Sơn Tây: Liệu có tái diễn tình trạng chủ nợ giật tiền người dân?

03:07, 11/07/2013
.

(QNĐT)- Trước sự việc một số đối tượng bao vây, giật tiền trên tay người dân để cấn trừ nợ ngay sau khi nhận được đền bù tại 2 lần chi trả vào ngày 25/6 và 8/7, nhiều người đặt câu hỏi: Chính quyền và các cấp ngành Sơn Tây sẽ làm gì  tại 2 đợt chi trả tiếp theo, giúp người dân giữ lại số tiền hỗ trợ.

TIN LIÊN QUAN


Mấy ngày qua, dư luận Quảng Ngãi khá bức xúc trước sự việc nhiều chủ nợ bao vây người dân xã Sơn Liên khi họ nhận tiền đền bù, hỗ trợ từ dự án thủy điện Đakdrinh để trừ nợ vào chiều ngày 8/7 vừa qua.

 

Người dân nhận tiền đền bù từ dự án thủy điện Đakrinh đang làm thủ tục gửi tiền vào ngân hàng.
Người dân nhận tiền đền bù từ dự án thủy điện Đakrinh đang làm thủ tục gửi tiền vào ngân hàng.


Trao đổi về vụ việc trên, ông Đinh Kà Để, Bí thư huyện Sơn Tây thẳng thắn: Trước khi tiến hành các thủ tục để niêm yết, chi trả tiền đền bù, hỗ trợ cho số hộ dân có đất nằm trong khu vực giải tỏa của dự án thủy điện Đakdrinh, qua tìm hiểu lãnh đạo Huyện ủy nhận thấy: Rất nhiều hộ dân có đất nằm trong khu vực giải tỏa do thiếu hiểu biết đã bị một số người đến gạ gẫm, lừa phỉnh... mua lại với giá rẻ mạt để kiếm lời. Cho nên trong quá trình chi trả sẽ có nhiều vấn đề phức tạp liên quan nảy sinh.

Để giảm bớt thiệt thòi cho số hộ đã bán đất; hạn chế tình trạng khiếu kiện, tranh chấp và gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT của địa phương, tại nhiều cuộc họp, lãnh đạo Huyện ủy đã chỉ đạo cho Ban đền bù của huyện phải phân chia tiền đền bù, hỗ trợ thành 2 khoản.
 

“Theo thống kê, trong quá trình chi trả tiền đền bù, hỗ trợ cho người dân của dự án thủy điện Đakdrinh, tính đến thời điểm này, chính quyền và đoàn thể huyện Sơn Tây đã vận động 54 hộ dân gửi tiết kiệm tại 5 chi nhánh ngân hàng trong tỉnh, với tổng số tiền 20,4 tỉ đồng”.

Theo đó khoản 1, gồm: Tiền đền bù nhà cửa, vật kiến trúc, cây trồng và đất; khoản 2 là phần tiền hỗ trợ khác. Mục đích để những hộ đã bị lừa phỉnh bán đất sẽ chỉ phải trả cho người mua số tiền phần 1, còn số tiền hỗ trợ thì họ sẽ được hưởng để có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện đời sống cho gia đình.

Và mục đích này cũng được lãnh đạo Huyện ủy cụ thể hóa bằng chủ trương: Khoản tiền hỗ trợ bắt buộc phải được cấp phát cho chủ đất cũ (người dân đã bán đất). Theo đó tại đợt chi trả đầu tiên cho người dân ở xã Sơn Dung và Sơn Liên, tuy có xảy ra một số tranh chấp, nhưng nói chung là diễn ra khá suôn sẻ. Tuy nhiên tại 2 lần chi trả sau vào ngày 25/6 và 8/7 vừa qua cho 64 hộ dân xã Sơn Liên, lại xảy ra tranh giành, gây mất trật tự. Nguyên do Ban đền bù không chia ra, mà phát trọn gói.

Theo lý giải của Ban đền bù là do việc chi trả quá gấp, hơn nữa trước đó đã chậm trễ nhiều nên nếu cấp phát như đợt đầu tiên, thì thời gian sẽ kéo dài hơn dẫn đến người dân phản ứng.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc trên, Huyện ủy Sơn Tây đã chỉ đạo cho công an địa phương điều tra để làm rõ và xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.

Riêng thông tin về việc có người thân cán bộ tham gia chia tiền hỗ trợ của dân, theo ông Để là có. Và đến thời điểm này đã xác định được 1 trường hợp. Tuy nhiên mức độ cụ thể như thế nào hiện cơ quan công an đang điều tra.

Để ngăn chặn tình trạng trên tái diễn tại 2 đợt chi trả sắp đến, dự kiến là vào khoảng cuối tháng 7 và tháng 8 đến, có tổng số tiền lên đến khoảng 150 tỉ đồng. Lãnh đạo Huyện ủy sẽ họp và cương quyết chỉ đạo Ban đền bù phải thực hiện việc tách bạch các khoản để chi trả như đợt đầu tiên. Đồng thời chỉ đạo cho các tổ chức đoàn thể vận động người dân gửi tiền vào ngân hàng, ông Để cho biết.
                        

Công Hoàng

 


.