(Báo Quảng Ngãi)- Mùa đông đã bắt đầu. Những cơn mưa như trút nước kèm theo gió bấc thổi về, nhưng người già neo đơn, trẻ em mồ côi ở "mái nhà chung" Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh vẫn ấm lòng. Họ đang được chăm sóc trong tình thương yêu và đầy trách nhiệm của những cô, những chị ở trung tâm này.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tình người
Hơn 4 năm qua, sáng nào chị Bùi Thị Thu Mai ở xã Nghĩa Dõng (TP. Quảng Ngãi) cũng dậy từ rất sớm để lo việc gia đình và đến Trung tâm làm việc. Công việc bắt đầu một ngày của chị là quét dọn, lau nhà, giặt giũ quần áo cho người già và chăm sóc các cháu nhỏ... Hôm chúng tôi đến dãy phòng dành cho người già, từ bên ngoài hành lang đến bên trong đều sạch sẽ. Giường chiếu được xếp gọn gàng, mền gối tinh tươm. "Chuyện bếp núc, giặt giũ không mệt bằng những lúc các cụ có chuyện bực mình. Các cụ đến trung tâm thường không có người thân. Có cụ bị bệnh, bị mất trí nhớ nên mình hiểu và quan tâm cụ nhiều hơn", chị Mai bộc bạch.
Hàng ngày, chị Mai, chị Thanh và nhiều chị khác thay phiên nhau chăm sóc người già tại Trung tâm. |
Ở Trung tâm có 35 cụ, mỗi người có mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều không có nơi nương tựa. Chị Mai đảm nhiệm chăm sóc 13 cụ. Có 3 chị, hằng ngày cùng làm việc như chị Mai cũng rất nhiệt tình và cần mẫn trong công việc.
“Tuổi già làm sao tránh khỏi chuyện đau ốm đột ngột. Do vậy, điện thoại lúc nào cũng phải để ở đầu gường. Nửa đêm, thấy số máy từ Trung tâm gọi là đi ngay!”, chị Nguyễn Thị Thanh - Trưởng phòng Chăm sóc nuôi dưỡng, y tế chia sẻ. Hằng ngày, chị Thanh còn dành thời gian tâm sự với các cụ để hiểu tâm tư mà kịp thời chia sẻ, động viên. "Các cụ già cả nên khó tính. Mình chào hỏi, mời cơm mà thiếu nhiệt tình là các cụ bỏ cơm ngay. Biết vậy, nên bản thân mình có điều gì phiền hà thì phải bỏ ngay ngoài cổng Trung tâm để làm việc cho tốt", chị Thanh kể.
Đang trò chuyện cùng chị Thanh, bỗng có vài em, hớt hải chạy đến kêu to: "Mẹ, em Tường bị tai nạn rồi". Cả cơ quan bỗng nháo nhác. Người hỏi thăm, người lo lắng. Chị Thanh vội chạy lên bệnh viện. Các cụ cố gượng dậy để nghe ngóng. Chứng kiến nỗi lo lắng của các chị và cả những người nương dựa ở trung tâm, càng hiểu thêm tình người ở mái "nhà chung này". Bà Nguyễn Thị Kim (73 tuổi), bảo: ""Mấy cô bận bịu lắm! Vừa lo cho người già lại phải lo cho các cháu mồ côi. Mấy ngày qua, trời chuyển mùa, các cô cứ thay phiên nhau túc trực nửa đêm, gà gáy lo cho người nằm một chỗ. Giờ lại lo tai nạn...".
Niềm vui
Ở trung tâm hiện có 25 chị thường ngày chăm sóc cho 75 cháu mồ côi, 35 người già là đối tượng xã hội và chính sách. Làm việc vất vả, nhưng các chị cảm thấy vui mỗi khi em này ra trường có việc làm, em kia học hành tiến bộ hay các cụ sống khỏe, thêm tuổi thọ. Chị Nguyễn Thị Thanh bồi hồi nhớ lại: "Hồi đó mẹ VNAH Phạm Thị Khéo yếu sức lắm. Các chị hết đưa mẹ lên bệnh viện rồi đưa về đây chăm nom. Lúc rảnh rỗi, ngồi kề bên mẹ, các chị cứ tỉ tê, khuyên mẹ bớt đau buồn. Nhờ vậy, mà mẹ sống thêm được nhiều năm".
Còn cháu Nguyễn Thị Phi Phụng, hiện là học sinh lớp 10 chuyên Văn, Trường THPT Chuyên Lê Khiết, Phụng có tố chất thông minh, học giỏi từ nhỏ. Thế mà lên lớp 9, Phụng đã theo bạn bè ham chơi, bỏ bê việc học. Chị Thanh phải kiên trì gặp cháu và khuyên răn. Một lần, hai lần rồi nhiều lần, cháu Phụng cũng hiểu ra nên chuyên cần học tập và thi đậu vào Trường Chuyên Lê Khiết.
Nhờ sự nhiệt tình chăm sóc, nuôi dạy của các cô nên đến nay trong 75 cháu mồ côi đã có 13 cháu học nghề. Nhiều em đã có việc làm. Có em như Lê Thị Hạnh sau khi học xong đã trở về trung tâm làm việc, chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ khuyết tật để đỡ đần cho các mẹ. Hạnh bảo: "Càng làm việc ở đây, em càng thấm thía thêm công việc của các mẹ lo cho bọn em ngày trước ". Ngày xưa, các mẹ dạy cho tụi em từ những việc nhỏ nhặt nhất như chuyện ăn uống, đến việc sắp xếp đồ đạc ngăn nắp, lễ phép với người lớn, định hướng trong cách chọn nghề, chọn bạn đời... Các mẹ tận tình thương yêu, lo lắng như cha mẹ ruột của mình vậy. Giờ gắn bó với công việc này, em sẽ dành trọn tình thương để cùng với các mẹ chăm sóc các em có hoàn cảnh như mình nên người".
Bài, ảnh: MAI HẠ