Thân cò nhọc nhằn mưu sinh

08:09, 19/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Phụ hồ là công việc nặng nhọc, chỉ phù hợp với cánh nam giới. Nhưng vì cuộc sống, vì tương lai của các con, nhiều chị em phải lăn lộn với nghề này.             

TIN LIÊN QUAN

Tôi thật sự rơi nước mắt khi nghe anh Trần Văn Hiếu, quê Sơn Tịnh kể chuyện nên duyên vợ chồng giữa anh với chị Lộc: “Phận nghèo, hai chúng tôi cùng đi làm công kiếm sống qua ngày nhưng không ngờ trời lại thương tình se duyên chúng tôi nên nghĩa vợ chồng. Hồi ấy, vợ tôi bảo: Con gái chưa chồng mà người gầy guộc, tay chai sạm thế này thương làm chi hả anh! Tôi siết chặt tay cố ấy và nói: Anh có hơn gì em đâu?”. Và rồi, ngày qua ngày, đôi vợ chồng này có mặt trên khắp các công trình xây dựng.

Có việc làm là vui lắm rồi

Chị Ngô Thị Lộc ở xã Tịnh Ấn Tây (Sơn Tịnh) dựng cái xẻng vào đống cát, kéo cái khẩu trang che kín khuôn mặt xuống rồi cười rạng rỡ phân bua với tôi: "Gọi là phụ hồ nhưng thực ra cái nghề này không hề phụ chút nào". Chị kể: Mình tôi, vừa trộn hồ, tiếp vữa, cắt sắt, khuân gạch... bảo đảm công việc của gần chục thợ xây một lúc kia mà! Vâng, những công việc ấy đối với cánh mày râu cũng bở hơi tai huống chi là chị em phụ nữ. Ấy vậy mà các chị miệng nói, tay làm thoăn thoắt. Đứng trên giàn giáo, thợ xây Nguyễn Văn Tiến vừa gõ cái bay bồm bộp vào máng đựng hồ, vừa gọi: Bà Lộc ơi cho xô vữa đi! Chị Lộc liền cắm cái xẻng xuống đống vữa vừa trộn xong, gồng mình đẩy xe rùa tới nơi anh Tiến.

 

Công việc thường ngày của phụ nữ làm nghề phụ hồ.
Công việc thường ngày của phụ nữ làm nghề phụ hồ.


Có lẽ vì cái nghề nặng nhọc này đã làm cho chị Lộc già hơn nhiều so với cái tuổi 36. Chị Lộc bộc bạch: “Không già sao được, đã 17 năm dãi nắng dầm mưa ngoài công trường xây dựng, ăn tiêu tiết kiệm từng đồng nuôi con’’. Mấy năm nay, vợ chồng chị tích góp được ít vốn và kinh nghiệm nên đi nhận thầu các công trình dân dụng quy mô nhỏ ở trong tỉnh để làm. Dù vậy nhưng chị Lộc vẫn đi theo phụ hồ. "Mấy anh trêu mình là bà chủ. Nhưng làm gì có bà chủ nào mà suốt ngày bị sai thế này đâu!", chị Lộc cười.

Nghề phụ hồ tuy vất vả, nhưng ai cũng có thể làm được, miễn là sức khỏe tốt và thu nhập cũng khá, từ 110.000 - 140.000 đồng/ngày. Chị Võ Thị Đổi ở  phường Chánh Lộ (TP Quảng Ngãi) đang tham gia xây dựng tại trụ sở Bảo hiểm xã hội tỉnh tranh thủ chia sẻ với tôi giữa lúc anh em nghỉ trưa. Công việc của chị là trộn hồ, sàng cát và những việc lặt vặt khác mà chủ thầu và thợ cả yêu cầu. "Làm thế này đêm về mệt nhoài cả người nhưng phải ráng sức lo chuyện ăn uống cho chồng con. Vả lại, làm việc này phải chấp nhận mà thôi, kể cả những anh thợ đáng tuổi con cháu mình la mắng cũng chịu. Có việc làm là tốt rồi"-chị Đổi kể.  
Hạnh phúc giản đơn

Nhớ lại những ngày mới vào nghề, chị Nguyễn Thị Hiếu ở thị trấn Sơn Tịnh không sao quên được chuyện đứa con suýt bị mất mạng. Chị Hiếu kể: - Lúc đó, cháu mới 10 tháng tuổi nhưng phải cho cai sữa gửi ông bà chăm sóc. Hôm ấy, vợ chồng đi làm ở tận huyện Minh Long thì ông bà gọi điện báo tin cháu sốt, vợ chồng tức tốc chạy về đến nhà thì cháu đã tím tái nhưng rất may đã cứu được. Quãng thời gian khốn khó ấy cũng dần qua đi, hai đứa con chị lần lượt khôn lớn bằng những đồng tiền mà chị tích góp được từ nghề phụ hồ. Anh Nguyễn Văn Trúc, chồng chị Hiếu lo lắng: "Nghề này nặng nhọc lắm. Đàn ông chúng tôi cũng muốn bỏ nghề huống chi là phụ nữ. Nhưng khổ nỗi làm nông thì mùa màng thất bát, nợ ngập đầu. Ở nhà thì lấy gì sống".

Còn chị Huỳnh Thị Tuyết ở xã Tịnh Bắc vốn chỉ biết ruộng vườn, heo gà, nhưng làm quần quật quanh năm mà chẳng tích góp được gì nên chị theo người quen trong xóm xin đi phụ hồ. Và chỉ sau ba tháng, chị thành thạo mọi việc trên công trường, một mình điều khiển mô tơ, ròng rọc cẩu vật liệu rất chuyên nghiệp. Chị bộc bạch: Là phụ nữ ai mà chẳng muốn việc làm nhẹ nhàng, ăn mặc đẹp, nhưng vì hoàn cảnh nên cũng đành chịu chứ than thân trách phận làm chi. Chỉ mong sao các con hiểu được sự vất vả của mẹ mà cố gắng chăm học để sau này có được công việc ổn định.

Từ ngày đi phụ hồ, mỗi tháng chị Tuyết đã tích góp được từ 2-3 triệu đồng để lo cho cuộc sống gia đình nên chị cảm thấy vui hẳn lên. Với chị Trần Thị Việt ở xã Tịnh Minh thì dù mệt nhoài cả người mỗi khi đêm xuống nhưng chị luôn cảm thấy vui và hạnh phúc với cái nghề này. Vì chủ thầu nhận công trình xa nhà nên mỗi khi đêm xuống chị phải chọn cho mình một góc của lán trại để nghỉ lưng. “Là phận gái ăn ở giữa đám đàn ông lúc đầu cũng ngại lắm nhưng sống lâu ngày rồi cũng thành quen. Cố làm vài năm nữa để tích góp ít vốn phòng thân sau này", chị Việt tâm tình.

Dù là phận nữ nhưng đôi bàn tay chai sạm của các chị đã góp sức xây dựng nên biết bao công trình. Và sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc, các chị lại quay về với cuộc sống gia đình đạm bạc, vun vén cho hạnh phúc của mình.


Bá Sơn
 


.