Người dân chê tái định cư

01:10, 22/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi tuần 2 lần, gia đình anh Lê Văn Đạo, ở thôn Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận (Bình Sơn) đều quay về căn nhà của gia đình đã xây dựng trong khu tái định cư để dọn dẹp, làm vệ sinh. Gia đình anh là một trong 6 hộ đã xây dựng nhà cửa và chuyển đến khu tái định cư để ở.

TIN LIÊN QUAN

Thế nhưng, sau một thời gian, gia đình anh đành phải đóng cửa quay về nơi ở cũ để làm ăn. Anh Đạo cho biết: "Ở khu tái định cư thì phải ra biển bằng cửa biển Sa Cần, mà cửa biển này sóng to, tàu lớn nhiều, trong khi bà con đi biển bằng thuyền thúng nhỏ rất nguy hiểm. Vì thế đành phải về chỗ cũ ở để đi làm thuận lợi hơn. Nhà trên này thì đóng cửa, vài ba bữa thì về dọn dẹp cho đỡ bụi bặm".

Khu tái định cư Tây sông Trà Bồng được xây dựng trên địa bàn xã Bình Thạnh (Bình Sơn) có diện tích gần 5 ha, được bố trí cho gần 30 hộ dân ở xóm Động, thôn Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận về sinh sống. Cơ sở hạ tầng điện, đường, nguồn nước sinh hoạt... đều được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh. Thế nhưng, đã 6 năm trôi qua, khu tái định cư này  chỉ có vài ngôi nhà được dựng lên, còn phần lớn là đất trống, trở thành nơi chăn thả gia súc của người dân sống ở gần.

Trái ngược với sự vắng vẻ ở khu tái định cư, thì tại nơi ở cũ, cuộc sống của những hộ dân nơi đây vẫn diễn ra nhộn nhịp. Sau mỗi chuyến biển qua đêm, hàng chục tàu thuyền của ngư dân đều cập cửa Đậm để bán cá. Nơi ở cũ, mặc dù người dân phải sống trong những ngôi nhà tạm bợ, chỉ đủ để che mưa che nắng qua ngày, nhưng đổi lại điều kiện mưu sinh của người dân được thuận lợi và không quá khó như ở khu tái định cư.

Anh Lê Văn Mẫn, thôn Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận, cho biết: "Nơi ở mới thì tốt hơn về nhà cửa, điện, đường... nhưng mà đi làm ăn thì khó khăn quá. Như mùa này là ngồi trong nhà rồi ngó ra thôi chứ tàu thuyền không ra được. Còn ở đây thì sống tạm bợ, nhưng mùa nào cũng đi làm được, mỗi ngày ít nhất cũng kiếm được 50 - 70 ngàn đồng để trang trải qua ngày".

Sống nơi ở cũ, người dân không những gây mất an toàn cho khu vực bể chứa dầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất mà còn phải đối mặt với nạn triều cường, sạt lở. Biết nguy hiểm là vậy, nhưng vì mưu sinh hằng ngày nên những hộ dân này vẫn chấp nhận quay về nơi ở cũ.

"Chính quyền địa phương cũng đã vận động tuyên truyền nhiều lần nhưng người dân vẫn không đến nơi ở mới. Địa phương chỉ biết gửi văn bản lên cấp trên để có hướng giải quyết cho người dân vừa có nơi ở ổn định, vừa có điều kiện để làm ăn sinh sống lâu dài, ông Lê Thanh Vĩnh - Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, nói.  


       Trịnh Minh
 


.