Tái định cư ở các huyện miền núi: Dân khó đủ bề

07:07, 07/07/2013
.

(QNg)- Khi bố trí tái định cư (TĐC) cho người dân thuộc diện di dời cho các dự án, thì chủ trương nhất quán là “nơi ở mới phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ”. Thế nhưng, nhiều khu TĐC ở các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh chưa đảm bảo điều này, khiến cuộc sống của người dân ngày càng khốn khó. Cá biệt, nhiều khu TĐC người dân không muốn vào ở.

TIN LIÊN QUAN


Chưa sòng phẳng

Khi thực hiện các dự án, chủ đầu tư thường hứa hẹn với người bị thu hồi đất về một cuộc sống tốt hơn hiện tại. Tuy nhiên, thực tế không hẳn vậy. Để nhường đất xây dựng các dự án, hàng trăm hộ dân, hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, phải chịu cảnh ly hương trên chính mảnh đất của cha ông mình. Thế nhưng, điều đáng buồn là quá trình quy hoạch, bố trí TĐC chưa gắn liền với việc quy hoạch đất sản xuất khiến nhiều nơi người dân phá rừng phòng hộ để có đất sản xuất và tình trạng du canh có nguy cơ tái diễn.

 

 Vì thiếu điện, nước nên khu TĐC La Nong chỉ có 3 hộ dân vào ở.
Vì thiếu điện, nước nên khu TĐC La Nong chỉ có 3 hộ dân vào ở.


 Không những thế, chính người dân lại chưa được thụ  hưởng thành quả do các dự án mang lại. So với cuộc sống trước kia, thì cuộc sống ở các khu TĐC của người dân chỉ hơn mỗi... căn nhà. Vậy mà, các căn nhà này cũng nhanh chóng xuống cấp, dột nát chỉ sau vài ba năm. Hơn nữa, cuộc sống của người dân ngày một khó khăn và đầy rủi ro. Rõ ràng, lợi ích của chủ đầu tư (những người thu hồi đất) chưa gắn liền với lợi ích của người dân (những người bị thu hồi đất).

Khi xây dựng khu TĐC Bắc Nguyên 2 (xã Trà Thọ, Tây Trà), do thiếu sâu sát, không quan tâm đến tập tục sinh hoạt của đồng bào Cor, chủ đầu tư tiến hành xây nhà cho dân theo khuôn mẫu định sẵn. Xây xong, trên 30 ngôi nhà nền đổ xi măng, tường gạch, mái lợp tôn, giống nhau theo kiểu “nhà ống” ở đô thị, san sát từng dãy chênh vênh trên sườn núi. Khu TĐC trở nên hoàn toàn xa lạ với tập quán sinh hoạt, ăn ở, đi lại, sản xuất, chăn nuôi... của đồng bào dân tộc nơi đây. Sườn núi độ dốc lớn, được san ủi trong thời gian ngắn, địa chất chưa ổn định, hệ thống thoát nước mưa và nước thải cũng chỉ làm tạm bợ thì nhà đã xong và đưa dân vào ở.

Dù xây dựng chưa lâu và người dân vẫn chưa vào đủ, nhưng ta-luy của khu TĐC này đã sạt lở, đe dọa sự an toàn của các ngôi nhà và những người dân định cư trong những ngôi nhà đó. Chị Hồ Thị Quế, người mới chuyển đến khu TĐC, than rằng: “Mọi sinh hoạt thường ngày, gia đình mình phải về nơi ở cũ. Ở đây không điện, không nước, không có cả nhà vệ sinh, khó khăn lắm. Gia đình muốn nuôi con heo, con bò cũng không biết nuôi chỗ nào vì không có đất. Nhà thì giống ở thành phố, nhưng cuộc sống không sướng đâu!”.

Vấn đề người dân nhường đất cho những dự án đang phải sống khốn khó trong các khu TĐC được các chuyên gia đánh giá là do vị thế hoàn toàn không công bằng giữa người thu hồi đất và người bị thu hồi đất. Thay vì cơ chế thu hồi như hiện nay, thì cần phải chuyển qua cơ chế thỏa thuận giữa một bên là người có nhu cầu về đất và người có đất. Có như vậy, vị thế của người dân mới được cân bằng với các doanh nghiệp. Từ đó, những điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ mới được đầu tư vào các khu TĐC.
 

