(Baoquangngai.vn)- Dù đã hơn 10 ngày trôi qua, nhưng hậu quả khủng khiếp của trận lũ lịch sử vẫn còn hiện hữu rõ ràng tại “rốn lũ” Hành Tín Đông (Nghĩa Hành). Người dân nơi đây đang bắt đầu ổn định lại cuộc sống trong nhiều gian khó.
Thu dọn “núi bùn”
Nếu như những vùng ngập lụt khác, chỉ cần nước rút là người dân có thể trở lại cuộc sống bình thường, thì ở xã Hành Tín Đông, sinh hoạt của người dân vẫn còn gắn liền với hậu quả do lũ mang lại. Hàng tấn bùn đất bám dày cứng ở khắp nơi, từ các trụ sở đến những con hẻm nhỏ.
“Như vầy là đỡ rồi. Chứ chỉ cách đây chừng 3 ngày thôi, các con đường về thôn còn bị ứ lại vì bùn. May mà xã huy động được cán bộ, nhân dân cùng với sự trợ lực của quân đội thì đường mới thông được”- ông Đào Thanh Công- Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông cho hay. Tuy nhiên, dù đã rất “đỡ”, nhưng cái lầy lội và từng mảng bùn lớn, dày cộm vẫn hiện hữu ở khắp nơi.
|
Cán bộ, nhân dân được huy động xử lý bùn đất tại UBND xã Hành Tín Đông |
Sáng 26.11, hơn 50 cán bộ, chiến sĩ của Trung tâm xử lý bom mìn và môi trường Quân khu 5 đã có mặt tại xã Hành Tín Đông để thu dọn “núi bùn”. Hàng chục xe công nông được điều động tới các trụ sở để chở bùn bẩn đi xử lý. Trụ sở UBND xã Hành Tín Đông đến lúc này vẫn ngập ngụa trong bùn đất.
Sau khi dọn sạch tại UBND xã và 2 trường học đóng trên địa bàn xã, Thiếu tá Bùi Duy Hưng- Chính trị viên Trung tâm xử lý bom mìn và môi trường Quân khu 5 cho hay: Trước khi đến đây, chúng tôi đã được điều động đến vùng lũ An Nhơn, Bình Định để giúp bà con khắc phục. Dù biết lũ rất kinh khủng, nhưng khi tới nơi này, chúng tôi vẫn hết sức kinh ngạc, vì hậu quả mà nó gây ra cho địa phương quá nặng nề.
Đến lúc này, học sinh đã đi học trở lại bình thường trong điều kiện vô cùng thiếu thốn. Theo thầy hiệu trưởng Trường THCS Hành Tín Đông Nguyễn Minh Phương, trận lũ lịch sử đang gây nhiều khó khăn cho gia đình các học sinh. Sách vở, quần áo của nhiều em bị trôi sạch. Do đó, nhà trường phải huy động, xin cấp trên sách vở cho các em học. Nhà trường cũng mong muốn được miễn giảm học phí cho các em, góp phần giảm bớt khó khăn ban đầu cho gia đình và hạn chế việc bỏ học giữa chừng.
|
Đến lúc này, học sinh đã đi học trở lại bình thường nhưng vẫn còn nhiều thiếu thốn |
Nơm nớp nỗi lo dịch bệnh bùng phát
Cùng với việc xử lý bùn đất, khó khăn lớn nhất của địa phương vẫn là công tác xử lý môi trường, khôi phục sản xuất nông nghiệp để xuống giống vụ đông xuân theo đúng lịch thời vụ của ngành nông nghiệp.
Trận lũ vừa qua, đã gây ra thiệt hại hơn 20 tỷ đồng cho xã Hành Tín Đông với 17 con bò, 180 con heo, hơn 6.300 con gia cầm bị chết, mất tích… Đến thời điểm hiện tại, ngành chức năng đã xử lý, chôn 75 con heo, 500 gia cầm chết trong lũ. Như vậy, số lượng lớn heo, gà, vịt mất tích hoặc bị chôn vùi đã gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh.
Gia đình bà Lâm Thị Hương ngụ thôn Nhơn Lộc 2, xã Hành Tín Đông bị mất 4 con bò và nhiều heo gà trong đợt lũ vừa qua. Đến lúc này, gia đình bà đã làm lại chuồng, sửa sang nhà cửa và chú trọng đến việc vệ sinh chuồng trại, bảo vệ 3 con bò còn sống sót.
Bà Hương lo lắng chia sẻ: Sau lũ, giếng nước nhà tôi đã được cán bộ y tế đến hướng dẫn khử trùng. Cán bộ thú y thì chỉ cách vệ sinh chuồng trại. Nhưng tôi vẫn còn rất lo việc heo, gà chết rồi bị vùi lấp đâu đó quanh nhà sẽ là ổ bệnh nguy hiểm cho đàn bò may mắn thoát chết.
Đó cũng là nỗi lo của nhiều nông dân ở xã Hành Tín Đông. Với họ, việc mất đi vài con bò, con heo trong lũ, chẳng khác gì như mất đi một khúc ruột. Sau khi lũ rút, những vật nuôi còn sót lại là niềm động viên lớn để họ bắt đầu lại. Nhưng nếu dịch bệnh cứ tiềm ẩn, rình rập và có thể cướp đi tài sản còn lại bất cứ lúc nào, thì quả là điều rất kinh khủng với họ.
|
Nhiều hộ nông dân xã Hành Tín Đông lo vệ sinh chuồng trại sạch sẽ phòng dịch bệnh lây lan |
Ông Lê Văn Huynh- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Nghĩa Hành cho biết: Với những xác heo, gà, vịt chết, chúng tôi đã xử lý đúng quy trình nhằm ngăn ngừa ô nhiễm. Tuy nhiên, vẫn còn một số lượng xác gia cầm, gia xúc chết bị vùi trong bùn đất vẫn chưa thể tìm thấy. Đây là ổ bệnh có nguy cơ lây lan lớn, do đó chúng tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm và xử lý.
Cùng lúc này, ngành y tế vẫn tiếp tục phối hợp với ngành thú y, xử lý chuồng trại và môi trường xung quanh thật cẩn thận để làm yên lòng người dân. Bỏ qua những cản ngại về mất mát tài sản và bùn đất ở khắp nơi sau lũ, nhân dân vùng rốn lũ Hành Tín Đông đang tìm cách gượng dậy từng ngày.
Bài, ảnh: Thanh Phương