(QNg)- Bãi phơi bã mì ở thôn Gò Sim, xã Sơn Hải (Sơn Hà) đã gây ô nhiễm môi trường ở bờ tây sông Re từ nhiều năm nay. Người dân bị “tra tấn” bởi mùi hôi cùng với nguồn nước sinh hoạt đang bị đe doạ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Năm 2007, doanh nghiệp tư nhân Hoà Thắng thuê đất dùng làm sân phơi bã mì mua lại của Nhà máy tinh bột mì Sơn Hải để kinh doanh thức ăn chăn nuôi.
"Nín thở" để mưu sinh
Chúng tôi thật sự ngộp thở khi đặt chân đến bãi phơi xác bã mì ở thôn Gò Sim, xã Sơn Hải. Ấy vậy mà có gần cả trăm người đội nắng mưu sinh ở đây. Với họ, trời càng nắng càng vui, vì có thu nhập nhờ tiền công được trả bằng năng suất sản phẩm. “Không may hôm nào gặp trời mưa thì coi như trắng tay, vì phải phơi lại”- bà Đinh Thị Nước, ở thôn Tà Mát, người làm công ở đây cho hay.
Bãi phơi bã mì của doanh nghiệp Hoà Thắng. |
Những người ở ngoài xã thì phải dựng lều tạm ở lại qua đêm. Chị Đinh Thị Vét, thôn 5, xã Sơn Bao, là một trong số những người lao động ấy. Hơn 1 năm nay, chị phải dựng chòi ở đây để làm công kiếm tiền lo cho 3 con nhỏ. Cả tháng chị mới về nhà thăm con 1 lần. Chị Vét, kể: “Trời nắng thì một tuần phơi được 1 tấn bã mì khô, sau đó dồn bao bốc lên xe thì được trả 350 nghìn đồng”. Để phơi khô một tấn bã mì, người lao động dường như phải ở suốt ngày ngoài bãi để cào trở cho mì nhanh khô. Thời gian này, buổi chiều ở miền núi thường có mưa dông nên công việc của những người như chị Vét càng vất vả hơn. Có khi quần quật mấy ngày liền, gặp mưa bất chợt, bã mì ngấm nước đành phải phơi lại.
Kế bên túp lều của chị Vét là chỗ ở của bà Đinh Thị Bói, ở thị trấn Di Lăng. Bà Bói gia nhập “đội quân” phơi bã mì gần 2 năm nay. Không có chồng, đứa con gái cũng đã lập gia đình, nhưng ở cái tuổi gần 60 bà Bói vẫn phải đến đây mưu sinh để kiếm thêm thu nhập lo cho tuổi già. “Chúng tôi phải nín thở để làm việc”- bà Bói thổ lộ. Thật vậy, do làm việc trong môi trường hôi thối liên tục một thời gian dài, nên bà Bói và những lao động ở đây thường xuyên bị ho, tức ngực, khó thở, da mẩn ngứa.
Không thể đình chỉ hoạt động
Hơn 6 năm qua, cơ sở chế biến thức ăn gia súc của doanh nghiệp Hoà Thắng đi vào hoạt động, hàng trăm hộ dân khu vực thôn Gò Sim bị “tra tấn” bởi mùi hôi thối vượt quá sức chịu đựng. Một ngày, hai bãi phơi này tiếp nhận hàng trăm tấn bã mì được lấy từ Nhà máy mì Sơn Hải.
Cứ trời sâm sẩm tối, hoặc tờ mờ sáng, hầu hết các hộ gia đình cư trú xung quanh phải đóng kín cửa nhằm ngăn mùi hôi xông vào nhà. Khổ nhất là mỗi lúc trời mưa, bã mì ẩm ướt bốc mùi dữ dội, nước từ bãi phơi mì chảy tràn lan gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. Ông Đinh Văn Siểu- Phó Chủ tịch xã Sơn Hải cho biết, mặc dù doanh nghiệp này đã góp phần giải quyết việc làm cho gần 200 lao động ở địa phương, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường do doanh nghiệp để lại cũng là vấn đề gây bức xúc trong dân. Nhưng vì “miếng cơm manh áo”, nên bà con không muốn làm căng với doanh nghiệp. “Để đảm bảo quyền lợi cho người dân, chúng tôi kiến nghị các cấp, ngành thường xuyên kiểm tra, giám sát buộc doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường. Đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động giúp người dân có việc làm, cải thiện đời sống ”- ông Siểu nói.
Dù doanh nghiệp có nhiều cố gắng, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực này vẫn chưa thể khắc phục. Liên tục trong năm 2011 và 2012, doanh nghiệp đều bị xử phạt và nhắc nhở. Đáng lo ngại là, vẫn còn một lượng nước thải rò rỉ chảy ra môi trường xung quanh… “Nếu đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp thì người dân không có việc làm, bã mì của Nhà máy tinh bột mì Sơn Hải không có nơi tiêu thụ. Thời gian đến, huyện sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường của doanh nghiệp”, ông Trần Tấn Tài- Phó Phòng TN&MT huyện Sơn Hà, khẳng định.
Đây cũng chính là mong mỏi của hàng trăm hộ dân địa phương, nhằm đảm bảo sức khoẻ cũng như giúp họ có được việc làm nuôi sống gia đình.
Bài, ảnh: KN