 Nghị trường “gay gắt” chuyện các khu TĐC
Tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XI, nhiều đại biểu bức xúc trước thực trạng thiếu sự quan tâm đầu tư tại các khu TĐC khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Các đại biểu cho rằng, đã là khu TĐC thì phải đảm bảo hơn hoặc bằng nơi ở cũ, nhưng thực tế ở nhiều khu TĐC, nhất là ở khu vực miền núi cơ sở hạ tầng không đảm bảo. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều khu TĐC “vắng bóng” người dân. Đại biểu Đặng Ngọc Dũng (Sơn Hà) dẫn chứng trên địa bàn huyện Sơn Hà có khu TĐC Gò Vườn (Sơn Linh) xây dựng cho 40 hộ dân nhưng chỉ có 1 hộ dân đến ở; còn khu TĐC Làng Bung (Sơn Hà) người dân không thể đến ở vì quá tạm bợ.  “Cơ quan chức năng cần sớm bàn bạc để đưa ra giải pháp để các khu TĐC phát huy hiệu quả, ổn định đời sống người dân”, ông Dũng kiến nghị.                 

                                                    P.Lý

Tránh nguy hiểm, gặp khó khăn

Mục tiêu của Chương trình bố trí người dân ở vùng thiên tai, có nguy cơ sạt lở cao vào các khu TĐC là nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi có thiên tai xảy ra. Ngoài ra, khi bố trí người dân vào các khu TĐC còn giúp người dân phát triển kinh tế, đồng thời hình thành các điểm dân cư theo hướng xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng mặn mà vào các khu TĐC dù hiểm nguy cận kề.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện 4 khu TĐC là Nước Cây Trường, La Nong (Trà Bồng), Sơn Linh (Sơn Hà) và Đồi 3 Cụm (Minh Long) vẫn chưa thu hút được người dân vào ở. Sở NN&PTNT lý giải, nguyên nhân không phải là do điều kiện sống ở khu TĐC không bằng nơi ở cũ, mà là do các hộ dân đều có nhà và đất ở nơi ở cũ nên họ vẫn sống trong điều kiện “một cảnh hai quê”.

Thế nhưng, khi tiếp xúc với các hộ dân ở các khu TĐC trên mới thấy hết nỗi khổ của họ. Năm 2006, khu TĐC La Nong được Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) xây dựng để bố trí TĐC cho 20 hộ dân vùng sạt lở núi trên địa bàn xã Trà Giang (Trà Bồng). Đến thời điểm này, khu TĐC chỉ có 3 hộ dân vào ở, với cuộc sống vô cùng chật vật. Cố gắng thích nghi với nơi ở mới, nhưng rồi ông Hồ Văn Hà đành phải “bán tháo” trở về nơi ở cũ.

 

Ông Hà ngán ngẩm: “Mình quay về ở chỗ cũ dù mùa mưa phải thấp thỏm với nỗi lo lở núi, ăn ngủ không yên. Nhưng vào sống trong khu TĐC thì khổ quá. Cái gì cũng thiếu, điện không, nước sạch cũng không. Việc tắm giặt, ăn uống đều trông chờ vào nguồn nước... suối. Còn thức ăn thì chẳng biết mua ở đâu. Dù sao thì chỗ ở cũ cũng còn có điện”. Trong khi đó, Chi cục Phát triển nông thôn lại cho rằng, người dân không vào nơi ở mới có một phần nguyên nhân là do ông Hồ Xuân Việt, nguyên Chủ tịch UBMTTQVN xã Trà Giang, khi vào sống trong khu TĐC La Nong đã chết, nên ảnh hưởng đến tâm lý của người dân. Do đó, việc vận động người dân vào lại khu TĐC là rất khó khăn (!?).

