Lừa đảo mua phế liệu chiếm đoạt tiền tỷ của Nhà nước

01:09, 24/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2011, Công ty TNHH MTV công nghiệp tàu thủy Dung Quất (Bình Sơn) đã thống nhất cho thanh lý các lô phế liệu gồm: Cọc cừ Iarsen, ván khuôn, sàn thao tác và sắt thép phế liệu để thu hồi vốn cho Công ty theo tinh thần chỉ đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

TIN LIÊN QUAN

Để thanh lý, Công ty công nghiệp Tàu thuỷ Dung Quất đã hợp đồng với Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá miền Trung và Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản Quảng Ngãi thẩm định giá và tổ chức bán đấu giá toàn bộ lô phế liệu trên với giá khởi điểm là 10.500 đồng/kg.

 

Cơ quan CSĐT làm thủ tục bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Xuân (bên phải).
Cơ quan CSĐT làm thủ tục bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Xuân (bên phải).


Trước khi có thông báo đấu giá sắt thép phế liệu, bà Nguyễn Thị Xuân (42 tuổi, ở thị trấn Sơn Tịnh - Sơn Tịnh) liên hệ với bà Võ Thị Mỹ Loan (41 tuổi, ở đường Quang Trung, TP. Quảng Ngãi) là người có mối quan hệ quen biết rộng với nhiều người ở Công ty công nghiệp Tàu thủy Dung Quất rủ cùng mua lô sắt phế liệu trên. Không đủ vốn, bà Xuân và Loan đã liên hệ với Thái Duy Thanh (28 tuổi, ở phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) là Giám đốc Công ty Khơi Phát ở TP. Đà Nẵng cùng mua. Thái Duy Thanh lo ngại với giá 10.500 đồng/kg sắt quá cao, không có lãi. Bà Xuân cho rằng sẽ có cách luồn lách ăn gian được. Thái Duy Thanh đồng ý cùng làm ăn và đóng góp 2.460.000.000 đồng. Bà Loan góp 420.000.000 đồng và bà Xuân góp 200.000.000 đồng.

Trong đợt đấu giá này chỉ có độc nhất một đơn vị Công ty Khơi Phát của Thái Duy Thanh tham gia đấu nên dễ dàng Công ty Khơi Phát trúng với giá khởi điểm là 10.500 đồng/kg.

Công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất cũng đã chọn địa điểm cân giao lô sắt thép phế liệu và chọn thành phần giám sát cân giao sắt phế liệu. Cán bộ của Công ty trực tiếp tham gia thực hiện việc giám sát cân giao sắt phế liệu gồm Ngô Thị Thảo Phương - cán bộ phòng Thương mại thị trường, Phạm Viết Quốc-cán bộ phòng Vật tư và Hoàng Văn Sĩ – cán bộ phòng An toàn sức khoẻ môi trường. Sau khi trúng lô sắt phế liệu nói trên, Thanh, Loan và Xuân đã lên kế hoạch việc cân gian lận.

Sáng 28.12.2011, bà Xuân đã thuê ô tô tải biển số 76C - 00710 và một số người bốc vác bỏ đá ba lông (loại đá dùng xây móng nhà) lên ô tô cho xác xe nặng. Khi đến Trạm cân để cân xác xe, việc giám sát của các nhân viên, cán bộ Công ty công nghiệp Tàu thủy Dung Quất chỉ qua loa, không kiểm tra cụ thể, không leo lên xe để quan sát mà chỉ đứng dưới đất và ký phiếu xác nhận. Xác xe 76C-00710 cân được 10.320kg. Sau khi cân xác xe xong, ô tô chạy ra khu vực trống ở xã Bình Thạnh (Bình Sơn) đổ đá xuống rồi tiếp tục chạy vào Công ty công nghiệp Tàu thuỷ Dung Quất chở sắt phế liệu. Tổng khối lượng xác xe 76C-00710 và hàng phế liệu trên xe là 27.020kg. Xe chở ra Công ty cổ phần thép Đà Nẵng, ở TP. Đà Nẵng bán và cân trọng lượng xác xe là 9.130kg. Như vậy xe cân gian trọng lượng xác xe là 1.190kg. Với chiêu thức trên, cho đến ngày 11.1.2012, khi Cơ quan Công an kiểm tra có 5 xe ô tô liên tục chở trên 100 chuyến. Trung bình mỗi xe vận chuyển 25 chuyến.

Tổng cộng Thanh, Loan và Xuân đã mua 709.940kg sắt phế liệu từ Công ty công nghiệp Tàu thủy Dung Quất và đã nộp đủ số tiền 7.454.370.000đồng. Tổng số tiền Thanh, Xuân và Loan đã thực hiện hành vi gian dối bằng cách bỏ đá lên thùng xe để cân gian trọng lượng xác xe để chiếm đoạt 182.690 kg sắt thép phế liệu của Nhà nước, trị giá 1.918.245.000đồng.

Cả ba người Thanh, Loan và Xuân cùng bàn bạc thống nhất dự tính mỗi chuyến xe cân gian được từ 1 đến 1,2 tấn. Đồng thời thống nhất số tiền sắt cân gian được sau khi trừ chi phí, còn lại sẽ chia 50% giao cho Loan “quan hệ” người phía Công ty công nghiệp Tàu thủy Dung Quất, nhưng Thanh và Xuân không biết bà Loan đưa cho ai. Số tiền 50% còn lại sẽ chia cho 3 người gồm Thanh, Xuân, Loan tùy theo tỷ lệ góp vốn. Tuy nhiên số tiền lời do bán sắt gian lận của 3 đối tượng trên chưa kịp chia thì bị Cơ quan Công an điều tra phát hiện.

Ngoài ra, khi đang giao nhận sắt cho đơn vị trúng đấu giá, Nguyễn Thị Xuân có gợi ý với những người trong tổ giao nhận sắt của Công ty công nghiệp Tàu thuỷ Dung Quất gồm: Phạm Viết Quốc – nhân viên phòng Vật tư, Huỳnh Lê Nữ Diễm – nhân viên phòng An toàn sức khoẻ môi trường, Nguyễn Trường Tịnh – nhân viên bảo vệ là khi cân sắt thì trong phiếu cân sẽ ghi giảm trọng lượng sắt so với thực tế khoảng 2 tấn để lấy tiền uống nước và được cả 3 chấp thuận. Sau khi được tận tình giúp đỡ, người của ông Thanh đưa 15.000.000đ cho Phạm Viết Quốc. Giữ lại 6.000.000đ, Quốc đưa cho Nguyễn Trường Tịnh 6.000.000đ và Huỳnh Lê Nữ Diễm 3.000.000đ.

Bước đầu, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đề nghị truy tố Thái Duy Thanh, Nguyễn Thị Xuân, Võ Thị Mỹ Loan về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Ngô Thị Thảo Phương, Phạm Viết Quốc, Hoàng Văn Sĩ về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước. Hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã chuyển kết luận điều tra vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tiếp tục xử lý theo thẩm quyền.


 

   Bài, ảnh: Thành Sự

 


.