm sau hoà bình thì kẻ thủ ác lại cướp đi tính mạng vợ tôi”.


      Bài, ảnh: THÀNH SỰ

 


.