Nỗi niềm người dân vùng ảnh hưởng thuỷ điện Đăkdrinh- Kỳ 2: Bộn bề nỗi lo

09:07, 29/07/2013
.

(QNg)- Có nhà to, tiền nhiều là cơ hội để người dân ở các khu TĐC vươn lên làm ăn ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, do nhận thức của người dân còn hạn chế, nên chuyện tái nghèo đang là nỗi lo của chính quyền nơi đây…

TIN LIÊN QUAN

Tiêu xài “xả láng”

Anh Đinh Văn Thái là một trong số ít hộ dân từ xóm Nghèo vừa chuyển lên ở tại Khu TĐC Nước Vương (xã Sơn Liên). Trong căn nhà mới rộng rãi, anh Thái cho biết, mình đã đặt mua bàn, tủ, giường hết gần 100 triệu đồng, vài ngày nữa mới chuyển từ huyện về. Ngoài ra, anh Thái còn mua một chiếc xe máy, một dàn karaoke gần 50 triệu đồng.

 

Có tiền, nhiều người dân vùng TĐC suốt ngày ở nhà uống rượu, bia  nên có nguy cơ tái nghèo sau khi đã tiêu hết tiền đền bù.
Có tiền, nhiều người dân vùng TĐC suốt ngày ở nhà uống rượu, bia nên có nguy cơ tái nghèo sau khi đã tiêu hết tiền đền bù.

 

Được biết, ngoài căn nhà trị giá hơn 500 triệu đồng, gia đình anh còn nhận thêm tiền đền bù đất đai, hoa màu khoảng 450 triệu. Khoản tiền này anh đã mua sắm nhiều vật dụng đắt tiền, một số ít trả nợ cho "con buôn" mà gia đình đã nợ suốt hai năm qua. “Tiền đền bù sắp hết rồi, sắp tới mình nuôi bò và đi làm rẫy để kiếm cái ăn thôi”- anh Thái nói. Bên cạnh nhà của Thái là ngôi nhà của anh Đinh Văn Bay cũng khang trang không kém. Anh được Nhà nước hỗ trợ khoảng 300 triệu đồng, anh thêm vào hơn 200 triệu nữa làm căn nhà ở khu tái định cư này. Tiền đền bù còn lại khoảng hơn 600 triệu đồng, anh Bay gửi ngân hàng 200 triệu, số còn lại mua 2 xe máy và trả tiền lương thực, thực phẩm, rượu, bia hơn một năm qua cho các chủ hàng tạp hóa.

Việc chi tiêu, mua sắm của người dân có tiền đền bù phải nói là rất vô tư. Thậm chí, nhiều người khi nhận tiền đền bù không đủ trả nợ cho việc mua sắm, chi tiêu trước đó. Nhiều người vì nợ nần quá nhiều, đến khi nhận tiền thì bị chủ nợ giành giật, ngay trên tay. Ông Đinh Kà Để - Bí thư Huyện ủy Sơn Tây lo lắng: Tập tục của đồng bào thiểu số nơi đây là họ ít lo xa, chỉ cần có nhà, đám rẫy và con trâu là mãn nguyện rồi. Bây giờ họ nhận cùng lúc nhiều tiền nên thích tiêu xài phung phí và trang trải nợ nần.

Nguy cơ tái nghèo

Để ổn định cuộc sống của người dân vùng ảnh hưởng bởi thủy điện, chủ đầu tư và huyện Sơn Tây đã đền bù tiền và bố trí đất định canh, định cư cho người dân. Theo đó, mỗi hộ dân được cấp 400m2 đất ở, 600m2  đất vườn và 1 ha đất sản xuất. Ngoài ra, các hộ dân đều được hỗ trợ tiền chuyển đổi nghề nghiệp với số tiền tương đối lớn. Tuy nhiên, người dân nơi đây nhận quá nhiều tiền, nợ nần cũng nhiều, nên nhiều người nhận tiền cả trăm triệu đồng vẫn không đủ trả nợ. Những người dân khác thì mua sắm nhiều thứ đắt tiền, ăn nhậu… khiến số tiền cũng dần hết.

Đáng lo là, người dân miền núi không có kế hoạch làm ăn với số tiền lớn đó nên chỉ trong thời gian ngắn sẽ trở lại đói nghèo như trước là điều không thể tránh khỏi. Câu chuyện “lúa bán non, con gả sớm” xem ra vẫn là nỗi day dứt ở vùng núi. Ông Trần Đông Phong – Chủ tịch UBND xã Sơn Liên cho biết, hơn nửa tháng nay, địa phương phối hợp với Công an huyện đến từng hộ dân để vận động bà con gửi tiền vào ngân hàng cho an toàn, đồng thời cần cảnh giác với những kẻ xấu dụ dỗ. Sắp tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền, động viên bà con mua trâu bò về nuôi và trồng rừng để ổn định cuộc sống lâu dài.

Sắp tới huyện Sơn Tây tiếp tục chi trả tiền đền bù cho dân vùng ảnh hưởng thủy điện Đăkdrinh ở 2 xã còn lại là Sơn Dung và Sơn Long với số tiền rất lớn (khoảng 180 tỷ đồng). Đây là nỗi lo lớn của chính quyền và người dân nơi đây. Thượng tá Đinh Quang Ven- Trưởng Công an huyện Sơn Tây cho biết, chúng tôi đã báo cáo và tham mưu cho Ban đền bù của huyện là trước khi trao tiền thì thông báo cho bà con, những ai có nợ nần gì thì báo cáo, sau đó mời chủ nợ tới giải quyết. Sau đó chuyển tiền cho người dân trả nợ dứt điểm, còn lại chuyển qua ngân hàng để đảm bảo không trao tiền mặt quá lớn dẫn đến giành giật như vừa rồi. Ngoài ra, Huyện ủy Sơn Tây cũng đã chỉ đạo Công an huyện điều tra, xử lý dứt điểm các khoản nợ giữa người dân với các "con buôn", chủ tạp hóa; ngăn chặn kẻ xấu lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để lừa, chiếm đoạt tiền đền bù.


 Bài, ảnh XUÂN THIÊN
 


.