Nhưng nào chỉ có La Nong, các khu TĐC khác như Nước Cây Trường (Trà Bồng), Sơn Linh (Sơn Hà) và Đồi 3 Cụm (Minh Long), có mấy hộ dân vào ở? Đó là chưa kể nhiều khu TĐC ở các địa phương khác người dân đang sống vô cùng chật vật. Họ cần được một câu trả lời (và giải quyết) thỏa đáng hơn!

 

Ông Đào Minh Hường- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT:
Việc xây dựng các khu TĐC cho người dân vùng thiên tai có tính đặc thù riêng. Vì vậy, mục tiêu đầu tiên là xây dựng các điều kiện hạ tầng thiết yếu để người dân có ngay nơi ở mới, sau đó sẽ được hoàn thiện dần cơ sở hạ tầng như: Bê tông hóa đường giao thông, xây dựng hệ thống điện... Khi đó, cuộc sống của người dân sẽ được cải thiện hơn. Riêng vấn đề giải quyết đất sản xuất  thuộc về các chương trình như: Chương trình 135, 30a. Còn chương trình bố trí dân cư cho người dân vùng thiên tai không đầu tư lĩnh vực khai hoang tạo quỹ đất sản xuất cho người dân. Hơn nữa, hầu hết các khu TĐC đều gần nơi ở cũ nên người dân vẫn sản xuất tại mảnh đất của họ.

Ông Nguyễn Xuân Bắc- Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng:
Có nhiều nguyên nhân khiến việc TĐC của các hộ dân ở miền núi gặp khó khăn. Trong đó phải kể đến các chính sách và giải pháp bồi thường, hỗ trợ TĐC, giải quyết việc làm chưa phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với đồng bào Cor, một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống đó là tính cộng đồng, gia đình: Cha con, dòng họ ở chung một làng, một nhà. Thế nhưng, việc TĐC đã không tính đến các yếu tố đó nên khi xây dựng các khu TĐC đã chia rẽ, phân tán họ hàng, gia đình ra nhiều nơi. Ngoài ra, hầu hết đồng bào đều nghèo khó, nhưng mức hỗ trợ di dời, TĐC của Nhà nước hiện còn thấp. Huyện Trà Bồng đang tính đến phương án lồng ghép Chương trình bố trí dân cư vùng thiên tai, sạt lở với Chương trình 167 để tạo điều kiện cho các hộ dân tăng thêm kinh phí làm nhà và xây dựng hạ tầng khu TĐC, giúp người dân yên tâm ổn định cuộc sống.

Ông Hồ Tấn Vũ- Chủ tịch UBND xã Trà Thọ (Tây Trà):
Ở khu TĐC, ngoài những ngôi nhà xây như nhà phố, hầu như không hộ nào có khu chăn nuôi và vườn tược như thói quen sinh sống của họ trước đây. Những bất cập đó không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống vật chất mà còn phá vỡ bản sắc văn hóa làng, làm xáo trộn đời sống tinh thần của đồng bào. Do đó, khi lập quy hoạch TĐC, người dân phải có ý kiến quyết định đến chỗ ở của họ, chứ không có kiểu “đặt đâu, ngồi đó” như bây giờ. Quyền lợi của người dân, là những người bị mất đất cho những dự án trọng điểm, cần được nhìn nhận xứng đáng hơn.


Ông Hồ Văn Sự- Khu TĐC La Nong (xã Trà Giang, Trà Bồng):
Khi vào ở trong khu TĐC, chúng tôi chỉ mong cuộc sống ổn định, có đất sản xuất. Do đó, các cấp, ngành cần đầu tư điện, đường, công trình nước sinh hoạt để đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người dân. Ở đây, dù cuộc sống khó khăn đã lâu nhưng vẫn không có ai đến nắm tình hình để tìm hướng khắc phục. Đừng để người dân chúng tôi có cảm giác mình bị “bỏ rơi”. Chính quyền không nên đưa người dân vào các khu TĐC rồi bắt họ phải tự xoay xở với khó khăn. Ở chỗ cũ đã khổ, người dân được di dời về nơi ở mới chỉ với hy vọng cuộc sống đỡ vất vả hơn thôi.

 

NGUYỄN TRIỀU


 


.