Mưu sinh bằng nghề rập

01:12, 21/12/2011
.

(QNg)- Nghề rập-cái tên nghe có vẻ lạ đối với nhiều người. Thế nhưng với phụ nữ ở thôn Cổ Lũy Nam (xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa) thì đây là nghề chính để mưu sinh. Có được cái ăn hàng ngày, nuôi con cái học được con chữ… tất cả đều nhờ nghề rập.  

Mặc cho cái lạnh đến tê người, đêm đêm chị Nguyễn Thị Huệ (47 tuổi, ở thôn Cổ Lũy Nam, xã Nghĩa Phú) một mình chèo ghe đi dọc con sông Phú Thọ để kiểm tra rập. Thì ra cái rập theo cách gọi của người dân Phú Thọ, đó là những khung lưới được ghép vào nhau dùng để đánh bắt cá, tôm, cua…

 

Chị Huệ bảo: "Cái nghề nó thế nên vất vả cũng phải chịu. Nghề rập nuôi sống 4 miệng ăn nhà chị đó em". Chồng mất sớm, chị Huệ một mình nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Bất kể trời mưa hay nắng, ngày nào chị Huệ cũng "bám" lấy con sông Phú Thọ, "bám" lấy nghề rập để mưu sinh. Cứ 3 giờ chiều, chị Huệ mang rập thả ngang, thả dọc trên dòng sông Phú Thọ. Chốc lát chị lại chèo ghe đi kiểm tra rập.

Chị Nguyễn Thị Huệ đang thu dọn rập.
Chị Nguyễn Thị Huệ đang thu dọn rập.

Ban đêm, khi chồng còn sống, vợ chồng chị Huệ giăng bạt ngủ luôn trên ghe để canh chừng những tấm rập.  Mãi đến 3 giờ sáng hôm sau, chị Huệ kéo rập lên và "giũ" những thứ đánh bắt được từ trong rập ra chiếc giỏ đem ra chợ bán. Chị Huệ tâm sự:  "Ngày kiếm được 200 nghìn đồng, ngày thì 30 nghìn, vô chừng lắm. Không nhiều thì ít, ngày nào cũng có cái bán. Không bán cá, tôm thì bán cua… Có thế nghề này mới nuôi sống nhiều gia đình ở ven sông này".

Chị Đặng Thị Thu Hồng-Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Phú, cho hay: "Ở ven sông nên nhiều chị em thôn Cổ Lũy Nam bám lấy nghề rập mà sống. Hiện có gần 30 chị gắn bó với nghề này. Tuy nguồn vốn cho vay được cấp trên "rót" về ít, nhưng Hội cũng đã quan tâm giải quyết cho chị em mua sắm rập để mưu sinh". Chị Nguyễn Thị Huệ là một trong những phụ nữ được hỗ trợ vay vốn để sắm rập. Hiện tại, mỗi cái rập có giá 260.000 đồng. Giá rập cao nên nhiều chị có đời sống khó khăn, chỉ sắm dần dần. Ít rập thì đánh bắt được ít cá, tôm. Là nghề của cha ông để lại và cũng là cái nghề chính để mưu sinh nên chị em ai cũng dành dụm, chắt chiu từng đồng để mua sắm được nhiều rập.

Ở cái tuổi gần 50, chị Đỗ Thị Sửa-người phụ nữ duy nhất ở Cổ Lũy Nam dùng rập để đánh bắt ngoài biển, trông khỏe mạnh như thể con gái tuổi mười tám đôi mươi. Chị thoăn thoắt đôi tay vá lưới. Sau mỗi chuyến đi,  lưới bị rách nên chị Sửa lại phải ngồi sửa san lại. Là miếng cơm, manh áo của cả gia đình nên chị phải chuẩn bị cẩn thận trước khi ra khơi đánh bắt. Chị Sửa cho biết trước đây chị làm nghề gánh nước thuê, vất vả nhưng cuộc sống cứ mãi "thiếu trước, hụt sau".

 

Thấy nhiều phụ nữ sống "ổn" nhờ nghề đi rập nên chị chuyển nghề. Vợ chồng chị quyết định đi rập ngoài biển khơi, tuy vất vả, hiểm nguy nhưng sau mỗi chuyến đi kiếm được nhiều tiền hơn. Vốn liếng đầu tư vào nghề đi rập của gia đình chị Sửa sau nhiều năm tích góp giờ đây ngót trăm triệu đồng. Hiện gia đình chị Sửa có đến 120 cái rập. Chị Sửa phấn khởi bảo: "Trời yên, có hôm kiếm được hơn 1 triệu đồng. Có ít thì năm, bảy trăm nghìn. Nghề rập được cái không trở về nhà tay không bao giờ". Cuộc sống gia đình chị Sửa giờ đây khấm khá hơn nhờ nghề rập.

Vấn đề giải quyết việc làm để chị em phụ nữ có cuộc sống ổn định luôn là nỗi trăn trở đối với cán bộ Hội LHPN xã Nghĩa Phú. Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Phú Đặng Thị Thu Hồng cho biết, nhiều chị em xã Nghĩa Phú thiếu việc làm. Hiện tại, trên địa bàn xã có đến hơn 30% hội viên phụ nữ đi làm ăn xa. Nghề rập tuy vất vả nhưng cũng đã góp phần "giải" bài toán thiếu việc làm cho phụ nữ ở Nghĩa Phú. Đây là nghề đã cứu cánh nhiều phụ nữ nghèo.


Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ

 


.